Năm Dậu Tết gà

23/01/2017 15:30 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Năm nay Đinh Dậu là năm con gà.

Con gà đứng thứ mười trong hàng 12 con giáp, nhưng gà lại được ưa chuộng nhất, được nói đến nhiều nhất. Là con vật linh trong đời sống dân ta.

Trong đời sống xã hội, gà là con gia cầm được dùng làm vật dâng cúng thần linh song hành với lợn, nhưng so ra gà vẫn trội hơn lợn. Ngày Tết cúng gà Giao thừa, sáng mồng Một phải là gà choai, chưa đạp mái, thanh tịnh. Còn gà cho chàng rể đem lễ Tết đến nhà bố vợ thì chắc chắn phải là gà trống thiến. Gà nuôi 1 năm, nặng 4-5 cân béo mượt mới xứng đáng lễ vật! Miền xuôi chắc người ta quên dần lễ vật kiểu này, khi tiền làm thay mọi việc, nhưng vùng núi “ bảo thủ” hơn giờ vẫn bảo lưu khá tốt truyền thống đó.


Năm 2017 là năm Đinh Dậu. Ảnh: Internet

Trong 12 con giáp thì, gà có vị trí khá đặc biệt trong tín ngưỡng thờ cúng.

Vào bộ tranh “Tứ đại Nguyên súy” thì gà là thần sét, mình người đầu gà. Ngài cầm lưỡi tầm sét, mào dựng cao, mỏ nhọn sắc, quắc mắt, oai phong lẫm liệt.

Trong tranh thờ Hàng Trống thì gà vào trong tranh với vai trò “Đinh Dậu thần tướng” vô cùng oai vệ.

Trong  quan niệm dân gian thì tiếng gáy của gà xua đuổi được ma quỷ. Gà gáy cho hừng đông, cho mặt trời lên, ma quỷ biến mất.

Gà vào tranh dân gian.

“Gà thư hùng” (trống - mái). Thư là anh thư chỉ nữ giới, hùng là anh hùng, chỉ nam giới, tình cảm quấn quýt lứa đôi. Tranh “Gà đàn” thể hiện ước mơ tình cảm đời sống gia đình bền vững với dòng chữ minh họa trên tranh: “Có đầu có mỏ, no vợ đủ chồng/ Giống cánh giống lông, đông con nhiều cháu”.

Đặc biệt Gà “vinh hoa” bé trai ôm gà (trong bộ tranh đôi “Vinh hoa - Phú quý”), mong cho bé lớn lên có đầy đủ đức tính của gà: văn, vũ, dũng, nhân, tín.

Văn là biểu hiện thành đạt ở cái mào đỏ uy nghi như mũ quan triều. Vũ là dáng đi bệ vệ đôi bộ cựa như song kiếm. Dũng là sẵn sàng chiến đấu với đối thủ đến cùng. Nhân (nhân ái) là kiếm được mồi bao giờ cũng gọi gà mái và đàn con đến chia sẻ. Tín là năm canh gáy đúng khắc giờ.

Đông Hồ có bộ tranh đôi khá nổi tiếng, đó là Đại cát và Nghinh Xuân. Nghinh Xuân là rước xuân về, Đại cát là may mắn lớn. Mùa Xuân về mọi nhà rước Xuân sẽ có may mắn lớn đến. Đó là khát vọng muôn đời của mỗi người trong dịp đón năm mới về…

Điểm qua như thế để thấy vai trò con gà trong đời sống tâm linh và văn hóa Việt rất phong phú từ vật chất đến tinh thần. Đặc biệt qua tranh làng Hồ thì gà có đủ đức tính để người đàn ông phải noi theo học tập.

Ấy vậy mà con gà cũng có mặt yếu đi vào thành ngữ dân gian, đó là “Gà què ăn quẩn cối xay”. Thành ngữ này để chỉ những hạng người kém cỏi như con gà què, chẳng đi đâu xa, chỉ loanh quanh bên cái cối xay tìm hạt rơi nhặt hạt vãi, không có năng lực gì ngoài khả năng nhặt nhạnh. Một lời phê bình nhẹ nhàng nhưng cụ thể khiến ai đó có tật sẽ giật mình thon thót vì câu thành ngữ quá dễ nhớ.

Tết Đinh Dậu này, nhắc ta nhớ đến hai câu thơ của nhà tiên tri Trạng Trình:

“Mã đề, dương cước anh hùng tận

Thân Dậu niên lai kiến thái bình”.

Có lẽ sẽ vậy chăng khi con gà Đinh Dậu cất tiếng gáy vang lừng gọi mặt trời lên sẽ xua tan bóng đêm khiến các loài ma quỷ làm hại đất nước phải lui về chốn của nó để cuộc sống trở lại thái bình!

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm