08/11/2018 13:59 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Nền giáo dục Anh quốc được đánh giá vào bậc nhất trên thế giới về bề dày kinh nghiệm giảng dạy, chất lượng đào tạo và quản lý giáo dục. Anh là cái nôi đào tạo ra rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế, khoa học, xã hội và nghệ thuật. Rất nhiều các lãnh đạo trên thế giới đã từng theo học bậc đại học và sau đại học tại Anh.
Chính vì vậy, Anh luôn là điểm đến hấp dẫn của các sinh viên quốc tế. Số lượng du học sinh quốc tế theo học hiện nay tại Anh là khoảng hơn 1 triệu học sinh, sinh viên, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Một số quốc gia trên thế giới đã lấy mô hình giáo dục của Anh làm chuẩn để xây dựng hệ thống giáo dục quốc gia mình và có chỉnh sửa cho phù hợp với đặc điểm quốc gia mình như Singapore, Australia...
Hệ thống giáo dục Anh được đánh giá là đa dạng, để cao quyền tự chủ của các trường.
Hàng năm, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đưa ra bảng đánh giá so sánh quốc tế về giáo dục tại các nước công nghiệp phát triển, trong đó nêu ra những nét chính về khuynh hướng giáo dục ở các nước này. Các số liệu được xem xét dựa trên một số nét đặc trưng ở các hệ thống giáo dục ở xứ England, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Điều này cho thấy OECD đã đánh giá rất cao các giá trị, nguyên tắc giáo dục của Anh.
Anh là nước có mức học phí cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển, chỉ sau Mỹ. Các loại học bổng tại hệ phổ thông và đại học của Anh rất ít, mà chỉ có trợ giúp tài chính với số tiền rất khiêm tốn không đáng kể so với tổng số học phí mà người học phải trả.
Trẻ em Anh từ trên 5- 16 tuổi theo học hệ giáo dục bắt buộc, gồm giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến hết lớp 6; giáo dục phổ thông cơ sở từ lớp 7-11. Sau khi tốt nghiệp hệ phổ thông bắt buộc (GCSE), những em đủ điểm sẽ theo học hệ dự bị đại học (A level) 2 năm, hay hệ IB (2 năm) hoặc sẽ chuyển sang hệ học nghề BTech nếu không đủ điểm. Hệ đại học ở Anh thường là 3 năm, thạc sĩ 1 năm và tiến sĩ là 3 năm.
Đối với hệ thống các trường tư có học sinh quốc tế, thời gian học và nội dung giảng dạy linh hoạt hơn. Ví dụ, học sinh quốc tế sẽ thi tốt nghiệp hệ phổ thông cơ sở của Anh bằng hệ GCSE, hệ A level sẽ có thể học 1 năm cơ bản hay 18 tháng chứ không nhất thiết 2 năm như hệ thống trường công ở Anh. Học trường công, học sinh không phải đóng tiền học, các gia đình thu nhập thấp con cái được ăn trưa miễn phí, còn các trường tư phổ thông học sinh nộp tiền học từ 14.000-34.000 bảng/năm, chưa kể tiền ăn ở. Đây là trường dành cho giới nhà giàu ở Anh. Hiện có khoảng 7% học sinh Anh theo học tại các trường tư thục nội trú. Trong những năm gần đây, trường tư thục nội trú của Anh ngày càng thu hút nhiều con cái những gia đình giàu có ở Trung Quốc, khu vực châu Á và Trung Đông đến học.
Hệ đại học của Anh áp mức trần học phí với sinh viên Anh và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) là 9.250 bảng/năm học cho năm học 2018. Học phí đối với sinh viên quốc tế thường là từ 10.000 bảng- 38.000 bảng/năm học. Đối với ngành y, mức học phí cao hơn và số năm học nhiều hơn. Sinh hoạt phí tối thiểu trong 1 năm cho sinh viên quốc tế ở London khoảng 12.000 bảng/năm, ở các thành phố, tỉnh khác khoảng 10.000 bảng/năm.
Các trường công ở Anh có nhiều loại trường như trường nữ sinh, nam sinh riêng, trường học chung nam và nữ. Trường công là trường do chính phủ trả tiền chi phí giáo viên, nhưng chương trình học lại do các hội đồng địa phương kiểm soát. Giáo viên trường công cũng được hưởng chế độ hưu trí và lương như công chức của các hội đồng địa phương trên toàn nước Anh. Thời khóa biểu và cách phân bổ nguồn tài chính, tái đầu tư là tùy từng hội đồng địa phương, nên mỗi quận ở Anh có thể có thời gian khai giảng và nghỉ hè, nghỉ đông khác nhau.
Một loại trường công khác là trường chuyên cấp 2 có truyền thống hàng trăm năm. Lấy tên từ các trường từ thời Trung Cổ vốn đều dạy ngữ pháp Latinh, đây là loại trường công miễn phí nhưng không phổ cập cho tất cả. Để vào một trong hơn 200 trường chuyên cấp 2 ở Anh và Bắc Ireland (trong tổng số 3.000 trường trung học cơ sở), học sinh hết tiểu học phải dự kỳ thi tuyển ở lứa tuổi 11+. Là người từng học ở trường chuyên cấp 2, Thủ tướng Theresa May đang chủ trương sẽ phát triển mạnh loại trường chuyên này và có kế hoạch mở cho cả hệ A level. Hiện nay, tại hệ A level trường công một số rất ít trường có thi tuyển đầu vào.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục phổ thông của Anh còn có loại trường tự quản, vừa có nghĩa là tự do hơn về cơ chế giảng dạy, vừa miễn phí. Khác các trường tư thu phí, trường tự quản là hoạt động giáo dục bất vụ lợi. Sau khi trường ra đời và tự bầu ra hội đồng quản trị, chính phủ Anh có nghĩa vụ cung cấp ngân sách. Nhưng vì đây là tiền cấp thẳng của Bộ Giáo dục nên các hội đồng địa phương không có liên quan gì và không được can thiệp vào giảng dạy. Việc thuê tuyển giáo viên, tiêu chí học tập là hoàn toàn do trường quyết định.
Loại trường tự học ở nhà, trẻ em học ở nhà và Bộ Giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn cung cấp các chương trình học để phụ huynh lựa chọn .
Hệ thống giáo dục của Anh còn có trường đạo (gọi là trường theo tín ngưỡng), với nhiều nhất là trường Anh giáo, Công giáo La Mã, Do Thái giáo, và gần đây có cả Hồi giáo. Gọi là trường theo tín ngưỡng, nhưng ngoài phần cầu nguyện, học luân lý, tôn giáo, các bộ môn học khác vẫn do Bộ Giáo dục quyết định. Đã có trường hợp trường bị phạt vì vi phạm chính sách. Tại những trường này thường dành tỷ lệ 5%- 10% nhận học sinh theo các đạo khác hoặc không tôn giáo vào học để mở rộng tính bao dung, hiểu biết về tôn giáo. Việc nhận một vài phần trăm trẻ em Hồi giáo, Ấn giáo và đạo Sikh vào trường Công giáo La Mã hay Anh giáo là rất bình thường. Các em theo đạo khác không phải tham gia giờ cầu nguyện chung nhưng phần học còn lại thì hoàn toàn giống với đa số các bạn.
Anh còn có trường theo dạng học viện. Đây là dạng trường tư hoạt động theo quy chế từ thiện, không được thu phí, và theo giáo trình độc lập. Một số trường công bình thường hoặc trường chuyên cấp 2 được đổi thành trường học viện, theo chính sách từ thời Thủ tướng Tony Blair (2002) nhằm tăng tính tự chủ cho trường. Theo báo The Guardian (07/2018), cuộc thử nghiệm nhằm lập ra vài trăm trường học viện trên toàn xứ England đang gặp vấn đề. Một số hội phụ huynh học sinh chống lại việc trường học viện có quyền tự chủ tài chính đã chỉ bỏ tiền thuê hiệu trưởng lương cao mà bỏ bê quyền lợi học sinh, giáo viên.
Còn về các trường tư, dù khác với trường công ở chỗ học sinh phải đóng học phí nhưng loại trường này hoàn toàn tự chủ về tài chính, cách học, cách dạy. Giống như trường chuyên cấp 2, các trường tư thục nội trú cũng chia theo giới tính thành trường nữ, trường nam hoặc pha trộn. Trường tư cũng có loại bán trú, nơi học sinh đến học nhưng tối thì về nhà, giá tất nhiên là rẻ hơn nội trú.
Hệ thống đào tạo bậc từ đại học trở lên của Anh được đánh giá cao trên toàn thế giới. Rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, nghệ thuật, xã hội đã học đại học hoặc sau đại học ở Anh như nhà vật lý Albert Einstein, nhà kinh tế học Adam Smith, cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhà vật lý Stephen Hawking, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbot, cố Thủ tướng Ấn Độ Indra Gandhi, Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, cựu Thủ tướng Thái Lan hiện là chủ tịch đảng Dân chủ Thái Lan Abhisit Vejjajiva... Một số trường đại học của Anh nằm trong top 10 trường đại học thế giới như đại học Oxford, Cambridge.
Bài 2 – Giáo dục Anh đề cao tinh thần tự học, không tạo sức ép thành tích cá nhân
Diễm Quỳnh - P/v TTXVN tại Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất