Nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ, anh trân trọng cả hai giải Cống hiến mới được nhận. Nhưng chiến thắng ở hạng mục “Nhà sản xuất của năm” lại cho anh cảm xúc đặc biệt, bởi nó gắn với những nỗ lực âm thầm mà Dương Cầm mong muốn được nhìn nhận.

(giaidauscholar.com) - Nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ, anh trân trọng cả hai giải Cống hiến mới được nhận. Nhưng chiến thắng ở hạng mục “Nhà sản xuất của năm” lại cho anh cảm xúc đặc biệt, bởi nó gắn với những nỗ lực âm thầm mà Dương Cầm mong muốn được nhìn nhận.

Điểm mạnh lớn nhất của nhạc sĩ Dương Cầm so với nhiều “đồng nghiệp” cùng thế hệ khác là nền tảng học thuật bài bản. Anh theo học piano từ năm 7 tuổi và được đào tạo về sáng tác ở hai ngôi trường hàng đầu là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội.

Con đường anh theo đuổi cũng bám theo lợi thế ấy. Cho đến trước khi tham gia gameshow Sao đại chiến thì Dương Cầm vẫn là một cái tên khá “lặng thầm” trên thị trường. Một phần bởi anh làm sản xuất nhiều hơn sáng tác. Và quan trọng là thứ âm nhạc anh theo đuổi mang nặng tính nghệ thuật vốn không phải để “tạo hit”.

Chứng kiến Dương Cầm nhận hai chiếc cúp ở hạng mục “Nhà sản xuất của năm” và “Nhạc sĩ của năm” tại giải Âm nhạc Cống hiến lần 13-2018, nhiều người không khỏi cho rằng nó có liên quan đến sự bùng nổ của anh ở Sao đại chiến. Bản thân Dương Cầm cũng không hoàn toàn phủ nhận điều này.

* Có thể nói 2017 là một năm “thăng hoa” của Dương Cầm. Thành quả của sự thăng hoa đó là “cú đúp” tại giải Cống hiến có ý nghĩa gì với anh?

- Giải cống hiến là một giải thưởng uy tín, và bản thân tôi sau khi nhận giải này cảm thấy mình sẽ phải có ý thức hơn với nghệ thuật, để không phụ lòng trước hết là những người đã bầu chọn cho mình, và đặc biệt là công chúng.

* Nhiều người cho rằng sự bùng nổ ở “Sao đại chiến” là bước đệm quan trọng đưa anh đến với hai chiếc cúp tại giải Âm nhạc Cống hiến. Cá nhân anh nghĩ sao?

- Trùng hợp và cũng may mắn là ngay gameshow đầu tiên tôi tham gia, Sao đại chiến trở thành bệ phóng để khả năng của tôi được công chúng nhìn nhận nhiều hơn. Cũng có lẽ nhờ vậy mà Dương Cầm mới được nhiều người ủng hộ và bỏ lá phiếu bầu tại giải Cống hiến.

Thêm nữa, Sao đại chiến cho tôi cơ hội được làm những thứ hài hòa giữa nghệ thuật và giải trí.

* Cuộc tranh luận chủ yếu ở “Sao đại chiến” xoay quanh 2 quan điểm làm âm nhạc: nghệ thuật và giải trí. Hậu “Sao đại chiến”, quan điểm làm nhạc của Dương Cầm có thay đổi?

- Tôi vẫn giữ quan điểm đi sâu về thiên hướng nghệ thuật. Nhưng sẽ tùy chương trình để tìm kiếm sự kết hợp hài hòa. Mình làm nghệ thuật nhưng vẫn phải có sức hút, khiến cho khán giả cảm thấy thoải mái chứ không nên quá nặng nề hay khó hiểu.

* Trong vài số của “Sao đại chiến”, sản phẩm của anh được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng điểm số từ khán giả lại có vẻ không... xứng tầm. Lúc đó anh đã nghĩ sao?

- Ngay từ lúc đầu đến với Sao đại chiến tôi đã nghĩ mình sẽ ra về sớm. Và ngay từ đầu tôi cũng đấu tranh xem mình sẽ đi theo hướng giải trí hay chuyên môn. Rồi tôi cũng xác định một khi mình chọn đưa tác phẩm có thiên hướng chuyên môn sâu thì khán giả sẽ không có đủ thời gian tiếp nhận thứ khác lạ như vậy.

 

Hơn nữa số điểm của 100 khán giả theo tôi cũng không đủ để đại diện cho toàn bộ người nghe nhạc cả nước. Nhưng tôi vẫn chấp nhận, vẫn kiên định đưa ra tác phẩm phản ánh quan điểm nghệ thuật của tôi.

* Nhiều người tò mò về mối quan hệ của anh với các nhà sản xuất khác phía sau những màn tranh luận “nảy lửa” trên sóng truyền hình.

- Mối quan hệ của chúng tôi vẫn bình thường. Có thể trong chương trình chúng tôi tranh luận quyết liệt nhưng sau cùng, chúng tôi vẫn bắt tay nhau cười nói. Vài lần ghi hình xong chúng tôi lại kéo nhau ra ngồi uống bia, đi chơi đến gần sáng.

Có thể mọi người thấy Dương Cầm chỉ trích gay gắt, nhưng ngược lại , tôi cũng nhận về những nhận xét thẳng thắn từ đối thủ. Đó là điều có qua có lại rất bình thường. Có quý nhau và muốn giúp nhau tốt lên thì mới nói thẳng, nói thật như vậy.

* Trước đây diva Mỹ Linh từng “gây bão” với những phát ngôn thẳng thắn trên truyền thông và có vẻ đến hiện tại, chị đã đằm xuống, thận trọng hơn. Bản thân anh, sau những sóng gió vừa qua có nghĩ mình nên học cách “nói sự thật theo cách khôn ngoan”?

- Tôi cho rằng những phát ngôn của tôi không có gì quá nặng nề. Tôi nghĩ người trong giới chuyên môn sẽ cho đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Để quay trở lại lúc đó hay làm tiếp chương trình khác thì tôi vẫn sẽ nói thẳng như vậy.

Những lời nói thẳng của tôi có thể động chạm, nhưng là sự động chạm tích cực. Tôi muốn người mình góp ý tiến bộ hơn và bản thân mình cũng vui vì nó giúp các bạn “căng” hơn, tích cực hơn với cuộc đua để cho ra sản phẩm chất lượng gửi đến khán giả.

*Anh đã bước ra “ánh sáng” với một gameshow truyền hình. Anh sẽ tiếp tục với những gameshow khác chứ?

- Có thể tôi sẽ vẫn tham gia, nhưng sẽ chỉ tham gia những gameshow có giá trị về mặt nghệ thuật. Nhân đây tôi cũng muốn “nhắn nhủ” đến các nhà tổ chức, rằng tôi chỉ biết nói về chuyên môn âm nhạc thôi. Còn nói để gây cười hay làm “xôm” cho chương trình thì tôi chịu, có khi nói lại thành ngớ ngẩn mất.

*Anh nhìn nhận thế nào về công việc của một nhà sản xuất?

- Nhiều người hỏi tôi, giữa 2 giải cống hiến tôi trân trọng cái nào hơn. Thực ra cả 2 tôi đều trân trọng. Nhưng hạng mục “Nhà sản xuất của năm” lại cho tôi cảm xúc đặc biệt, bởi nó gắn với nỗ lực âm thầm đứng sau thành công của các chương trình, sản phẩm âm nhạc mà tôi cũng như các nhà sản xuất khác đều mong muốn được công nhận đúng mức.

Công việc của một nhà sản xuất khó khăn hơn nhạc sĩ. Nhà sản xuất phải bao quát kết hợp những sáng tác nhiều khi không phải của mình với ca sĩ này, nhạc sĩ hòa âm kia để tạo nên sản phẩm chất lượng.

Phải đến khoảng 5 năm trở lại đây, vị trí của nhà sản xuất âm nhạc mới được biết đến nhiều hơn. Mọi người nhìn nhận thêm về một vị trí làm âm nhạc, đấy là những người có sự định hướng cho ca sĩ, tác phẩm và cả chính tác giả. Thị trường âm nhạc nằm trong tay của các nhà sản xuất âm nhạc.

* Nhiều người nói, dạo gần đây Dương Cầm “mải mê” làm nhà sản xuất mà “bỏ quên” công việc sáng tác...

- Đúng là tôi sáng tác không nhiều, mỗi năm chỉ khoảng 3-4 bài. Nhưng không phải do tôi không sáng tác được hay bỏ quên nó.

Tôi có thể nhìn ra nhiều vấn đề để viết. Tuy nhiên tôi luôn phải chọn lọc, không dám viết quá nhiều vì sợ đánh mất bản sắc.

* Anh tự nhận thấy bản sắc âm nhạc của mình như thế nào?

- Những bài hát tôi sáng tác ra thường mọi người sẽ thấy nó hơi trúc trắc, không dễ hát nên tất nhiên là cũng không dễ nghe. Nhưng tất cả tôi đều xuất phát từ cảm xúc thật, cường điệu hóa lên một chút, biến nó thành câu chuyện hay. Để sáng tác một bài hát với tôi không hề đơn giản.

* Anh nghĩ gì về thế hệ nhạc sĩ kế cận hiện nay mà anh là một trong số đó?

- Thế mạnh của lớp nhạc sĩ hiện tại là dễ dàng tiếp cận đến cái hay, cái mới của nền âm nhạc thế giới. Nhưng làm sao để giữ được bản sắc của âm nhạc Việt Nam thì đó là điều tôi rất lo lắng. Bởi thực tế là một bộ phận nhạc sĩ theo tôi thấy hiện nay đang bị “Tây hóa”.

Đó là suy nghĩ của tôi, còn các bạn khác có cùng chung suy nghĩ vậy không thì lại rất khó nói.

 

* Anh có thể làm rõ hơn câu chuyện “Tây hóa” này, bởi đâu đó nó có liên quan đến vấn đề ngày càng phổ biến là chuyện đạo nhạc, tương đồng trong một số sáng tác, bản phối của Việt Nam với những sản phẩm trên thế giới?

- Nền công nghiệp âm nhạc của chúng ta đi sau thế giới quá xa. Chúng ta nghe nhiều, học hỏi họ nhiều quá mà không có sự tỉnh táo thì rất dễ hòa lẫn. Nhiều khi nhạc sĩ nghe nhiều một cách không ý thức thì khi viết ra giai điệu hay đặt bản phối cho các bài hát, vô hình nó bị in sâu vào đầu và làm ra bị giống. Với tôi, phải tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin mới để làm sao vẫn phải có gì đó của mình.

Mọi người nói rằng chỉ có 7 nốt nhạc, viết kiểu gì cũng giống nhau. Tôi thì nghĩ khác. Nếu trong tâm bạn có ý thức làm sao để nó không bị trùng lặp thì sẽ làm được.

* Có một thực tế là các ca khúc nhạc thị trường có vòng đời không dài, nhạc sĩ bắt buộc phải chạy theo số lượng, phải “có hit” để giữ tên tuổi. Điều này có phải nguyên nhân dẫn đến chuyện “cẩu thả” và thiếu đầu tư sáng tạo trong sáng tác?

- Tôi nghĩ một phần lỗi do khán giả. Khán giả đón nhận mọi thứ dễ dàng quá, tiếp tay cho những sản phẩm như vậy. Khán giả khó tính hơn thì tự nhiên những ca khúc kém chất lượng, vòng đời ngắn hay sáng tác kiểu “cẩu thả” sẽ không còn nữa.

* Nhưng trách nhiệm định hướng khán giả lại nằm ở chính các nghệ sĩ, nhạc sĩ?

- Đúng là như vậy. Thiên chức của người nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ trong âm nhạc, như tôi đã từng nói trong Sao đại chiến, là mang đến cho khán giả những cái hay, cái đẹp, những thứ thuộc về “chân – thiện – mỹ”.

Không thể bắt khán giả ngày nào cũng ăn cơm bụi, phải cho họ thưởng thức món ăn ngon, mới lạ và có giá trị độc đáo. Đó là trách nhiệm của một người nghệ sĩ.

Nhưng dù sao, cũng còn tùy quan điểm và khả năng của từng người. Vẫn có những người chọn cách chạy theo, chiều lòng khán giả.

 

Trân trọng sự hi sinh của bố, mẹ và vợ

* Bố và mẹ anh đều là những tay trống, tay đàn nghiệp dư. Họ có ảnh hưởng thế nào đến con đường âm nhạc của anh?

- Tôi thừa hưởng niềm đam mê âm nhạc từ cha mẹ và hơn cái là được học nhạc bài bản. Sự thành công của tôi ngày hôm nay đến từ sự hi sinh của bố mẹ, khi đã chấp nhận cho tôi xa gia đình từ nhỏ để ra Hà Nội học nhạc. Tôi trân trọng sự hi sinh đó.

Phong cách của tôi cũng ảnh hưởng nhiều từ bố. Bố tôi thích nghe các nhạc sĩ của thế hệ trước như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9,.. từ đó tôi cũng bị ảnh hưởng theo.

 

* Một sự hi sinh khác mà anh đã nhắc đến nhiều lần, kể cả trên sân khấu nhận giải Cống hiến vừa qua là từ vợ. Và anh cũng gọi vợ và con trai là “thần may mắn” cho mình. Tại sao vậy?

- Từ lúc có vợ bên cạnh công việc của tôi đã tiến triển khá tốt. Vợ tôi là người sắp xếp công việc, giúp tôi làm việc khoa học hơn. Gặp gỡ và kết hôn với vợ là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của tôi.

 

Tôi có may mắn là tính chất công việc dù bận rộn nhưng vẫn sắp xếp được để làm tại nhà, ở bên cạnh vợ con. Tôi khá thỏa mãn với công việc này.

 

* Liệu có thể nói, cuộc sống của nhạc sĩ Dương Cầm đang rất viên mãn?

- Có thể nói là vậy. Tuy nhiên vẫn còn một số điều tôi chưa thỏa mãn. Ví dụ như tôi vẫn chưa có được sản phẩm âm nhạc cá nhân cho riêng mình. Một albm theo phong cách cổ điển với sự tham gia của 4 giọng ca hàng đầu.

* Dự định khi nào anh sẽ “thỏa mãn” mong muốn đó?

- Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến cuối năm nay album sẽ đến tay công chúng.

Trong bài có sử dụng một số ảnh của đồng nghiệp, chúng tôi trân trọng cảm ơn!