Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh

15/08/2024 06:53 GMT+7 | Văn hoá

Đèn đồng Đông Sơn thuộc vào loại hình hiện vật đa dạng và được đầu tư nghệ thuật vào loại nhất trong bảng hiện vật Đông Sơn. Điều đó phản ánh giá trị quan trng của hiện vật tạo sáng trong đời sống xã hội Đông Sơn và hé mở bức tranh tư duy khá phức tạp trong cư dân Đông Sơn. Bức tranh đó cho ta thấy tính đa tộc, đa tầng và đa văn hóa đương thời.

1. Tôi nhớ, vào khoảng năm 2012, tôi có dịp trình bày một seminar tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam về mỹ thuật tiền sử Việt Nam. Sau đó, PGS-TS Trang Thanh Hiền ở Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật có cho một sinh viên là em Vũ Thị Hằng đến gặp tôi đề nghị giúp đỡ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Nghệ thuật tạo hình đèn đồng Đông Sơn".

Công trình nghiên cứu được đánh giá tốt và được đề cử nhận giải Nhì của Quỹ Phạm Huy Thông năm đó. Tất nhiên, trong khuôn khổ một luận văn tốt nghiệp đại học, tác giả không có điều kiện để tổng hợp toàn bộ nghệ thuật chế đồ đồng "tạo sáng" của văn hóa Đông Sơn. Nhưng dù sao, đó cũng là một chuyên đề mỹ học đầu tiên trong lĩnh vực này đã được khởi động tốt.

Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh - Ảnh 1.

Một kiểu đĩa đèn gốm thời Đông Sơn - Giao Chỉ, thường kết hợp với hộp đốt trầm ở giữa, trên đỉnh luôn là một hình chim công

Trong phạm vi loạt bài về Tạo sáng Đông Sơn của chuyên mục này, tôi cũng chỉ giới thiệu một số nhận định chung nhất rút ra từ khối tư liệu hàng trăm chiếc đèn đồng Đông Sơn đã được thu thập.

Có thể khẳng định rằng, đèn đồng Đông Sơn là sản phẩm mang tính cá nhân cao dành cho quý tộc và tầng lớp thượng lưu của xã hội đương thời. Tôi cũng tin rằng, mỗi chiếc đèn đồng Đông Sơn đều là đồ được đặt làm hoặc chế tạo để dâng, biếu, tặng… cho những gia đình, đền miếu hoặc cá nhân cụ thể. Chỉ những chiếc đèn đơn giản làm bằng gốm, đất nung… mới được đem bán phổ thông ngoài chợ nông thôn, như tấm hình một người Pháp đã chụp được trong phiên chợ cách đây chừng một thế kỷ ở khu vực Nam Trung bộ của Việt Nam.

Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh - Ảnh 2.

Một dạng quang đèn đơn độc đáo thời Đông Sơn (sưu tập CQK - California, Mỹ)

Đèn đồng Đông Sơn có loại đơn giản nhất là một đĩa đồng đựng dầu, ở giữa có cột nhọn để gác bấc. Thông thường, đèn loại này có tay cầm bằng đồng đúc liền và có 3 chân bên dưới dùng để di chuyển soi sáng trong nhà. Tùy mức độ quyền quý của chủ nhân mà đèn loại này được làm đẹp ở phần cán bằng hình tượng một vị thần hoặc đầu rồng, đuôi công... Nhiều khi loại đèn này được tạo lỗ ở dưới đáy để đặt nhiều chiếc lên một khung đèn cây, tạo ra một cây, chùm nhiều đèn.

Trong các cây đèn, đĩa đèn lớn được coi như nguồn sáng chủ lực, chiếm vị trí trên đỉnh cây đèn. Các đĩa đèn khác được bố trí ở các cành nhánh bên dưới.

"Những chân đèn này đôi khi còn gá thêm cả ống cắm bút như minh chứng cho trào lưu học chữ sôi nổi ở thế kỷ 3…" - TS Nguyễn Việt

2. Sơ bộ có thể phân đèn đồng Đông Sơn thành mấy loại chính như sau:

* Đèn đơn là loại đèn chỉ có một bầu hay đĩa đựng dầu. Bấc đèn có thể chỉ có một bấc ở chính giữa, dựa vào một mũi nhọn hay một khối tượng dẫn lửa.

Có rất nhiều biến dạng ở loại đèn này, tập trung ở phần thân, quai, tay cầm đèn. Ở giai đoạn sớm, bầu đèn thường mang hình dáng một con chim, bụng chứa dầu, đầu và cổ hoặc đuôi làm tay cầm. Loại đèn có vòng quai đồng trông như một bên quang gánh đỡ lấy đĩa đèn, bên trên có móc treo, cũng thường là vị trí của một chim công.

Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh - Ảnh 4.

Những chân đèn đơn tạo dáng nô lệ đội đèn. Hiện vật gốm (hình trái) và đồng (hình phải) trong mộ gạch đầu Công nguyên ở vùng Giao Chỉ, giai đoạn Đông Sơn muộn

Chim công hoặc những nhạc công được gắn quanh vòng quai đèn tạo nên loại đèn qúy phái đặc trưng riêng của văn hóa Đông Sơn. Có lẽ đa phần chủ nhân Đông Sơn đều có ý nghĩ rằng lửa sáng do chim gắp từ mặt trời mang đến cho con người. Chim công đực với hàng chục vòng tròn tia mặt trời ở tán đuôi luôn được chọn trang trí cho đĩa đèn và lồng ấp đương thời.

Về loại đèn đơn đẹp có thể nhắc đến đĩa đèn mà Olop Janse khai quật ở Thanh Hóa khoảng 1936 - 1937. Đĩa đèn đơn này rộng khoảng 20cm có khối tượng người đóng khố nâng bấc ở chính giữa. Đĩa đèn này đã được trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Paris). Nhiều đĩa đèn đơn với chân đế tạo hình nô lệ tóc xoăn, bụng phệ dâng đèn rất phát triển trong quý tộc Đông Sơn - Giao Chỉ.

Nhân đây, tôi muốn nhắc đến một trong những sáng tạo kiệt xuất của thợ Đông Sơn: Đó là tạo ra phần cần đèn độc đáo ở thời Đông Sơn - Giao Chỉ là hình một nữ thần dài khoảng 25cm, hai tay bưng một đĩa đèn nhỏ, loại đường kính chỉ 5cm, trong tư thế đang bay hay đang bơi trong không trung. Phía lưng nữ thần có móc để treo hoặc gắn với một tay cầm để di chuyển. Nghệ nhân phải tính toán rất chính xác để sao cho khối tượng nữ thần luôn trong tư thế cân bằng với đĩa đèn để đốt không bị đổ ra ngoài.

Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh - Ảnh 5.

Dạng chân đèn hình linh thú ở Đông Sơn - Giao Chỉ giai đoạn muộn

Vào giai đoạn cuối của thời Đông Sơn - Giao Chỉ xuất hiện nhiều đèn đơn để bàn có chân đỡ là một khối tượng linh thú đặc trưng, thay thế cho tượng nô lệ dâng đèn.

Những chân đèn này đôi khi còn gá thêm cả ống cắm bút như minh chứng cho trào lưu học chữ sôi nổi ở thế kỷ 3 dưới thời cai trị Giao Châu của cha con Sĩ Vương Nhiếp. Đèn đơn chủ yếu dùng trong các hoạt động tạo sáng mang tính cá nhân, gia đình. Độ tinh vi, đẹp đẽ phản ánh vị trí của chủ nhân trong xã hội.

* Đèn kép, loại đèn thứ hai, thường dùng trong những không gian dinh thự lớn hay ở những nơi hội hè, cúng bái thần linh. Ngay từ thời Đông Sơn đã có những "cây" đèn cao vài ba mét, với hàng trăm đĩa đèn, mỗi đĩa đèn lại có một hình trang trí chim công xòe đuôi, tạo ra một không gian ánh sáng lung linh huyền ảo dành cho thần thánh.

Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh - Ảnh 7.

Một dạng đèn kép với cấu trúc 5 đèn với chân đế là tượng một vị thần đèn (ảnh phía trước và sau lưng bức tượng). Ảnh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam về hiện vật khai quật trong một mộ gạch hồi đầu Công nguyên ở Lạch Trường (Thanh Hóa)

Loại thông dụng hơn trong nhà các gia đình quyền quý là những cây đèn chừng 5 - 10 đĩa đèn. Khác biệt tâm linh và sự giàu sang luôn ở phần chân đỡ cây đèn mà chủ nhân đã đặt các thợ đúc chế đồng Đông Sơn. Mỗi tạo hình chân đèn đó ẩn chứa tài năng tạo hình diễn ý của thợ cả Đông Sơn, cho phép chúng ta "đọc" được tư tưởng tâm linh của các khối qúy tộc Đông Sơn khác nhau trong sự mong chờ, gửi gắm tới các vị thần đèn ánh sáng.

Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh - Ảnh 8.

Đèn kép Đông Sơn loại 5 đĩa đèn (hình trái) với một cụm tượng gồm 2 người đeo kiếm và đôi cừu đỡ đĩa đèn chính trên cùng (Hiện vật phục dựng của Bảo tàng Phạm Huy Thông)

Trong buổi "rì rầm" sau tôi sẽ lần lượt mô tả chi tiết 5 khối tượng chân đèn để cùng các bạn "đọc" ra những dòng tâm linh bí ẩn toát lên từ hình tượng được chủ nhân Đông Sơn gửi gắm trong các khối tượng chân đèn đó.     

Đèn Đông Sơn to cỡ nào?

Kích thước đĩa đèn rất khác nhau. Loại nhỏ nhất có đường kính khoảng 5 - 6 cm cao 1cm, đủ sức chứa 30 - 50ml dầu, tương ứng với thời gian chiếu sáng cho một bấc đèn trong khoảng 1 canh giờ (120 phút). Loại đĩa đèn phổ thông hơn có đường kính khoảng 8 - 10cm, cao 2 - 3cm có thể đốt tới 3 bấc đèn một lúc. Loại đĩa đèn lớn hơn có thể rộng tới trên 20cm, cao 5cm đủ chứa hàng lít dầu đốt nhiều bấc đèn một lúc.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm