18/10/2014 08:15 GMT+7 | Văn hoá
Một cuộc triển lãm mới mang tên Sherlock Holmes: The Man Who Never Lived and Will Never Die (tạm dịch: Sherlock Holmes: Người đàn ông chưa từng sống và sẽ không bao giờ chết), đang diễn ra tại Bảo tàng London.
Triển lãm sẽ giúp công chúng thấy rõ Sherlock Holmes đã thoát ra khỏi các trang tiểu thuyết của nhà văn Arthur Conan Doyle như thế nào và được coi như một trong những nhân vật của đời thực. Bên cạnh đó, triển lãm còn nêu rõ về mối quan hệ của Sherlock Holmes với London, thành phố là bối cảnh trong rất nhiều cuộc phiêu lưu nổi tiếng của ông.
Danh tiếng lấn át cả “cha đẻ”
Trung tâm của triển lãm là một bức tranh sơn dầu khổ lớn treo trên tường, mô tả chân dung Arthur Conan Doyle, “cha đẻ” của nhân vật thám tử Sherlock Holmes. Hiếm khi được trưng bày trước công chúng, bức tranh này được họa sĩ Sidney Paget vẽ hồi năm 1897, lúc Doyle chưa đầy 40 tuổi. Một thập kỷ trước đó, ông đã tạo nên nhân vật thám tử nổi tiếng nhất thế giới. Song năm 1897, danh tiếng của Sherlock Holmes đã lấn át cả “cha đẻ” mình.
Triển lãm còn mô tả quá trình các cư dân ở 221B Phố Baker tại London - khu dân cư thượng lưu hư cấu trong bộ truyện Sherlock Holmes - trở thành một huyền thoại ngoài đời ra sao. Triển lãm cũng nêu bật ảnh hưởng của Holmes tới cuộc sống thực qua nhiều phiên bản sân khấu, truyền hình và điện ảnh, gồm loạt phim Sherlock phát trên kênh BBC, do tài tử Benedict Cumberbatch thủ vai chính.
Ông Alex Werner, giám tuyển triển lãm, đã chỉ vào chiếc áo choàng Belstaff mà bảo tàng mượn từ các nghệ sĩ tạo hình cho nhân vật Sherlock Holmes và cho biết: “Benedict Cumberbatch đã mặc chiếc áo này khi đóng phim. Đối với thế hệ mới, chiếc áo cũng mang tính biểu tượng chẳng kém gì chiếc mũ săn và cái tẩu của Sherlock Holmes. Thực tế là diễn viên Mỹ William Gillette đã biến chiếc tẩu trở thành thương hiệu của Sherlock Holmes, khi ông hóa thân thành nhân vật này qua các chuyển thể sân khấu đầu tiên. Trong khi đó họa sĩ Sidney Paget là người đã khiến chiếc mũ săn của Sherlock Holmes trở nên nổi tiếng, chứ không phải nhờ các mô tả của Doyle”.
Để lại dấu ấn sâu đậm trong đời thực
Đây là triển lãm tôn vinh Sherlock Holmes lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. “Chúng tôi đã cố gắng trưng bày các hiện vật liên quan đến quá trình hình thành Sherlock Holmes, như những dòng viết đầu tiên trong đó Doyle đề cập đến một nhân vật mang tên Sherrinford Holmes. Việc này nhằm mang tới hướng tiếp cận văn hóa rõ ràng hơn về hiện tượng Sherlock Holmes” – giám tuyển Werner cho biết.
Một chi tiết thú vị là triển lãm còn chiếu các đoạn video giới thiệu những nghệ sĩ đã hóa thân thành thám tử Sherlock Holmes trên màn bạc trong thời gian qua. Trong số này có diễn viên Anh Basil Rathbone, người thủ vai Holmes hồi những năm 1940; Douglas Wilmer trong bộ phim được BBC sản xuất hồi những năm 1960 và Jeremy Brett tại các phim truyền hình về Holmes được chiếu những năm 1980.
Với các thế hệ sau này, thám tử Sherlock Holmes đã có sự hiện hữu đậm nét trong đời thực, khiến họ nhiều khi tưởng rằng ông là nhân vật đời thực thay vì hư cấu. “Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên đến nay, nhân vật Sherlock Holmes không ngừng được tái sáng tạo. Phim Sherlock của kênh BBC là ví dụ rõ ràng nhất trong giai đoạn gần đây. Không có nhân vật hư cấu nào có thể cạnh tranh được với Sherlock Holmes” Werner nói.
Ông cũng cho biết khi Holmes xuất hiện, ngành xuất bản đã cất cánh, nhắm tới đối tượng công chúng ngày càng hay chữ. Vì vậy, nhân vật Holmes và bác sĩ Watson đã nhanh chóng in sâu vào tâm trí độc giả. Sau này, các cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes lại trở thành đề tài đầy hứng thú của các nhà làm phim tiên phong.
“Sự thay đổi về công nghệ và khoa học đã đóng góp rất nhiều trong quá trình tạo nên huyền thoại về Sherlock Holmes. Ông luôn là một thám tử hiện đại và ông dễ dàng thích ứng với các thời kỳ sau này” - Werner nói.
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất