06/01/2011 11:15 GMT+7 | Trong nước
Các bức ảnh lần đầu xuất hiện vào ngày 29/12/2010 trên vài trang web không chính thức của Trung Quốc, đã giới thiệu chiếc J-20 với dáng vẻ hiện đại đứng sừng sững trên đường băng. Phần lớn các bức ảnh ghi lại cảnh chiếc máy bay đang thử chạy đà trên đường băng, ngoại trừ một tấm có chất lượng rất xấu cho thấy nó gần như đã cất cánh với bánh phía đằng mũi đã nhấc lên trên không.
Chiếc máy bay “lai” nhiều đặc điểm
Tạp chí Aviation Week sau đó đã đăng lại những tấm hình này, kèm theo các đánh giá ban đầu của họ về mẫu máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc.Căn cứ vào hình ảnh được công bố, mẫu chiến đấu cơ thế hệ mới của Trung Quốc là sự kết hợp giữa chiến đấu cơ thế hệ 5 PAK-FA/T-50 của Nga và F-22 Raptor của Mỹ. Nhiều bộ phận của chiến đấu cơ này như buồng lái, mũi máy bay và cửa hút khí động cơ rất giống với F-22. Trong khi đó, các phần khác của máy bay như cánh lái, thân sườn và cửa xả động cơ lại có nhiều điểm giống với mẫu T-50.
Phiên bản J-20 lớn hơn khá nhiều so với những gì người ta đã tưởng. “J-20 là mẫu máy bay một chỗ ngồi 2 động cơ, lớn hơn và nặng hơn chiếc Sukhoi T-50 của Nga và chiếc F-22 của Mỹ” - Aviation Week đánh giá - “So sánh với những chiếc xe dịch vụ ở dưới mặt đất, có thể thấy máy bay có chiều dài khoảng 22,8m và sải cánh chừng 13,7m hoặc hơn. Nghĩa là chiếc máy bay có thể cất cánh với trọng lượng 34-36 tấn. Trọng lượng rất lớn này khiến nó có khả năng mang theo lượng nhiên liệu khổng lồ”.
Bánh đáp chính của J-22 có thể thu vào bên trong khoang chứa nằm trong thân, cho thấy máy bay cũng có thể mang khoang chứa vũ khí giống F-22. Khoang chứa này sẽ cho phép lắp vào các vũ khí cỡ lớn như tên lửa không đối đất. Aviation Week dẫn lời các kỹ sư thiết kế Trung Quốc có mặt ở Triển lãm Hàng không Chu Hải diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, nói rằng các vũ khí không đối đất mới được phát triển gần đây của Trung Quốc được yêu cầu phải đảm bảo tương thích với J-20.
Không ai biết rõ những bức ảnh đã được chụp vào thời điểm nào. Tuy nhiên có tin nói rằng nó do một số người Trung Quốc mê máy bay ghi lại khi họ ở gần Viện Thiết kế máy bay Thành Đô nằm ở phía Tây Trung Quốc, nơi chiếc J-20 đang được bí mật phát triển. Vài chuyên gia đã ngay lập tức đánh giá chiếc máy bay chỉ là một phiên bản mô hình, thay vì mẫu thử của máy bay tàng hình thực thụ, vốn có khả năng “vô hình” trước sóng rađa và thiết bị dò tín hiệu hồng ngoại.
Họ cho rằng khả năng sản xuất máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Cần nhớ rằng chiếc Chengdu J-10 thế hệ 4 của họ xuất hiện lần đầu vào năm 2006 sau nhiều thập niên thử nghiệm. Nhưng các chuyên gia quân sự đã đánh giá nó chỉ tương đương với máy bay phương Tây trong thập niên 80. Gần đây Bắc Kinh đã nỗ lực phát triển chiếc Shenyang J-15 hoạt động trên tàu sân bay, một phiên bản của chiếc Su-33 đã bay cách đây 25 năm.
Một trong những lĩnh vực Trung Quốc vẫn còn rất yếu là nghiên cứu động cơ phản lực. Có tin động cơ hiện đại nhất của Trung Quốc là Shenyang WS-10 đã phải đại tu sau mỗi 20 giờ bay. Mẫu J-10 nội địa và cả mẫu J-11B, sao chép từ nguyên mẫu Su-27, vẫn đang phải sử dụng các động cơ Saturn AL-31 do Nga sản xuất. Ngay cả chiếc Chengdu JF-17 Thunder, một phiên bản máy bay rẻ tiền được Trung Quốc bán cho Pakistan, cũng phải sử dụng động cơ Klimov RD-93 của Nga.
Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia khác đã bày tỏ tin tưởng các tấm hình này là “hàng thật”, thuộc về một chiếc máy bay thực thụ. “Các bức ảnh đó trông rất thật” - Gareth Jennings, biên tập viên tại tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly nhận xét - “Xét tới thực tế rằng phần bánh nằm ở mũi của chiếc máy bay đã nhấc lên khỏi mặt đất trong một bức ảnh, có thể thấy nó đang thử nghiệm di chuyển tốc độ cao trên đường băng. Điều đó cũng có nghĩa một chuyến bay thử sẽ sớm diễn ra. Chúng tôi nghe tin rằng việc này có thể xảy ra trong một vài tuần tới”.
Các chuyên gia Andrei Chang của tờ nguyệt san Kanwa Asian Defence có trụ sở tại Canada và Richard Fisher, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế ở Washington cũng tin rằng những tấm ảnh là thật, không qua dàn dựng. Theo Fisher, các bức ảnh cho thấy Bắc Kinh đã bắt kịp với cuộc đua sản xuất máy bay tàng hình nhanh hơn dự kiến.
Mục đích phô trương
Việc những tấm ảnh xuất hiện chỉ vài ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã khiến giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang muốn phô diễn tiềm năng quân sự. Ông Gates từng đánh giá rằng Trung Quốc sẽ không thể có máy bay tàng hình hoạt động trước năm 2020.
Chuyến thăm của ông Gates sẽ diễn ra gần một năm sau khi Trung Quốc ngừng các quan hệ quân sự với Mỹ. “Mỹ chủ trương duy trì quyền bá chủ toàn cầu, đồng thời vẫn muốn bảo tồn các lợi ích trong khu vực. Điều này gây ra xung đột khi Trung Quốc vươn lên về quân sự” - Han Xudong, một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc nhận xét trên tờ Thời báo Hoàn cầu.
Được biết ngoài J-20, Trung Quốc cũng đang tiến nhanh trong việc nâng cao khả năng sản xuất vũ khí hiện đại, gồm cả máy bay không người lái, tàu sân bay và tên lửa diệt tàu sân bay. Các hệ thống vũ khí đó có thể giúp tăng đáng kể tiềm lực quân sự của Trung Quốc và đặt ra thách thức không nhỏ với sức mạnh Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất