CUỘC TRÒ CHUYỆN LỊCH SỬ GIỮA ROGER FEDERER VÀ BILL GATES
(giaidauscholar.com) - Hai thập niên sau khi khởi đầu một huyền thoại, Roger Federer giờ đang chơi quần vợt với sự tự do hoàn toàn tươi mới, và anh đang tìm được nhiều niềm vui đến mức còn lâu mới nghĩ tới từ bỏ sân đấu.
“Chết tiệt, lại thế nữa rồi”. Roger Federer nhớ lại khoảnh khắc đó, đã không biết bao nhiêu lần. Anh đang bị dẫn 3-1 ở set thứ 5 chung kết Australian Open 2017, trước Rafael Nadal, kình địch cả sự nghiệp của anh. Nadal, đang có thành tích 6-0 trước Federer ở các Grand Slam tính từ năm 2008, vung một cú thuận tay cực mạnh về phía anh. Federer cảm thấy đôi chân mình thật nặng nề. Anh bắt đầu tự nhủ: “Giờ phải kiếm break ngay, bởi nếu để anh ta dẫn nữa thì cơ hội xoay chuyển tình hình sẽ ngày càng thấp đi”.
Hơn bất cứ tay vợt nào trong thời hiện đại, Federer là bậc thầy trong việc chơi thật nhẹ nhàng mà vẫn chiến thắng. Federer duyên dáng. Federer hoàn hảo. Federer tay vợt thần sầu. Đôi khi xem anh chơi quần vợt mang tới một cảm giác được nuông chiều đến hư hỏng. Tất cả những điều đó tạo ra gần như cả một giáo hội Roger Federer với những con chiên trung thành hành hương theo giáo chủ của họ ở mỗi sự kiện ATP. Nhưng với tất cả sự dễ dàng bề ngoài đó, sự thống trị giản dị đó, tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại từng có lúc nghi ngờ và thất vọng, thấy áp lực và bế tắc, chán chường và cả sợ hãi nữa.
Trận chung kết Australian Open 2017 là điều mà nhiều người không ngờ tới. Nó đến sau một chấn thương đầu gối trái, khi Federer đã 35 tuổi, khi anh đã bắt đầu phải viện tới thiền học Nhật Bản để làm tâm trí mình dịu lại. “Tôi cần một kiểu tư duy khác”, anh nói. Thay vì thấy bực dọc và sợ hãi thua trận, anh bình thản và tập trung năng lượng tốt hơn. Anh tìm thấy điều hoàn toàn mới mẻ: “Tôi đã chơi 20 phút hay nhất đời mình, trên sân quần vợt”, anh nói. “Tôi tự nhủ với mình là hãy chơi thật thoải mái. Đừng có cảm giác là ta đang mặc một chiếc áo tù. Hãy cảm giác là ta chẳng có gì để mất, có thể là lần đầu tiên”.
20 phút ở Melbourne đã thay đổi hoàn toàn nhịp điệu và phong thái trong giai đoạn cuối sự nghiệp Federer. Anh nói chừng nào anh còn chơi quần vợt, anh sẽ còn tìm kiếm cảm giác thiền định của buổi tối hôm đó. Anh sắp khép lại hai thập niên chơi quần vợt chuyên nghiệp, một sự nghiệp đầy rẫy kỷ lục với 18 Grand Slam, nhưng vô địch Australian Open sau gần 5 năm hạn hán các danh hiệu lớn - và trước một binh đoàn những BLV nói thời kỳ tốt đẹp nhất đã quá xa với anh - mang tới cảm giác của một khởi đầu mới. Anh có thể không còn khiến quần vợt trông thật dễ dàng, nhưng anh đã được học cách dễ dàng với bản thân.
“Tôi đang tận hưởng. Một thời kỳ thật tuyệt vời”, anh nói. Và ý anh không chỉ là Melbourne. Anh đã thống trị ở BNP Paribas Open tại Indian Wells, California, hồi tháng 3, rồi giành một danh hiệu lớn khác ở Miami vào tháng 4. Anh đánh bại Nadal ở cả 3 giải, gồm 2 lần không thua một set nào. Chuỗi thành tích đó dựa trên việc Federer không quan tâm tới những kỳ vọng đặt vào anh nữa - và cả những tin đồn về việc anh sẽ giải nghệ - anh lựa chọn những giải đấu nào anh muốn chơi, trong khi các đối thủ trẻ hơn của anh “cày cuốc” để kiếm từng điểm trong lịch thi đấu dày đặc của ATP.
Anh nghĩ tới việc tiết kiệm năng lượng, không để cái đầu gối trái vừa phẫu thuật của anh phải làm việc quá sức, và nối dài những ngày chơi quần vợt của anh hết mức có thể. Federer cũng đã lựa chọn không chơi ở giải Pháp mở rộng, cùng toàn bộ các giải sân đất nện trước đó, vốn đòi hỏi nhiều về thể lực và không hợp với lối bạt bóng nhanh của anh.
“Tôi có thể chỉ chơi những giải mà tôi muốn và tận hưởng điều đó”, anh nói. “Nếu tôi ra sân, tôi phải thấy thích thú. Khi tập cũng thế. Còn không tập, tôi nghỉ ngơi, tôi tận hưởng tất cả những điều đó. Tôi không vội vàng. Tôi có thể lùi lại và thực sự tận hưởng”.
Anh đã tới Seattle để gặp Bill Gates. Là một người hâm mộ đặc biệt của Federer, Gates đã tới xem tay vợt ông yêu thích nhất ở Indian Wells. Họ kết nối với nhau qua quần vợt và công việc thiện nguyện. Quỹ Bill và Melinda Gates đã chi hàng tỉ đô-la để cải thiện đời sống người dân châu Phi, nhất là giáo dục cho trẻ nhỏ. Họ quyết định tổ chức một trận giao hữu ở sân KeyArena, Seattle - Federer đấu John Isner, tay vợt to lớn chuyên giao bóng ăn điểm người Mỹ - để gây quỹ từ thiện.
Vài ngày trước trận, Federer, vợ anh Mirka và vài người nữa trong nhóm của anh tới khu biệt phủ hơn 6.000 mét vuông của Gates bên bờ hồ Washington, căn biệt thự tên gọi Xanadu 2.0. Trong bữa ăn bao gồm cá bơn và bít-tết, họ trò chuyện về vật lý học và Leonardo da Vinci cùng tâm trí khoáng đạt, thiên tài của ông. Khi trưởng thành, Federer không ham học lắm. Anh rời nhà trường ở tuổi 16 để chơi quần vợt chuyên nghiệp. Sau này, anh cố gắng học hành ở những nơi anh có thể. Buổi tối ở nhà Gates là một thời điểm như thế. “Đầy cảm hứng và siêu thực với tôi”, anh nói.
Federer còn lâu mới nghĩ tới từ bỏ sân đấu.
Gates sau đó mời khách khứa vào thư viện của ông. Ông và Federer đặc biệt để ý tới một cuốn sổ tay để trong hộp kính, cuốn Codex Leicester, với rất nhiều bản vẽ, ghi chép, và tư duy của Leonardo. Gates đã trả 30,8 triệu USD cho cuốn sổ đó vào năm 1994. Federer nhìn nó trong kinh ngạc. “Ông ấy nói với bạn rằng Da Vinci viết từ dưới lên và từ phải sang - Leonardo da Vinci! - ông ấy giỏi cả bách nghệ, và bạn nhận ra một người phải có tâm trí khoáng đạt tới đâu mới làm được như thế. Bill Gates cũng là một người như vậy. Có thể cảm nhận thấy điều đó. Ông ấy khiến bạn có cảm giác mình thật nhỏ bé - không phải vì ông ấy muốn như thế, mà vì ông ấy hết sức khiêm nhường. Mọi điều ông ấy nói đều có vẻ rất quan trọng, và tôi cố gắng tiếp thu tối đa có thể”.
Suốt cuối tuần, Federer và Gates đã ăn tối và ăn trưa với nhau 3 lần. Họ chơi quần vợt trước một nhóm khách mời đặc biệt gồm những nhà tài trợ siêu giàu. Gates kinh ngạc vì sự tò mò của Federer, và tất nhiên, vì sự duyên dáng của anh. “Quần vợt là vật lý học”, Gates nói. “Nhưng cũng là mỹ học, nhất là nếu Roger là người chơi”. Tập với Federer, chú ý sự tập trung vào chi tiết, lối tiếp cận tỉ mỉ của anh, Gates nghĩ tới hành trình đau đớn của một kỹ sư phần mềm tạo ra một chương trình không lỗi mà ai cũng dùng được. “Bạn biến những thứ không thể trở nên có vẻ dễ dàng vì bạn đã nỗ lực rất nhiều cho nó sau cánh gà”, ông nói.
Ở trận giao hữu, Federer và Gates chơi một trận đôi nhẹ nhàng với Isner và tay ghi-ta của ban nhạc Pearl Jam, Mike McCready. Gates hồi hộp khi phải chơi trước đám đông. Danh tiếng thiên tài và nhà từ thiện hào phóng của ông là không thể xô đổ, nhưng sẽ ra sao nếu ông tự làm mình bẽ mặt trên sân quần vợt? Federer đã đảm nhận chuyện đó. Tay vợt vĩ đại nhất thế giới trở thành HLV, và người đàn ông giàu nhất thế giới là học trò. Những bài học được mang theo anh từ Australia: Quyết liệt nhưng thư thái. Thở sâu. Tập trung vào quả bóng như khi ngồi thiền. “Cứ thả lỏng”, Federer nói. “Anh ấy đã nói rõ là chúng tôi chỉ chơi cho vui”, Gates nói. Trận đó, Gates không giao hỏng một quả nào.
Từng một thời là hình ảnh được xây dựng tỉ mỉ về sự hoàn hảo kiểu Thụy Sĩ, gần đây Federer đang thay đổi. “Tôi thấy thoải mái hơn khi chia sẻ những cảm xúc với mọi người”, anh nói. Anh thậm chí đã lập một ban nhạc với Tommy Haas và Grigor Dimitrov. “Chúng tôi là ban #NOTNSYNC”, anh nói trên tài khoản Instagram. Đoạn video lan nhanh không thể tả. Anh quay một buổi tập của mình ở Dubai, đeo tai nghe, và trả lời câu hỏi từ người hâm mộ. “Tôi nhớ các bạn”, anh nói. “Đó là lý do tôi tập hăng say và cố gắng trở lại, để chúng ta lại có thể gặp nhau”.
Ở Indian Wells, anh tổ chức một cuộc họp báo cho các học trò tiểu học và trò chuyện với các bậc phụ huynh. Ở Miami, anh đăng một bức ảnh tự chụp với một con cự đà lớn. “Roger đang sống cuộc đời của anh”, Haas, bạn thân của anh, nói. Ở Met Gala tại New York đầu tháng 5, Federer mặc một bộ tuxedo nhìn rất… Federer: cắt may hoàn hảo ở đẳng cấp cao nhất, nhưng khi anh quay lại, đằng sau lưng thêu một con hổ mang bành. Bức ảnh lan nhanh trên mạng. “Tôi chỉ nghĩ, coi nào, hãy mặc thứ gì thật ngầu thay vì những đồ đạc mô phạm cũ”, anh nói. “Tôi chưa bao giờ thử như thế, thử làm gì đó vui tươi”.
Bill Gates và Federer nói chuyện với nhau
Nổi tiếng riêng tư và tập trung, anh nói anh từng nghĩ đến việc thỉnh thoảng xuất hiện ở những công viên công cộng, khiến mọi người ngạc nhiên và ném cho họ những quả bóng quần vợt. Nhưng giờ anh chưa thể làm được. Rốt cuộc, anh vẫn là người Thụy Sĩ. Xuất hiện không báo trước ở chỗ người khác là mất lịch sự. “Tôi có thể cắt ngang việc gì đó của mọi người… Giờ tôi vẫn còn chưa sẵn sàng cho điều đó”.
Vì thế, Federer ngạc nhiên bởi sự phấn khích mọi người dành cho anh sau Australian Open. “Tôi đã có vài năm chật vật”, anh nói. “Và tôi từng nghi ngờ bản thân. Tôi nghĩ mọi người biết điều đó”. Cho tới giờ, điều khiến các CĐV ngưỡng mộ Federer là sự hoàn hảo của một cỗ máy, nhưng từ sau giải đấu ở Australia, cỗ máy đó đã có thêm rất nhiều chất người.
Thực tế khắc nghiệt xuất hiện năm 2016, khi anh dính chấn thương nặng ở đầu gối lúc đang tắm cho các con ở Melbourne và bị rách sụn chêm và phải phẫu thuật. Nếu một việc nhẹ nhàng như thế khiến anh chấn thương nặng như thế, thì anh còn có thể chơi quần vợt được bao lâu nữa? Rồi anh lại dính chấn thương lưng. Tiếp đến, tại Wimbledon, anh ngã lăn ra sân ở trận bán kết với Milos Raonic. Chấn thương đầu gối nặng thêm, và anh phải trải qua 6 tháng nghỉ ngơi hoàn toàn.
Lần đầu tiên kể từ khi khởi nghiệp, anh hiểu được cảm giác tránh xa áp lực và danh tiếng. Anh ở nhà suốt, gần Zurich. Anh thỉnh thoảng sang ở căn nhà thứ hai của anh tại Dubai. Tới thăm Hy Lạp và đưa gia đình đi nghỉ ở Hamptons. “Cảm giác như sự nghiệp đã kết thúc”, anh nói. Anh nhớ quần vợt, nhưng rồi cũng học được rằng khi giải nghệ, anh sẽ có thể vượt qua. Một thời gian dài sau, ở một sân trong nhà tại Thụy Sĩ, anh mới bắt đầu chơi lại. Lần này, việc chơi quần vợt mang tới cho anh cảm giác hoàn toàn khác, như một kiểu tìm thấy cuộc đời mới của mình.
“Tôi biết chắc rằng trở lại sẽ đầy niềm vui”, anh nói. Và niềm vui đó lan tỏa ra với cả những người hâm mộ anh. Anh sẽ 36 tuổi vào tháng 8 này. Năm nay lẽ ra anh sẽ suy giảm phong độ nhiều. Sau Australia, Indian Wells và Miami, sau khi đả bại Nadal, lúc này anh nghĩ gì về tương lai? Wimbledon được kỳ vọng sẽ là chiếc chén thánh. Anh tập trung toàn lực cho giải đấu. Sau đấy sẽ là một lịch đấu dày đặc, với điểm nhấn là Mỹ mở rộng. Anh thậm chí còn có thể kết thúc mùa giải ở ngôi số 1 thế giới.
“Với tôi lúc này điều quan trọng là tìm thấy sự cân bằng, sẽ rất phấn khích”, anh nói. “Tôi sẽ chơi tới khi 40 tuổi, nếu còn có thể”.
Trần Trọng
Theo ESPN
Link gốc: http://www.espn.com/espn/feature/story/_/id/19461829/australian-open-winner-roger-federer-having-way-too-much-fun-quit-now
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất