‘Titanic Italy’ sẽ được làm nổi

14/07/2014 15:02 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) – Hơn 2 năm rưỡi kể từ khi tàu du lịch Costa Concordia bị mắc cạn, lật nghiêng và chìm một phần ngoài khơi bờ biển Tuscany (Italy), hôm nay (14/7), nhà chức trách Ý đã bắt đầu lên kế hoạch di dời con tàu về thành phố cảng Genoa để tháo dỡ.

Sau khi đội cứu hộ kéo thành công chiếc tàu nặng 114.000 tấn khỏi bãi đá ngầm khiến nó mắc cạn cách đây 10 tháng, chính quyền quốc gia Địa Trung Hải cho rằng “còn nhiều việc phải làm” bởi thảm họa kinh hoàng trong ngày định mệnh 13/1/2012 đến nay vẫn chưa thực sự được giải quyết triệt để.

Các nhà điều tra hy vọng đội cứu hộ có thể làm nổi con tàu một lần nữa và di chuyển nó về thành phố cảng Genoa để tháo dỡ các bộ phận. "Chúng tôi chưa kết thúc được vụ việc vì đây mới là một thời điểm quan trọng", Thị trưởng Giglio Sergio Ortelli nói với các phóng viên. 

Lực lượng cứu hộ thực hiện công tác giải cứu con tàu định mệnh Costa Concordia hơn 2 năm về trước.

Trong 10 tháng qua, các kỹ sư đã gặp khó khăn và hết sức vất vả trong việc gắn các hộp kim loại ở 2 bên mạn tàu để bơm đầy khí, giúp Costa Concordia nổi lên mặt nước. Theo đó, khi công đoạn kiểm tra cuối cùng được hoàn thành, những chiếc hộp sẽ được thoát nước, các kĩ sư sẽ bơm khí nén và làm tàu nổi. 

Hiện nay, nhà chức tranh đã lên kế hoạch ban đầu nâng “Titanic Italy” lên 2m. Đây được xem là một thao tác nguy hiểm và rất khó khăn bởi con tàu du lịch “đoản mệnh” đã quá đổ nát. Theo tính toán, đội cứu hộ sẽ kéo Costa Concordia khoảng 30m về phía đông, gỡ bỏ một số hộp kim loại ở mạn bên phải tàu, đồng thời luồn thêm xích và dây cáp vào phía trong tàu để hỗ trợ di chuyển.

Sau cùng, theo kế hoạch, “Titanic Italy” được làm nổi hoàn toàn, cân bằng như khi chưa bị đắm, lực lượng cứu hộ sẽ kéo con tàu thật chậm và vượt qua quãng đường 240 km về Genoa. 

Đống đổ nát của “Titanic Italy”.

Các quan chức nói rằng quá trình làm nổi tàu sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng có thể sẽ không được thực hiện luôn trong những ngày này, đồng thời cho biết thời gian kéo tàu về cảng Genoa cũng mất khoảng 5 đến 6 ngày.
 
Michael Thamm, chủ tịch hãng tàu sản xuất Costa Crociere, gọi đây là hoạt động "cứu hộ khó khăn nhất chưa từng có với một con tàu có kích thước ‘khủng’”.
 
Kể từ khi xảy ra tai nạn đắm tàu gây chấn động thế giới vào năm 2012, 24 tấn mảnh vỡ, bao gồm cả đồ nội thất, thức ăn, thực phẩm, vật dụng cá nhân và các bộ phận trên tàu đã được trục vớt từ đáy biển. Trong khi đó, đội cứu hộ vẫn không ngừng cố gắng để giải quyết đống đổ nát còn lại. 

Francesco Schettino - thuyền trưởng của con tàu du lịch đoản mệnh đã chối bỏ mọi tội danh bị cáo buộc có liên quan đến tai nạn thảm khốc đầu năm 2012.

Đến bây giờ, thi thể của Russel Rebello, nạn nhân cuối cùng còn mất tích trong vụ đắm tàu thế kỷ vẫn chưa được tìm thấy. Hình ảnh nhân viên bồi bàn 33 tuổi đến từ Ấn Độ giúp hành khách lên thuyền cứu hộ là những gì cuối cùng mà các nhân chứng nhìn thấy về Rebello trong tai nạn thảm khốc khiến 32 người thiệt mạng.

Tháng 10 năm ngoái, đội tìm kiếm cho rằng đã phát hiện hài cốt của Rebello, tuy nhiên, các thợ lặn tiết lộ đó của bà Maria Grazia Trecarichi, một người cư trú ở vùng tự trị Sicilia đã thiệt mạng trong chuyến đi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình cùng cô con gái 17 tuổi.

Theo CNN, Francesco Schettino - thuyền trưởng của con tàu định mệnh đang bị xét xử về tội ngộ sát, gây ra một thảm họa hàng hải và rời bỏ Costa Concordia khi hành khách vẫn còn trên tàu. Tuy nhiên, vị thuyền trưởng này đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng mình vô tội.

Dương Trần
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm