09/07/2020 06:47 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đêm nhạc Có một vài điều anh muốn nói với em sẽ diễn ra tối nay, 9/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhằm động viên nhạc sĩ Phú Quang trong thời gian điều trị bệnh. Thú thực, nghe chuyện Phú Quang nằm bệnh, tôi vừa thương vừa buồn. Tôi muốn quay ngược thời gian trở lại những ngày tháng yêu dấu xưa kia của chúng tôi.
Ngày ấy, mùa Đông 1978 đói khổ, tôi gặp Phú Quang ở nhà Nguyễn Đình Chính khu tập thể Trung Tự. Lúc ấy, tôi mới biết tác giả khúc nhạc Đọc truyện đêm khuya mà tôi mê mải những tháng năm Trường Sơn đang ngồi lù lù trước mặt tôi. Lại còn đồng niên nữa chứ. Quang đẹp trai, gương mặt phúc hậu, nụ cười duyên dáng và ít nói bằng 1/100 bây giờ.
Chúng tôi gặp nhau và mê nhau liền. Tôi mê Quang bởi vẻ đẹp công tử. Chắc Quang mê tôi vì gương mặt phong trần đầy sương gió. Những ngày ấy, gặp nhau là uống rượu, là tâm tư khao khát nghệ thuật muốn chia sẻ cho nhau. Với âm nhạc, tôi chỉ là thằng “tay mơ”, còn Quang thì học hành quá bài bản. Đầu tiên là solist kèn cor trong dàn nhạc giao hưởng. Cái ngày Dàn nhạc Giao hưởng vào Sài Gòn mùa thu 1975 “chơi một quả” thu phục nhân tâm người Sài Gòn bằng việc trình diễn Giao hưởng Định mệnh của L.V. Beethoven, thì người “tấu lên” 4 nốt nhạc mở đầu tác phẩm: “păm păm păm pằm” bằng kèn cor dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Trọng Bằng hoành tráng chính là Phú Quang. 4 nốt nhạc đã tạo ra một giọng điệu thơ Bằng Việt, thơ Nguyễn Khoa Điềm, giờ ấy cũng tạo ra một Phú Quang - tay kèn cor siêu phẩm.
Lúc đó, cặp kèn cor Quang - Kim là cặp bài “trung thượng thặng” của Dàn nhạc Giao hưởng. Nhưng cuộc đời lại rẽ họ theo hai hướng hoàn toàn khác biệt. Kim bỏ nghề, trở thành ông chủ bán xe máy, có một showroom ngay cuối phố Hàng Bông của tôi. Còn Quang thì cũng bỏ nghề nhạc công mà trở thành nhạc sĩ phối khí và sáng tác.
Tôi nhớ sáng tác đầu tay của Phú Quang in trong tập ca khúc do Sài Gòn ấn hành bằng giấy đen nhẻm là một ca khúc viết cho nhóm “Ca khúc chính trị” thời ấy. Đầu đề thì tôi quên, nhưng có câu: “Hãy hát lên đi, hát cùng chúng tôi giữa nắng mặt trời” thì tôi nhớ. Tôi nhớ họ còn in nhầm tên tác giả Phú Quang thành Phú Vang (nghe như tên một huyện của Thừa Thiên - Huế). Nhưng dù như thế, cũng đã đủ nể phục nhau rồi. Nể hơn, Quang còn là nhạc trưởng dàn nhạc nhẹ thính phòng (kiểu Paul Mauriat) mang tên “Mùa thu”. Dàn nhạc Mùa thu đã làm nên một đợt sóng thứ hai sau thời Thanh Tùng với “Cánh chim báo tin vui” của Đàm Thanh. Còn với Mùa thu là Bài ca xây dựng của Hoàng Vân. Đấy là chuyển soạn từ ca khúc. Dàn nhạc Mùa thu còn phối khí để thu thanh bao nhiêu ca khúc trong đó có những ca khúc của tôi cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Hình như bản phối khí đầu tiên cho “Làng quan họ quê tôi” của Nguyễn Trọng Tạo cũng do Phú Quang thực hiện?
Có lẽ, bước ngoặt lớn nhất để một nhạc công, một nhạc sĩ phối khí trở thành một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp (mặc dù Phú Quang đã viết nhạc không lời từ thanh xuân) chính là khi Phú Quang “hành Phương Nam” để rồi cứ quay quắt nỗi nhớ Hà Nội. Cái nỗi nhớ ấy đã làm tươi non trở lại những câu thơ Phan Vũ qua ca khúc Em ơi Hà Nội phố.
Tôi nhớ mùa Đông 1988, khi Phú Quang trở ra Hà Nội mang theo ca khúc này đến hát ở nhà tôi rồi sau đó rủ nhau đi ăn phở ở ngõ cuối đường Sinh Từ (Nguyễn Khuyến) bên cạnh quán rượu cụ Xưởng (nay là quán cà phê One). Trong hơi phở nóng xụp xoạt, tôi nói với Phú Quang: “Giai điệu này sẽ sống mãi đấy, mày ạ”. Quả nhiên, Em ơi Hà Nội phố bây giờ cũng đã nằm trong “Top Ten” ca khúc viết về Hà Nội. Vì cảm động thế, tôi đã viết về Phú Quang một bài mang tên “Phú Quang - cho một nỗi nhớ rét” in trên báo Quân đội Nhân dân mới hay chứ!
Từ sau đó, Phú Quang liên tiếp “xuất xưởng” những nỗi nhớ Hà Nội của mình đến chóng mặt, đến chiếm lĩnh thông qua việc thẩm chọn và phổ những bài thơ của bao nhiêu nhà thơ như Thái Thăng Long, Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên, Thanh Tùng v.v.. Phú Quang viết như mê và cũng làm người Hà Nội say đắm anh đến cùng cực. Đủ các loại người mê. Dân chợ Đồng Xuân. Dân trí thức gạo cội. Học sinh, sinh viên đủ loại. Những giai điệu tạo dựng nên một “văn hóa” Phú Quang không lẫn vào đâu. Ngọc Tân khi “tái xuất giang hồ” cũng định lấy tênmột ca khúc Phú Quang Biển của một thời đã mất làm tên chương trình. Song do là tên chương trình nên tôi đã yêu cầu Ngọc Tân chỉ lấy là Biển của một thời thì nén hơn, căng hơn và Tân đồng ý. Nếu không thì lại trùng với tên một truyện ngắn của G.Marquez, sẽ rất lùm xùm vụ bản quyền. Vì mình công bố sau mà.
Tôi rất muốn thời gian quay về mùa Đông 1994. Mặc dù bài thơ Chiều không em của tôi đã in từ năm 1991, được đàn anh Huy Du phổ nhạc và lấy làm tên Album của mình năm 1992 do ca sĩ Thùy Dung thể hiện, thì mùa Đông 1994, khi Quang ra Hà Nội và được tôi chép tặng bài thơ này, ngay lập tức Quang đã phổ nhạc Chiều không em. Cái duyên của một bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc rất hiếm. Và ai để lại giai điệu cho bài thơ này đích đáng? Chiều không em mà Phú Quang phổ thơ tôi đã được Mỹ Hạnh hát đến tận đáy lòng. Sau đó là Ngọc Anh (ở nhóm Tam ca 3A - bây giờ định cư ở Hoa Kỳ). Chiều không em đã thấm vào nhân gian suốt 1/4 thế kỷ nay quả là một hạnh ngộ giữa hai thằng bạn đồng niên. Gần đây, nữ nhạc sĩ trẻ Việt Hà lại phổ nhạc Chiều không em. Cũng có những cái mới, cái trẻ khi tôi và Phú Quang đã “xưa nay hiếm”. Nhưng để sống lâu hơn nhau thì lại phải trông cậy vào cụ tổ thời gian.
Phú Quang có thể “tả xung hữu đột” trong lãnh địa ca khúc, nhạc phim, nhạc giao hưởng để đóng đinh tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nỗi nhớ Hà Nội vẫn là nguồn năng lượng vô tận của anh trong hành trình khẳng định vị thế của mình trở thành “công dân ưu tú” của Hà Nội.
Tôi chỉ hy vọng rằng khi một người đã đem đến cho bao nhiêu người mến mộ giao hưởng Việt Nam những âm thanh đầu tiên của bản Giao hưởng Định mệnh đầy triết lý về của “người điên khổng lồ” L.V. Beethoven (năm nay cũng kỷ niệm 250 năm sinh) sẽ được bậc siêu phàm của nhân loại phù hộ để Phú Quang sẽ vượt qua bạo bệnh này.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất