01/02/2018 20:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhân kỷ niệm 100 năm ra đời số báo Xuân đầu tiên của Việt Nam (1918 - 2018), tác giả Phạm Công Luận vừa phát hành cuốn Sài Gòn - phong vị báo Xuân xưa. Cuốn sách phác thảo sơ lược một giai đoạn báo Xuân ở Sài Gòn, kéo dài từ năm 1930 đến 1975. Đây có lẽ là cuốn sách hiếm hoi xuất bản dịp 100 năm ra đời số báo Xuân đầu tiên.
Cũng trong dịp này, Phạm Công Luận phát hành quyển cuối cùng của bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố (quyển 5)”, khép lại chặng đường 5 năm thực hiện bộ sách công phu.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với anh.
* Thưa anh, quyển "Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa" được cấu thành từ ý tưởng hoặc duyên cớ như thế nào?
- Như bao người viết, tôi lưu giữ nhiều sách báo để đọc và tìm tài liệu cho việc viết lách. Trong số đó, có nhiều tạp chí và báo Xuân từ thập niên 1940 cho đến nay. Một buổi tối, sau khi giở vài tờ trong số đó để tìm cảm hứng viết tập 5 bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, bất chợt tôi cầm lên số đặc biệt Xuân 1918 của tờ Nam phong (bản sao), một ý tưởng lóe sáng.
Tờ Nam phong Tết Mậu Ngọ (1918) được xem là số báo Xuân đầu tiên của Việt Nam. Tôi nghĩ ngay đến việc thực hiện một cuốn sách đánh dấu “sự kiện trăm năm” này. Từ đó, tôi phải thực hiện cùng lúc hai cuốn sách làm sao kịp ra đời cuối năm 2017, đúng thời điểm của Tết Mậu Tuất.
Trăm năm là không dài trong lịch sử, nhưng ở một loại hình nghệ thuật hoặc sản phẩm văn hóa phát triển không đứt khúc - như báo chí - thì có khá nhiều sự kiện trong đó. Sự hình thành và phát triển của báo Xuân ắt hẳn chất chứa nhiều điều thú vị cần được tìm kiếm, phục dựng, nghiên cứu.
* Có dịp đọc nhiều báo Xuân xưa nay, anh thấy những chủ đề, những tâm tưởng nào là xuyên suốt cả trăm năm qua?
- Đọc báo Xuân, mới thấy ngày xưa chuyện ăn Tết, thưởng Xuân rất được coi trọng. Trên báo Xuân luôn có những bài vở mang nặng hoài niệm, hồi tưởng những cái Tết đã qua ở mọi hoàn cảnh. Từ Tết trong tù đến trong vùng kháng chiến, Tết ở đảo xa cho đến Tết trên miền thượng du…
Dạng bài thứ hai là phản ánh cái Tết của mọi tầng lớp trong xã hội, trước hết là giới làm báo, rồi giới nghệ sĩ, giới chính khách… Chuyện ăn Tết của người nghèo, người dân khu nhà mới bị cháy cũng được quan tâm. Báo Xuân ngày xưa tuy có vài bài đề cập đến chính trị, chiến sự nhưng không nhiều, vì đã đưa quanh năm và phải chuẩn bị sớm nên không theo kịp thời sự. Do đó, đời sống xã hội, tâm tình ngày Tết chiếm đất nhiều hơn. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn của báo Xuân xưa. Tất nhiên hay dở còn tùy mỗi tờ báo.
* Những điều gì đã thay đổi, hoặc không còn nữa?
Thể loại sớ táo quân hầu như không thấy nữa, dù nó tồn tại khá lâu trên các báo Xuân trước kia. Các mục khác như Tết nào nói chuyện con đó, những người tài đất Việt khắp bốn phương, chuyện lạ đường xa, truyện ngắn, tản văn, thơ thì vẫn như cũ...
* Trong sách của anh còn trích in nhiều bài báo Xuân xưa. Theo anh thì thế nào là một bài báo Xuân thú vị?
Đó là những chọn lựa theo cảm nhận riêng, tôi nghĩ có thể chia sẻ với người đọc. Hầu hết bài báo Xuân trích đăng là những giai thoại độc đáo, thú vị về các nhà báo lớn và có cá tính của làng văn, làng báo Việt thời Pháp thuộc như Tản Đà, Phan Khôi, Nguyễn Bính... Họ từ miền Bắc, miền Trung gia nhập làng báo Sài Gòn. Bên cạnh đó là những bài viết súc tích, cảm động về đời sống xã hội thành phố này những thập niên từ 1940 đến 1970.
* Và hội họa miền Nam trước 1975 nữa, cùng với cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố (quyển 5), cuốn này cũng in lại khá nhiều hình tác phẩm từ bìa báo chí, lịch, ảnh chụp… Trong đây có nhiều họa sĩ nghe tên còn rất lạ, dù tác phẩm khá đẹp. Vì sao anh có nỗ lực công bố nhiều hình như vậy?
- Trong lời giới thiệu về các tác phẩm hội họa chọn đăng trong cuốn Sài Gòn - chuyện đời của phố (quyển 5), tôi viết: “Một ca khúc sáng tác hay dù rất xưa vẫn có thể được dựng lại nhiều lần, một tác phẩm văn chương có giá trị có lúc được tái bản... nhưng những bức tranh đẹp, trưng bày cho một giới thưởng ngoạn nhỏ, sau đó ngự trị ở nơi chốn riêng tư (không kể một số ít vào bảo tàng để trưng bày)... dễ bị ẩn khuất với người thưởng ngoạn, thậm chí tuyệt tích hẳn. Điều đó dẫn đến sự quên lãng đối với những họa sĩ từng có một thời thăng hoa, đưa đến một cái nhìn và sự đánh giá không đầy đủ về một nền mỹ thuật của một thời kỳ, trên một vùng đất”.
Những bức tranh làm bìa báo Xuân, tranh biếm họa, minh họa cũng là những tác phẩm cần được lưu giữ vì là nghệ thuật của một thời đã qua, chưa được đánh giá và nhìn nhận một cách đầy đủ. Tôi mong góp một phần tài liệu đang có cho việc này.
* Cảm ơn về cuộc trò chuyện này. Chúc anh có thêm những tác phẩm thú vị khác.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất