Góc nhìn 365: Dư vị của Tết

08/02/2022 07:53 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Tuần trước, chúng ta đón ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022. Để đến giờ, khi cái Tết đã đi qua, dư vị của nó vẫn đang đọng lại ở rất nhiều người.

Góc nhìn 365: Tết chậm

Góc nhìn 365: Tết chậm

Chúng ta đang chuẩn bị đón những ngày “Tết Covid” thứ 2 trong cuộc đời mình, kể từ khi những làn sóng dịch đầu tiên bắt đầu chạm tới Việt Nam vào năm năm 2020. Thế nhưng, cái Tết năm nay hẳn cũng khác nhiều so với năm trước, sau sự khốc liệt của đợt dịch thứ 4 vừa rồi.

Dư vị ấy không chỉ đến từ những cành đào xuân chưa mãn khai, hay những đồ ăn và mứt Tết đang còn nằm trong tủ bếp của mọi gia đình. Xa hơn, đó là những cảm xúc vẫn đang còn trong tâm trí chúng ta, như quán tính sau một tuần trải qua chuỗi ngày đặc biệt.

Nhiều người vẫn nói Tết xưa đậm vị, Tết nay thì nhạt. Nhưng, xét cho cùng, vị của Tết chính là cảm xúc được mỗi người nhen nhóm và giữ lại cho mình, bất kể hoàn cảnh nào.

Chú thích ảnh
Hoa đào bung nở. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Thoải mái vui chơi, nghỉ dưỡng chỉ là một phần. Những thời khắc sum họp vui vầy, dành trọn tâm trí và thời gian cho gia đình, tổ tiên hay dòng tộc mới là điều để mỗi người thấy hào hứng rồi luyến tiếc khi mỗi cái Tết đi qua.

Chẳng lạ, khi kỳ nghỉ Tết có kéo dài đến mấy, chúng ta vẫn luôn thấy nó quá ngắn so với với nhu cầu sum họp, vui chơi, thăm viếng và kết nối lại tình cảm của mỗi người sau một năm vất vả. Và cũng chẳng lạ khi ở nền kinh tế nông nghiệp vốn nhàn tản vào dịp đầu năm trong quá khứ, thì tháng Giêng thường là tháng “ăn chơi”, để nối dài niềm vui của nhà nhà, người người trong bối cảnh vạn vật đang bước vào giai đoạn đẹp nhất của năm.

Còn bây giờ thì khác. Chúng ta vẫn thường xuyên nhắc tới câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhưng với sự dứt khoát để gạt bỏ câu ca dao từng trở thành “lá chắn” cho sự dông dài, nhàn tản vào ngày Xuân trong quá khứ.

Đơn giản, sự tất bật của vòng quay hàng ngày, cũng như những đòi hỏi từ xã hội hiện đại, không còn cho phép mỗi người giữ “sức ỳ” về tâm lý sau kỳ nghỉ Tết - chứ chưa nói tới những tâm lý “ăn chơi” trải dài suốt tháng của xã hội thuần nông khi xưa.

Chú thích ảnh
Ùn tắc tại các cửa ngõ Thủ đô. Nguồn: TTXVN

Giống như một tín hiệu của cuộc sống thường nhật, vài ngày qua, cửa ngõ dẫn vào các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM lại ùn tắc bởi dòng người từ quê kéo về thành phố. Sự chuyển đổi giữa ngày Tết - ngày thường đang diễn ra một cách quyết liệt và chóng vánh như vậy.

Sau Tết chỉ vài ngày là câu chuyện riêng của các bậc phụ huynh - và câu chuyện chung của toàn xã hội - khi có thêm nhiều trường học chuyển từ hình thức giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến. Là những bài toán đang đặt ra với doanh nghiệp và người lao động, khi dịch bệnh tiếp tục bị đẩy lùi để mở ra cơ hội làm việc với nhiều người. Là nỗ lực chung của toàn xã hội, khi chúng ta sẽ phải tăng tốc rất nhiều trong năm nay, để bù lại những gì đã mất đi trong 2 năm dịch bệnh.

Chậm 1 ngày của thời đại hôm nay là sự lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn, nhất là trước những đòi hỏi được đặt ra trong bối cảnh “hậu Covid-19” của năm 2022 này.

Như thế, hãy để dư vị của cái Tết Nguyên đán đọng lại trong ta ở những gam màu tích cực. Hãy nhìn chuỗi ngày sum họp, hướng về gia đình và nguồn cội như một sự nâng đỡ tinh thần đặc biệt theo truyền thống, để mỗi người có thêm sự thanh thản, tự tin bước vào một năm mới, với những thử thách mới cho mình.

Và cũng đừng quên, những ngày Tết vừa qua cũng là cột mốc để chúng ta hướng về những điều mới mẻ, tốt đẹp phía trước và bỏ mọi muộn phiền lại sau lưng.Giống như mấy lời của Nguyễn Ngọc Tư mà các bạn trẻ vẫn luôn chia sẻ, trước và sau dịp Tết về: “Ngày xưa, tôi luôn chờ đợi Tết, vì nó rất đáng chờ đợi. Bây giờ thì tôi cũng vẫn còn chờ Tết, không phải vì áo mới, vì dưa hấu, mà muốn kết lại một chặng đời, để sau Tết mình sẽ sống những ngày mới. Để thấy những lỗi lầm, những dại dột đã thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa. Thôi, không thèm day dứt…”.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm