Giải thưởng Trần Hữu Trang: Gian nan tìm lại thương hiệu cải lương!

05/11/2020 07:48 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Trở lại sau 6 năm gián đoạn và được nâng cấp mang tầm quốc gia cùng nhiều đổi mới về phương thức tổ chức, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020 được kỳ vọng sẽ là bước đột phá mới, tạo đà cho sự chuyển mình tích cực của sân khấu cải lương sau thời gian dài ảm đạm.

Trao huy chương cho các tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang

Trao huy chương cho các tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang

Tối 3/11, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình công bố, trao giải và công diễn cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang – 2020” tại Nhà hát Thành phố (Quận 1).

Thế nhưng đó có vẻ là một suy nghĩ quá lạc quan!

Chưa phải là lực lượng đầy đủ nhất!

Với việc chấm thi theo các hạng mục: Kép mùi - Đào mùi, Kép lão - Đào mụ, Kép độc - Đào độc, Kép hài - Đào lẳng, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang là giải thưởng đầu tiên hướng đến tôn vinh người nghệ sĩ ở các dạng vai sở trường thay vì chỉ tập trung ở các nhân vật chính (thường là Đào - Kép mùi). Điều này thực sự tạo không khí phấn khởi trong giới làm nghề khi các “đào - kép phụ” âm thầm cống hiến bấy lâu có cơ hội “bước ra ánh sáng”.

Thế nhưng chỉ 45 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó khu vực phía Bắc chỉ có 7 thí sinh đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, khu vực phía Nam thiếu vắng các thí sinh đến từ các địa phương giàu truyền thống (Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai…). Rõ ràng, con số ấy khó có thể gọi là thành công.

Chú thích ảnh
Sau nhiều năm, nghệ sĩ Linh Trung có cơ hội thể hiện vai hài sở trường khi trở thành “Bùi Kiệm đẹp trai nhất Việt Nam” trong trích đoạn Bùi Kiệm - Nguyệt Nga

Lý giải về vấn đề này, nghệ sĩ Minh Trường cho rằng công tác tổ chức quá gấp, lại thêm tác động của dịch Covid-19 khiến việc quy tụ lực lượng tham dự không được như ý. “Các giải thưởng khác thì đã có kế hoạch trước một năm để các đơn vị nghệ thuật xin kinh phí hỗ trợ thí sinh đi thi” - anh nói - “Nay, cuộc thi tổ chức liền trong năm làm các đoàn, nhất là ở tỉnh, rất bị động trong việc xin kinh phí dự thi. Nhiều anh chị ở tỉnh rất mong muốn được góp mặt nhưng lại không đủ lực, dàn dựng tiết mục dự thi đâu phải ít tiền!...”.

Tương tự, nghệ sĩ Lệ Hằng cũng cho biết dù Nhà hát Cải lương Việt Nam của chị đã hỗ trợ hết mình nhưng chủ yếu các nghệ sĩ vẫn phải tự lo các chi phí cho phần thi của mình. Sau nhiều năm theo nghề, cho rằng đây là cuộc thi mà bất cứ diễn viên cải lương nào cũng muốn tham gia, Lệ Hằng nói rằng chị tin cuộc thi sẽ thu hút nhiều thí sinh nếu có công tác chuẩn bị chu đáo hơn.

Chú thích ảnh
Tiết mục dự thi vai diễn Nguyễn Thị Anh (Vua thánh triều Lê) của NSƯT Thiên Hoa (Nhà hát Cải lương Việt Nam) được đầu tư rất công phu

Cùng với đó, giải Trần Hữu Trang cũng bị “chia lực” với Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Cải lương toàn quốc 2020 (dự kiến diễn ra trong tháng 11). Nhiều diễn viên trẻ đã chọn tập trung cho sân chơi quen thuộc này hơn là sự trở lại của một giải thưởng sau thời gian dài gián đoạn.

Cũng không hay nhất!

Nhìn lại hơn 70 tiết mục dự thi từ vòng sơ khảo đến chung kết, có thể nhận thấy khá rõ sự khác biệt, nếu không muốn nói là chênh lệch, giữa các thí sinh hoạt động ở đô thị lớn với nghệ sĩ đến từ các tỉnh.

Chú thích ảnh
Thí sinh Nhã Thy (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đã đặt viết riêng về tâm sự Nguyễn Thị Anh (Bí mật vườn lệ chi) cho vai diễn dự thi vòng chung kết

Theo đó, các thí sinh của TP.HCM và Hà Nội có sự đầu tư khá chuyên nghiệp cho các tiết mục dự thi, nếu không là các vai diễn sở trường từng được khẳng định qua các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp thì cũng là những tiết mục được dàn dựng mới, thậm chí đặt hàng viết mới nhân vật theo hướng “đo ni đóng giày”.

Ngược lại, thí sinh từ các đoàn tỉnh gần như chỉ sử dụng “cây nhà lá vườn”, tận dụng kịch mục sẵn có của đoàn, hoặc thể hiện các “vai tủ” mà cuộc thi nào cũng xuất hiện. Sự non nớt trong nét diễn, lời ca lẫn thiếu kinh nghiệm diễn xuất ở sân khấu lớn của nhiều thí sinh vì thế cũng rõ ràng hơn.

Chú thích ảnh
Thí sinh từ các đoàn tỉnh chủ yếu tận dụng kịch mục sẵn có của đoàn

Có một thực tế nữa, dù đã mở rộng cơ cấu các vai diễn dự thi thì với việc không có thí sinh dự thi đào hài, chỉ 3 thí sinh dự thi kép hài, 3 thí sinh dự thi kép độc và chỉ 1 thí sinh dự thi đào độc vào được vòng chung kết, tất cả đã cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng đảm nhận các dạng vai này hiện nay trên sân khấu cải lương.

Và lực lượng những “đào - kép phụ” này lại chiếm phần ấn tượng tại cuộc thi hơn là những vai mùi vốn thường đảm nhận vai chính trong vở tuồng. Có thể kể đến một Hà Như (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đằm thắm mà sắc sảo, một Kim Phính (Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang) chân thật, nhẹ nhàng trong các vai mụ; hay nét diễn “tưng tửng” rất duyên của kép hài Linh Trung (TP.HCM)… Và ngay cả các thí sinh dự thi đào - kép mùi cũng có sắc màu đa dạng trong nhân vật, như: NSƯT Lê Trung Thảo (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đã có màn độc diễn độc đáo khi thể hiện cả ba nhân vật Lê Tư Thành - Nguyễn Thị Anh - Nguyễn Trãi (Đêm trước ngày hoàng đạo) với những sắc thái thay đổi liên tục; nghệ sĩ Nhã Thy thể hiện tâm trạng dằng xé giữa thiện - ác trong con người Thái hậu Nguyễn Thị Anh (Bí mật vườn lệ chi)…

Chú thích ảnh
NSƯT Lê Trung Thảo độc diễn cả 3 nhân vật Lê Tư Thành - Nguyễn Thị Anh - Nguyễn Trãi trong trích đoạn Đêm trước ngày hoàng đạo

Dường như dạng “đào - kép mùi truyền thống”, những nhân vật thuần chính diện “lấy nước mắt khán giả”, đã không còn được ưa chuộng. Điều ấy phần nào phản ánh sự thay đổi thẩm mỹ của khán giả theo thời đại ,nhưng phải chăng cũng do những nghệ sĩ có thể đảm đương vị trí đào - kép chính, là ngôi sao của vở diễn và của khán giả, đã lâu rồi không xuất hiện?

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, NSND Trần Ngọc Giàu, cũng chia sẻ thật lòng: Ở hạng mục Đào - Kép mùi dù vẫn tìm ra diễn viên để trao giải nhưng những gì đang có chưa hoàn toàn tròn vẹn. Ông mong các nghệ sĩ không thỏa mãn với giải thưởng mà nỗ lực rèn luyện thêm hơn cả về ca lẫn diễn!

Chú thích ảnh
Lần đầu tiên, nghệ sĩ Thanh Sơn dự thi một cuộc thi cá nhân, phát huy sở trường kép độc của mình

“Giờ kiếm một cặp đôi ca diễn lả lướt bên nhau, nghe êm tai, nhìn đẹp mắt sao khó quá, xem cải lương bây giờ cứ mệt mệt sao!” - lời phàn nàn từ nhiều khán giả cải lương thời gian qua gần như được phản ánh hoàn toàn qua cuộc thi lần này. Và thực tế ấy một lần nữa khẳng định sân khấu cải lương còn rất nhiều điều để làm, cũng như một Giải thưởng Trần Hữu Trang dù “nâng cấp” những vẫn sẽ còn gian nan để khẳng định lại thương hiệu cho chính nó!

NINH LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm