Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 10: “Ba không” vì lịch sử

30/11/2009 09:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không có giải Nhất, chỉ có 3 giải Nhì và hai giải Ba. Đó là kết quả Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được Hội Khoa học Lịch sử VN (KHLSVN), Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật công bố và trao giải sáng qua, 29/11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (HN).
 
Nhìn lại 10 năm Giải thưởng này, nhà sử học Dương Trung Quốc, TTK Hội Sử học Việt Nam, Phó chủ tịch Quỹ giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật cho biết: “Một Quỹ giải thưởng với số tiền gốc không nhỏ được thiết lập làm giải thưởng và tổ chức giải thưởng vận hành một cách chuyên nghiệp đã góp phần khuyến khích các nghiên cứu sinh ngành lịch sử nâng cao chất lượng luận án. Và, với Hội Sử học, chúng tôi cũng coi đó là thành công của một mô hình xã hội hóa hoạt động của một tổ chức dân sự, nghề nghiệp “ba không” (không trụ sở, không ngân sách, không biên chế) trong một thập kỷ nay”.


Các TS Sử học nhận giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 10

Tuy vậy có một điều băn khoăn là qua 10 lần xét giải, đến nay mới chỉ có hai luận án Tiến sĩ (TS) đoạt giải Nhất. Năm 2006, Giải Nhất trao cho TS Phan Hải Linh, Trường ĐH KHXH&NV HN với luận án Trang viên Nhật Bản thế kỷ VIII-XVI qua trang viên Oyama và Hine (luận án về lịch sử thế giới). Năm 2008 giải Nhất trao cho TS Đặng Thị Vân Chi, ĐHQG HN với luận án Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước Cách mạng Tháng 8/1945 (luận án về lịch sử Việt Nam). Đây phải chăng là dấu hiệu cho thấy ngành nghiên cứu lịch sử đang bước vào thời kỳ “suy thoái”?
 
TT&VH đã có cuộc trao đổi với GS, NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Xét thưởng Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật

* Vì sao qua 10 lần xét giải, Quỹ mới chỉ trao được 2 giải Nhất thôi, thưa GS?

- Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do số các luận án TS đủ điều kiện để các cơ sở đào tạo giới thiệu chuyển về Hội đồng Xét thưởng Sử học Phạm Thận Duật có giảm bớt. Bên cạnh đó, ranh giới giữa giải Nhất và giải Nhì cũng rất khó phân biệt, vì vậy Hội đồng chấm giải cần phải thảo luận kỹ, có khi phải tranh luận rất nhiều trước khi  đi đến kết luận cuối cùng. Nếu căn cứ vào các đề tài các thí sinh đăng ký thấy không có đề tài nào đáp ứng đầy đủ tiêu chí chấm giải Nhất thì phải hạ xuống giải Nhì...


 GS Đinh Xuân Lâm
* Vậy, thưa GS, tiêu chí cao nhất để xét giải là gì?


- Chẳng hạn, nếu là nghiên cứu về sử học Việt Nam thì phạm vi phải nên mở rộng ra lịch sử các nước, trước tiên là với khu vực Đông Nam Á. Với các đề tài về lịch sử thế giới thì càng cần phải mở rộng ra quốc tế. Trong khâu thực hiện giải quyết luận án cần phải khai thác nhiều nguồn tài liệu bảo đảm một cách toàn diện nhất. Luận án nào có số điểm bình quân cao nhất của 5 thành viên chính của Hội đồng xét giải thưởng sẽ được trao giải Nhất.

Hơn nữa, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng các luận án sử học của các TS chứ không quan tâm đến số lượng. Vì vậy, tùy theo chất lượng các luận án Hội đồng xét thưởng sẽ xếp hạng các giải và có thể không có giải Nhất là chuyện bình thường.

* Hiện nay, có 2 giải thưởng sử học mang tính “xã hội hóa” là Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật với Giải thưởng Trần Văn Giàu. Ông có thể so sánh về 2 giải này?

Kết quả Giải thưởng
Phạm Thận Duật 2009

   
    
- Giải Nhất: Không có

      - Giải Nhì: 3 giải
 
     1. Luận án Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XX của TS Trần Thiện Thanh (Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội).

     2. Luận án Hồ Chí Minh với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946- 1969) của TS Văn Thị Thanh Mai (Bảo tàng Hồ Chí Minh).

     3. Luận án Các thủ phủ thời chúa Nguyễn (1558-1775) trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế của TS Phan Thanh Hải, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

     Giải Ba: 2 giải

    1. Luận án Thành Tây Đô và vùng đất Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX của TS Nguyễn Thị Thúy (Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa).

     2. Luận án Đảng lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đại học ở miền Bắc (1954-1975) của TS Ngô Văn Hà (Đại học Kinh tế Đà Nẵng).
- Giải thưởng Trần Văn Giàu (thành lập năm 2000) và Giải thưởng Sử học Trần Thận Duật luôn rộng mở cho tất cả mọi người Việt Nam trên khắp thế giới, “đánh thức” và kích thích được tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc không chỉ đối với những nhà chuyên sử mà đặc biệt còn thu hút được đông đảo các em học sinh, sinh viên đam mê lịch sử.


Tuy vậy, nếu như giải thưởng Trần Văn Giàu chỉ xét thưởng mỗi lần duy nhất một giải ở hai lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng về khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và TP.HCM thì giải thưởng sử học Phạm Thận Duật xét các công trình đăng ký tranh giải đều là những luận án tiến sĩ sử học (của người Việt hoặc người nước ngoài) đã được các Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ trong cả nước chấm đạt điểm xuất sắc 6/7 và 7/7 ( con số 7 là số các ủy viên Hội đồng chấm giải) trong khoảng thời gian từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau nên phạm vi nghiên cứu lịch sử rộng hơn, cơ hội đoạt giải cao hơn so với giải thưởng Trần Văn Giàu dù giá trị tiền thưởng thấp hơn (tiền thưởng cho giải Nhất giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật là 15 triệu đồng, giải Nhất giải thưởng Trần Văn Giàu lên đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí như năm nay, giải thưởng Trần Văn Giàu trao cho PGS-TS Phạm Đức Mạnh và các cộng sự lên đến 150 triệu đồng).

* Xin cảm ơn ông.


Huy Thông (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm