Ai bảo vệ người đi bộ?

02/02/2016 18:04 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Tất nhiên, người đi bộ phải tự bảo vệ bản thân mình, trước hết bằng việc phải tuân thủ đúng luật lệ giao thông.

Theo quy định, người đi bộ phải đi trên vỉa hè (nếu là  phố có vỉa hè, hoặc lề đường (nếu là đường cái quốc lộ, đường dân sinh), trường hợp không có vỉa hè, lề đường thì phải đi sát mép đường. Người đi bộ khi sang đường phải tuân theo đèn tín hiệu (nếu có đèn) và đi trên vạch sơn. Trường hợp đường không có vạch sơn thì “người đi bộ qua đường phải quan sát các xe đang đi tới. Người đi bộ chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi qua đường”.

Nhưng ngay cả khi tuân thủ rất đúng luật, thì người đi bộ vẫn chưa chắc đã bảo vệ được mình. Ví dụ khi đi trên đường phố có vỉa hè, nhưng vỉa hè bị chiếm dụng để bán hàng quán, để xe máy, ô tô... thì người đi bộ bắt buộc phải “phạm luật”. Bởi thế có chuyện phi luật, nhưng lại rất thực tế, ấy là "Nơi nào có vỉa hè bị chiếm dụng, cảnh sát sẽ không tập trung xử lý người đi bộ" – phát biểu đầy thông cảm của thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1 trên báo chí.


Ở những nơi vỉa hè bị chiếm dụng như thế này, người đi bộ chỉ có thể đi xuống lòng đường. Ảnh: Internet

Nếu theo luật, người đi bộ có quyền kiện các cá nhân, tổ chức chiếm dụng vỉa hè cùng cả lực lượng chức năng quản lý vỉa hè, đã tước mất phần đường đi bộ dành cho họ.

Ai đã từng dạo bộ trên vỉa hè Hà Nội thì sẽ phải cười ra nước mắt khi nhìn bức tranh biếm họa trên Tuổi trẻ Cười khi người đi bộ phải tập đi theo đường số 8 để... tránh các chướng ngại vật trên vỉa hè, lề đường.

Và còn hơn thế, người đi bộ còn phải tập chạy vượt chướng ngại, khi vỉa hè, lề đường còn có quá nhiều vũng nước, bãi rác, gạch đá...

Ở những nơi không có vỉa hè, lề đường, đèn tín hiệu, vạch sơn thì người đi bộ muốn băng qua đường một cách đúng luật còn nguy hiểm hơn cả... đường lên Fansipan (nhất là khi Fansipan vừa có cáp treo). Theo tôi, luật chưa bảo vệ quyền của người đi bộ một cách đầy đủ trong quy định “người đi bộ qua đường phải quan sát các xe đang đi tới. Người đi bộ chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi qua đường”.

Theo tôi, quy định này mới chỉ một phía.

Khi đi bộ ở Berlin, người viết bài nhận thấy, cho dù xe cộ bên Đức thường phóng cực nhanh trên đường phố. Nhưng bất kỳ khi nào thấy người đi bộ “thập thò” trên vỉa hè, dòng xe cộ đều đi chậm lại và dừng hẳn xe khi người đi bộ bước xuống đường. Đi bộ ở Berlin, bạn thường xuyên nhìn thấy cảnh lái xe ô tô, sau khi dừng xe, khoát tay mời bạn qua đường cực kỳ ga-lăng giống như chìa tay mời phụ nữ bước ra sàn khiêu vũ vậy.

Thực sự với lưu lượng ô tô, xe máy đông kìn kịt trên đường vào những ngày giáp Tết này, mà nếu không có sự chủ động nhường đường từ phía các lái xe, thì người đi bộ chỉ có thể sang đường nhờ sự dắt tay của CSGT hoặc phải tìm chỗ có vạch sơn và đèn tín hiệu. Mà thực tế thì có lẽ, rất rất ít thấy cảnh ô tô xe máy dừng hẳn lại nhường đường cho người đi bộ, kể cả những nơi có đèn tín hiệu dành cho người đi bộ sang đường.

Chúng ta thường chỉ thấy cảnh người đi bộ luồn lách qua đường theo hình chữ chi. Cứ chỗ nào ô tô xe máy chưa chồm tới thì ta đi.

Đi bộ thế nào cho đúng luật?

Đi bộ thế nào cho đúng luật?

Điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

Không thể phủ nhận, đa số người đi bộ thường không chú ý chấp hành luật lệ giao thông (cứ tiện chỗ nào là sang đường). Nhưng trong bối cảnh chúng ta thường phải “cướp đường” mà đi, thì người đi bộ - những đối tượng yếu thế nhất trong “trận chiến giao thông” – cần phải được bảo vệ nhiều hơn nữa.

Có người ví von trong “trận chiến giao thông” thời nay, người đi bộ yếu thế giống như bộ binh trong trận “giáp chiến” không cân sức với kị binh (xe máy) và xe bọc thép (ô tô).

Mà muốn bảo vệ người đi bộ thì luật lệ thôi chưa đủ. Cần nâng tầm của văn hóa giao thông.

Và cách tốt nhất để thấu hiểu người đi bộ là mỗi người nên thỉnh thoảng đi bộ một đôi lần...

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm