Siêu Việt!

26/10/2014 08:26 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Hôm trước có một nhà báo Việt Nam có mặt tại Hội nghị Lindau, nơi tổ chức cuộc gặp mặt “các bộ óc siêu việt nhất hành tinh” nhân mùa Nobel năm nay tổ chức tại Stockhom, Thụy Điển.

Nhà báo cho biết: Trong gần 40 bộ óc vĩ đại bậc nhất hành tinh lần này xuất hiện tại Lindau có tới 19 nhà khoa học của Mỹ, 5 nhà khoa học Đức, Anh và Pháp có 3 nhà khoa học, Thụy Sĩ, Úc và Israel mỗi nước có 2 nhà khoa học. Còn trong tổng số 600 nhà khoa học trẻ đến từ 80 nước trên khắp thế giới được Ban tổ chức mời tham dự hôm nay, đông nhất vẫn là những người mang quốc tịch Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc...”.

Đọc loáng thoáng, thấy không có gì lạ, nếu trong bài viết không có thêm đoạn ngậm ngùi của tác giả, khi lật đi lật lại mãi cuốn danh bạ về 600 nhà khoa học trẻ mà không tìm thấy bất cứ nhà khoa học nào đến từ Việt Nam hoặc mang quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó các nước nghèo, chưa bao giờ thấy họ có thành tích trong các giải thi Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh… như Việt Nam lại hiện diện ở nơi đây. Campuchia ngay sát ta cũng có 1 nhà khoa học trẻ được mời tham dự; các nước khác như Kenya, Algeria, Zimbabwe… mỗi nước đều có 1 người tham dự, thậm chí một nước rất nghèo ở châu Á là Bangladesh lại có tới 3 nhà khoa học trẻ. Nỗi ngậm ngùi này càng tăng bởi tên của nhà báo Việt Nam trong đoàn nhà báo quốc tế bị để trống lịch phỏng vấn với dòng chữ “đang tìm người phù hợp”-  không có nhà khoa học trẻ nào đến từ đất nước mình nên không phù hợp với ai.

Nghe một ông khách đọc báo xong thuật lại như vậy (ông này đang bức xúc vì chuyện có con thi vào đại học năm nay mà giờ này vẫn thấy rối như canh hẹ mọi thứ quy chế), bà chủ quán bật cười. Vớ vẩn, các bộ óc siêu việt nhất thế giới họp đâu thì họp, buồn gì nỗi không có mặt người Việt. Cứ thử sang Việt Nam xem ai siêu việt hơn ai?

Cứ ví dụ về những con số, siêu việt hay không là thể hiện rất rõ. Vừa qua, Quốc hội nghe những con số báo cáo mà thấy hoài nghi vì quá đẹp, tức là có nhiều bộ óc siêu việt đã tham gia vào đấy. Đại diện Bộ GD&ĐT từng nêu ra tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội con số 34.000 tỷ đồng cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông, nhưng giờ con số do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vừa chính thức trình Quốc hội thấp hơn rất nhiều lần. Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện đề án chưa đến 800 tỷ đồng. Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết SGK; xây dựng, thẩm định SGK (dự kiến có 4 bộ); nghiên cứu SGK điện tử; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, SGK mới; đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kỹ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ SGK... Nghĩa là tính toán hết cả các khoản chi hợp lý và cần thiết đã “ngót” được đến ba mươi mấy nghìn tỷ. Ba mươi mấy nghìn tỷ là to lắm, đùa đâu. Phải rất siêu việt mới tính toán thêm bớt ra thành như thế.

Ngoài ra, tiêu chí để đánh giá, chẳng hạn thế nào là siêu việt, là tốt... thì đừng có dựa vào nước ngoài. Mình phải tin mình. Chẳng hạn trang mạng The Guide To Sleeping In Airports đưa ra kết quả bình chọn rằng hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm trong nhóm 10 sân bay tệ nhất châu Á là chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan về chất lượng dịch vụ của hai sân bay này, theo Cục Hàng không Việt Nam, trang mạng này không phải tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không, sai đúng không cần biết.

Tóm lại, mình đâu có thiếu những thứ siêu việt. Điều đó sắp tới còn đúng hơn nữa, một khi ngành y chuẩn bị học thêm môn Ngữ văn, và Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thì không những chỉ thêm môn Ngữ văn mà còn thêm cả môn Sinh học nữa...

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm