14/01/2020 07:15 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Tiền mừng tuổi hay lì xì là món quà đầu năm mới, nhằm "chúc phúc" (sức khỏe, may mắn) cho mọi người, nhất là cho trẻ em và người già. Ở một số nơi, lì xì tiền đầu năm còn có ý nghĩa là tiền "mở hàng" hay "phát vốn" nhằm cầu chúc cho một năm buôn bán, làm ăn thuận lợi; đồng tiền may mắn ấy tiếp tục sinh sôi, nảy nở.
Đây là một phong tục đẹp của người Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực châu Á trong dịp Tết Nguyên đán…
Trong trí nhớ của tôi, không thể nào quên được cái Tết năm 1980, ông anh mới cưới vợ đến chúc Tết và lì xì cho hai tờ năm hào mới tinh, còn thơm mùi giấy mới. Sở dĩ tôi không quên vì trước Tết năm ấy, tôi và đứa bạn thân mê mệt cuốn "Bài học thiên nhiên" của tác giả Vũ Kim Dũng. Thèm lắm mà không có tiền mua, cho nên cứ đi qua hiệu sách là lại vào "coi cọp". Vì thế khi nhận được tiền mừng tuổi, tôi lao ngay sang nhà bạn, quên mất rằng vẫn đang là sáng mùng 1 Tết và mình thì không được mời xông đất nhà bạn đầu năm. Hai đứa chui vào buồng, gộp chung số tiền mừng tuổi lại, chỉ mong nhanh hết Tết để đi mua vì sợ cửa hàng bán hết sách.
Thực tế cuộc sống hiện nay, tôi được nghe và được đọc nhiều những chia sẻ trên mạng xã hội về chuyện lì xì cho trẻ nhỏ. Khi mở phong bao ra xem, biết được số tiền không nhiều như kỳ vọng, chúng lập tức tỏ thái độ. Có vẻ như bọn trẻ giờ đây có "kế hoạch chi tiêu" lớn hơn rất nhiều so với việc mua một cuốn sách vài chục ngàn, cho nên chúng đặt quá nhiều kỳ vọng vào "kỳ thu hoạch" lì xì dịp Tết.
Những câu chuyện đáng buồn về văn hóa lì xì lại bắt nguồn từ chính người lớn. Có nhiều người khi mừng tuổi cố tình không cho tiền vào phong bao để khoe mệnh giá tờ tiền “phóng tay” cho đám trẻ.
Chính tôi cũng không ít lần chứng kiến một số gia đình, mỗi khi gặp nhau chúc Tết là lại biến câu chuyện mừng tuổi trở thành một cuộc thi đấu “mệnh giá” tiền, xem ai mừng nhiều hơn. Người ta mừng cho con mình bao nhiêu thì mình cũng phải "đáp lễ" cho con họ ở mức tương đương, nếu không sẽ bị coi là bủn xỉn.
Cũng vì chuyện này mà nhiều chàng rể về quê ăn Tết nhưng tâm trạng luôn lo lắng ái ngại vì sợ bà con họ hàng chê lì xì ít, trong khi khả năng tài chính của mình có hạn. Thưởng tết cộng tháng lương thứ 13 nhiều khi không đủ cho tiền lì xì.
***
Có rất nhiều gia đình hiện nay, tiền mừng tuổi của các con nhận được có khi lên đến hàng chục triệu đồng. Nhiều bậc phụ huynh không cho con cái được giữ số tiền này vì sợ các cháu làm mất hoặc chi tiêu vào những trò vô bổ.
Nhưng nếu cha mẹ "trưng thu" số tiền này thì có khi lại khiến ngày Tết mất vui, vì con cái dễ sinh ra giận dỗi, oán trách. Mà chúng phản ứng xem ra cũng không phải không có cơ sở. Vừa qua báo chí còn đưa ra suy luận rằng, cha mẹ có thể bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng nếu lấy tiền lì xì Tết của con mà không được con đồng ý (theo điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)!
Thật ra, để cho hợp tình và cũng hợp cả lý nữa, tôi nghĩ rằng cha mẹ không nên "tịch thu" tiền lì xì của con cái nhưng rất nên quản lý và hướng dẫn các con sử dụng số tiền ấy như thế nào sao cho đúng mục đích và hiệu quả.
Tôi cho đây cũng là cơ hội để các bậc phụ huynh dạy con cách sử dụng đồng tiền. Hãy cùng con xây dựng một “kế hoạch chi tiêu” tương ứng với số tiền ấy, thậm chí có thể nâng lên thành một kế hoạch "khởi nghiệp" nho nhỏ.
Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách "liệu cơm gắp mắm” và chịu trách nhiệm về cách chi tiêu của mình. Khi chúng đã hiểu được giá trị đồng tiền, cách lao động để kiếm tiền, hãy giúp trẻ hình thành tư duy tài chính linh hoạt, bạo dạn và năng động hơn. Xét cho cùng thì điều này cũng không đi ngược lại với ý nghĩa "mở hàng", "phát vốn" đầu năm của phong tục lì xì.
Hãy giữ gìn và học cách để nâng tầm phong tục lì xì (mừng tuổi) này lên, để nó trở thành một bài học "khởi nghiệp" cho trẻ.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất