Khi NSND Hoàng Dũng nhìn vào mắt tôi nói lời thoại của Phan Quân “Mày viện cớ đến đây vì mục đích gì? Rút cục mày muốn gì?”, tôi đã tự hỏi không hiểu diễn viên Hồng Đăng đã đối mặt với phân đoạn này như thế nào?

'ÔNG TRÙM' NSND HOÀNG DŨNG VÀ BÍ QUYẾT TẠO NÊN PHAN QUÂN

 

(giaidauscholar.com) - Trong suốt 2 tiếng rưỡi trò chuyện với NSND Hoàng Dũng, tôi hiểu mình đang đối diện với một “ông trùm” về diễn xuất. Chỉ bằng kĩ thuật diễn, trong nháy mắt ông biến mình thành một đứa trẻ đầy lo âu, thoắt một cái trở lại là một ông trùm Phan Quân đầy uy quyền.

Khi ông nhìn vào mắt tôi nói lời thoại của Phan Quân: “Mày viện cớ đến đây vì mục đích gì? Rút cục mày muốn gì?”, tôi đã tự hỏi không hiểu diễn viên Hồng Đăng đã đối mặt với phân đoạn này như thế nào? Trường ảnh hưởng tỏa ra từ ông rất lớn, nếu không vững vàng bất kì diễn viên trẻ cũng sẽ thất bại trong phân đoạn này.

Thời gian này NSND Hoàng Dũng liên tục được truyền thông săn đón. Khi tôi đề nghị một cuộc phỏng vấn, ông cười và nói: “Tôi đã chia sẻ quá nhiều rồi, sợ không còn gì để nói, nếu cô có hỏi chắc chỉ còn sở thích chơi chim cảnh là chưa chia sẻ với ai thôi”.

Cuối cùng thì tôi cũng đã tới nhà ông, không hỏi bất cứ một câu hỏi nào về chim cảnh, mà nghe ông say sưa kể về nghề diễn giữa lảnh lót tiếng chim.

 

Nguoi phan xu
NSND Hoàng Dũng trong vai ông trùm Phan Quân, phim "Người phán xử"

* Từ biên kịch, đạo diễn tới các diễn viên đều khen kịch bản Người phán xử hết lời. Cá nhân ông đã dụng công cho vai diễn này thế nào?

- Tất nhiên, nhân vật này được viết rất hay nhưng là nhân vật khó thể hiện. Khi nhận vai, tôi đã phải tính toán rất nhiều, như tính xem Phan Quân xuất hiện như thế nào để khán giả công nhận. Ông ấy được thuộc hạ phục tùng, đối tác, kẻ thù đều nể sợ. Vậy mình phải tìm cách thể hiện khiến khán giả tin tất cả các nhân vật phục tùng ông ấy là điều hợp lý.

Một khi tôi thể hiện được sự tự tin, bản lĩnh, trí tuệ, sự tinh tường của nhân vật, thì tất cả những vấn đề còn lại sẽ đơn giản hơn. Tôi xây dựng Phan Quân như một nhà lãnh đạo có uy tín, phán xử mọi việc có tình, có lý, một người không chỉ khiến người ta sợ, mà còn nể phục.

* Không kể kịch nói, với phim truyền hình, đã có vai diễn nào ông từng nhận ngang ngửa với vai Phan Quân?

- Trước đây tôi rất tiếc vì đã từ chối vai Lão Phật Gia trong phim Tam Giác Vàng. Khi đọc kịch bản tôi thấy nhân vật hay lắm, nhưng vì quá bận nên không tham gia được. Đến nhân vật Phan Quân tôi thấy màu sắc không khác nhân vật Lão Phật Gia, nhưng được viết hay hơn. Tôi may mắn, vì bỏ một vai hay lại nhận được vai hay hơn.

 

Nguoi phan xu
Dàn diễn viên "Người phán xử" ra mắt báo giới

* Rất nhiều khán giả nói họ đã bị giọng của ông trùm Phan Quân quyến rũ. Họ rất tò mò cách ông tạo ra giọng nói của ông trùm?

- Người phán xử thu tiếng đồng bộ, nên tôi băn khoăn lắm. Giọng nói của mình là lợi điểm trên sân khấu nhưng không cẩn thận trong phim thu tiếng đồng bộ lại thành điểm yếu.

Có những câu nói của Phan Quân được khán giả tâm đắc, khi diễn tôi không hề nghĩ nó hay ho gì đâu, mà tôi chỉ nghĩ đó là quan điểm của nhân vật. Diễn viên hiểu được hoàn cảnh, tâm lý, tâm trạng của nhân vật thì mới thể hiện được bằng giọng nói.

Tôi đã căn chỉnh giọng nói rất nhiều. Nếu để ý, tập Phan Hải đến xin bố mềm tay phán xử anh em Trần Tuấn – Trần Tú, tôi đối thoại với Phan Hải rất gay gắt.

Nguoi phan xu
Ông trùm Phan Quân (phải) và ông con bất trị Phan Hải

Còn khi Trần Tuấn mò đến ra giá, tôi chỉ nói: “Nước cạn thế là trà nhạt, không uống được nữa, phải thay trà khác, cố uống nó không ngon”. Nhẹ nhàng thôi, nhưng đầy ẩn ý.

Khi ông trùm Phan Quân nói với vợ thì tôi buông hoàn toàn, sao cho cuộc trò chuyện của tôi và NSƯT Thanh Quý như cuộc trò chuyện của một cặp vợ chồng bình thường.

Còn lời với Lương “Bổng”: “Anh luôn cho tôi cảm giác tôi được ngồi trong pháo đài”, khẳng định tôi hoàn toàn yên tâm khi được anh bảo vệ nhưng đồng thời cũng nhắc đó là nhiệm vụ của anh.

Với Phan Quân, mỗi câu nói của ông ta luôn có một ẩn ý, một đường dây ngầm phía dưới, khiến người đối diện phải nghĩ ngợi.

Khi mình đã tạo được uy tín của nhân vật như thế rồi, thì có lúc chỉ cần diễn một sắc thái thôi, đơn cử là một lời cảm ơn chân tình, nhưng khán giả sẽ nghĩ chắc phải có ẩn ý gì khác.

Nhiều khi tôi phải găm những chi tiết nhỏ ở đoạn trước, để thả ra vào đoạn sau. Không có chi tiết nhỏ nào thừa đâu, có những chi tiết rất đơn giản, nhưng là để tương phản, bổ trợ cho phân đoạn khác. Đó là cái khó, là cái hay của nhân vật Phan Quân.

 

 

* Một diễn viên có chất giọng trời phú có giữ giọng như ca sĩ chăm chút cho giọng hát của mình không thưa ông?

- (Cười) Không đâu! Bạn thấy tôi khụt khịt từ nãy đến giờ không? Tôi bị xoang mãn tính. Tiếng nói của tôi là giọng trời cho, và tôi là người có ý thức phải rèn luyện để tiếng nói của mình phát ra phải rõ ràng, vang, nhiều âm sắc hơn.

* Rất nhiều diễn viên trẻ hiện nay không có khả năng đóng phim thu tiếng đồng bộ, ngoài ra phim lồng tiếng đang góp phần khiến họ chủ quan không chịu rèn về tiếng…

- Về cơ bản đa phần mọi người hình và tiếng đồng bộ, tiếng nói của họ phù hợp với vóc dáng cơ thể, với độ tuổi... Nhưng vẫn có trường hợp tiếng không ăn với hình. Có những diễn viên thân hình lực lưỡng nhưng nói giọng kim, the thé. Có những diễn viên chuyên nghiệp tiếng nói không tốt, có những người không chuyên nhưng có năng khiếu và cảm đúng được nhân vật thì tiếng nói phát ra sẽ rất đúng hoàn cảnh.

Ngoài ra muốn tiếng hay, thì phải thuộc thoại, thuộc thì mới tính được mình sẽ nói thế nào. Diễn viên không thuộc thoại có những khoảnh khắc mặt đần thối ra, khán giả đọc được hết trên mặt họ đấy.

 

Nguoi phan xu
NSND Hoàng Dũng và Việt Anh đã có những màn diễn đôi ăn ý

* Ông là người có tiếng nói rất đặc biệt, khán giả có thể nhận diện tiếng của ông dù không thấy ông. Thật khó khăn cho những ai lồng tiếng cho ông.

- Thời tôi còn làm tại Hãng phim Truyện Việt Nam, có thời điểm tôi lồng tiếng cho tất cả các vai nam chính. Nhưng rồi bận, bản thân vai mình đi đóng phim còn chẳng có thời gian lồng. Như phim Đàn Trời, tôi đã gửi gắm rất nhiều vào nhân vật nhưng không có thời gian lồng tiếng. Vai này do anh Phú Thăng lồng tiếng. Có lần Phú Thăng gọi điện cho tôi nói là có một đoạn anh ấy gặp khó khăn, vì miệng tôi thì cười mà giọng nói phát ra rất đanh.

* Phân đoạn Lê Thành đến nhận Phan Quân làm cha là một phân đoạn rất khó trong phim Người phán xử. Có vẻ như Hồng Đăng đã khá căng thẳng khi bị ông chiếu tướng?

- Hồng Đăng là người có bản lĩnh đấy. Những phân đoạn kiểu đó, diễn viên nào diễn với tôi bị soi vào mắt nhiều quá khó có thể nhìn được lâu. Nếu chưa chuẩn bị kĩ, thiếu bản lĩnh họ sẽ bị áp đảo, chỉ cần lãng đi họ sẽ thành ra xem tôi diễn ngay. Hôm đó cũng có một số học trò của tôi đi xem, lúc về chúng nó nói: “Con nhìn mắt thầy lúc ấy kinh lắm”.

Trong phân đoạn này, dù ông trùm chưa nhận Lê Thành là con ngay, thậm chí ông còn thách thức “cậu muốn gì”. Nhưng tôi đã phải diễn sao cho ánh mắt của ông ấy thể hiện trong thâm tâm đã biết đây là con mình. Khán giả sẽ thấy một phần rất con người trong ông ấy. Đó có thể là một điểm yếu với ông ấy, nhưng kể cả khi ông ấy thất bại vì điểm yếu đó, khán giả lại thích ông ta. Nên thành ra đó lại là điểm mạnh của nhân vật.

* Việt Anh, Hồng Đăng có bao giờ bị khớp trước ông trong quá trình quay không?

- Ít thôi. Khi diễn với tôi ít ai khớp lắm, vì tôi thường tạo mối quan hệ thân thiết với mọi người trong trường quay. Với những phân đoạn cần vui vẻ, mình cần tạo không khí thư giãn từ đầu. Với bạn diễn, đôi khi chỉ cần thể hiện sự quan tâm như phủi bụi trên tóc họ, lát sau đóng vợ chồng sẽ dễ hơn. Với đội ngũ ở trường quay mình thân thiện, cởi mở, phối hợp suôn sẻ hơn.

Nhưng ở những phân đoạn căng thẳng, cần sự tập trung, nếu mọi người trêu đùa nhau quá nhiều, lát sau sẽ rất khó quay. Khi ấy tôi ngồi nghiêm túc, không hưởng ứng, mọi người sẽ biết ý tập trung hơn. Tôi là người có thể tạo ra không khí trong trường quay. Mình có uy tín và kinh nghiệm, nên khi mình bày tỏ ý kiến đều được tôn trọng.

 

Nguoi phan xu
Từ trái qua Hồng Đăng, NSND Hoàng Dũng, Việt Anh. Trong phim họ là ba cha con, ngoài đời họ là thầy trò

* Đến thời điểm này ông đã có quá đủ hào quang trong nghề diễn, khán giả muốn xem ông diễn và không còn quan tâm tới vẻ bề ngoài của ông. Nhưng những năm đầu sự nghiệp, làm thế nào để một diễn viên có vóc dáng nhỏ bé vượt lên được ngoại hình của mình?

- So với lứa nghệ sĩ thời trước của Nhà hát Kịch Hà Nội như nghệ sĩ Trần Vân, Trần Đức, Tiến Đạt… thì tôi cao hơn họ. Sau này có bạn đồng môn như Hồng Sơn, Chu Hùng về nhà hát cao lớn hơn tôi thôi.

Tôi ý thức về ngoại hình ngay từ khi đang học, nhưng ý thức đó không phải vì mình thấp bé nhẹ cân, mà ý thức làm thế nào để có được ngoại hình phù hợp nhất cho từng vai diễn.

Có giai đoạn tôi hơi gầy, lên sân khấu để người dày hơn, tôi sẵn sàng may cái áo độn phần vai và phần ngực, lúc diễn xong mồ hôi ướt đẫm người nhưng phần vai và ngực vẫn đẹp. Đồng nghiệp thời đấy mỗi lần nhìn thấy tôi là trêu “Ối giời của độn nó đến kìa”.

Tôi ở nhà xuề xòa thôi, nhưng khi cần tham các sự kiện quan trọng thì tôi là người chuẩn bị kĩ không thua kém ai đâu.

Diễn với NSND Hoàng Cúc chị ấy cao hơn tôi, có cảnh phải diễn ở trong buồng, mình buộc phải đi đất. Để có chiều cao tương xứng tôi đặt một miếng độn ba phân dưới chân, dán băng dính chặt vào chân, rồi đi tất da chân, khoét lỗ thò ngón chân ra, sao cho khán giả phía dưới nhìn thấy vẫn tưởng mình đi chân đất.

Tôi vẫn còn nhớ vở Hành trình cay đắng (1992), lúc đó tôi 36 tuổi phải vào vai một thanh niên 17 tuổi, nếu diễn không cẩn thận là sẽ bị mọi người cười. Tôi đã yêu cầu bộ phận chiếu sáng sử dụng một loại đèn làm “bong” các lớp nhăn. Khi có ánh sáng chiếu, tôi mới lên. Lúc đó khán giả cười và vỗ tay rần rần.

Năm 2002, tôi quên mất tên vở kịch này rồi, tôi đóng vai một thanh niên từ lúc 18 tuổi cho đến lúc 80 tuổi. Trong một tối diễn từ trẻ đến già, hóa trang không có gì đặc biệt đâu, hoàn toàn do diễn xuất hết, diễn rất sướng, tôi thích những dạng vai như thế.

 

* Ông hẳn không còn xa lạ với sự hâm mộ của công chúng. Tuy nhiên, với sự quan tâm của truyền thông và khán giả với vai diễn Người phán xử trong những ngày này ông có thấy phiền không?

- Ngày xưa diễn xong một vở thì một vài báo đưa tin, viết bài, mình cũng biết vậy thôi. Bây giờ nhờ mạng xã hội mà mình có thể biết thêm nhiều phản hồi. Từ hôm phim phát sóng đến giờ báo viết, truyền hình đến phỏng vấn tôi nhiều quá. Bạn bè từ khắp nơi gọi về bảo là “ông diễn hay quá không chịu được tôi phải gọi”, “dân khu nhà tôi đang sốt sình sịch vì phim ông đóng”. Những câu nói của mình trong phim được khán giả chia sẻ. Học trò thấy tôi lái xe trên đường một mình cũng chụp ảnh rồi về chế ảnh: “Lương “Bổng” đâu rồi, sao để sếp đi một mình”, vui lắm. Tự dưng mình có cảm giác cuộc sống bị kiểm soát (cười).

Hồi trước trưa đi ăn cơm bụi đầu ngõ là rất bình thường. Giờ phim đang chiếu, mọi người nhìn mình như một ông trùm, ông trùm đi ăn cơm bụi mất thiêng, nên tránh một chút (cười), ăn cơm ở nhà cho lành.

* Ông bị bệnh dạ dày đã lâu, liệu có phải do những vai diễn tâm lý rất nặng ông mang suốt đời diễn đã ảnh hưởng đến dạ dày không?

- Tôi nghĩ chắc là do mình là nghệ sĩ ăn uống, sinh hoạt thất thường thôi. Có thời điểm tôi ngồi đến 5h chiều thấy hơi hoa mắt mới nhớ ra từ sáng chưa ăn gì. Hoặc từ 4h chiều đến 2h đêm, tôi ăn đến 4 lần. Ngày xưa khi nhà còn ở Hàng Đường, 2 vợ chồng với 2 đứa con ở chung một căn phòng có hai mươi mấy mét. Thời gian đó mình làm việc nhiều lắm, nhưng vì nhà nhỏ nên cứ phải chờ khi mọi người ngủ hết rồi mình mới nghiên cứu kịch bản. Nó thành nếp từ đó.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

NSND Hoàng Dũng sinh năm 1956 tại Hà Nội. Suốt 40 năm trong nghề ông đã để lại rất nhiều vai diễn ấn tượng trên sân khấu trong các vở diễn Tôi và chúng ta, Cát bụi, Bình minh đó trái tim anh, Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Tiếng đàn vùng Mê Thảo...
Ông còn là một nghệ sĩ luôn được các đạo diễn phim truyền hình săn đón. Các bộ phim ông từng tham gia như: Cuồng phong, Thái sư Trần Thủ Độ, Con đường hạnh phúc, Đàn trời...
NSND Hoàng Dũng tham gia phim truyền hình Người phán xử vào thời điểm năm cuối ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Dù rất bận nhưng ông vẫn cố gắng tham gia vì vai diễn này thực sự nặng ký.
Ngoài vai trò diễn viên, nhà quản lý, NSND Hoàng Dũng còn là một người thầy dạy diễn xuất của rất nhiều lứa diễn viên truyền hình và là một nghệ sĩ lồng tiếng phim truyền hình cự phách.

Ngọc Diệp (thực hiện)