Đừng cuống lên khi vàng cán mốc 44 triệu đồng

09/08/2011 09:12 GMT+7 | Thế giới

Ngoại trừ các nhà đầu tư trường vốn và bộ phận người dân nhiều tiền muốn chuyển bớt sang giữ vàng để bảo toàn giá trị, sẽ rất rủi ro với những người ít tiềm lực, phải vay mượn để đầu tư lướt sóng khi giá vàng trong nước cao kỷ lục.


Người dân xếp hàng mua bán vàng chiều 8/8 tại phố Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Giữa lúc giá vàng trong nước ngày 8/8 lần đầu tiên chạm mốc kỷ lục 44,2 triệu đồng/lượng - cao nhất trong lịch sử, gây quan ngại trong tâm lý người dân và tác động mạnh đến thị trường vàng, PV đã có cuộc trao đổi với 3 đại diện là chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội về những vấn đề nội tại của thị trường này. Lời khuyên chung dành cho người dân lúc này là nên “bình chân như vại”.

Cái cớ là do giá thế giới

* Dưới cái nhìn, kinh nghiệm theo dõi và hoạt động lâu năm trên thị trường vàng trong nước, xin các vị cho biết thị trường trong nước đang có những bất thường nào khiến giá vàng tăng cao lên mức khủng khiếp như vậy?

Ông Trần Quốc Quýnh - Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam: Điều này là do giá vàng trong nước tăng theo thế giới thôi chứ chẳng có gì bất thường cả. Nước ngoài lên thì mình phải lên. Và ngay tỷ giá đôla Mỹ mấy hôm nay cũng lên rồi.

Bà Trần Như My - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji: Giá vàng hôm nay chủ yếu do giá vàng thế giới tăng. Giá vàng thế giới đóng cửa ngày thứ 7 (6/8) ở mức 1.663 USD/ounce nhưng tính đến 16h chiều 8/8 đã là 1.713 USD/ounce.

Trước tiên vì giá vàng đã vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce nên tâm lý của người dân kỳ vọng giá vàng còn tăng. Ngày, 7/8 Công ty Doji vẫn niêm yết bán ra với giá 41,9 triệu đồng/lượng, nhưng cuối giờ chiều 8/8, đã là 44,1 triệu đồng/lượng. Trên thực tế, giá vàng quốc tế tăng khoảng 30 USD/ounce thì giá trong nước tăng khá mạnh đến hơn 2 triệu đồng/lượng.

Cùng với sự quan tâm, mua vàng nhiều của người dân thì nguồn cung vàng của các hiệu trong nước hiện không có nhiều. Khan hàng cho nên giá càng bị đẩy lên rất mạnh.

TS. Vũ Đình Ánh - Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính: Việc giá vàng quy đổi trong nước hôm nay tăng vênh đến 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới là không bình thường.

Điều kiện bình thường đó là giá trong nước theo sát giá thế giới.

Tất nhiên giữa giá thế giới và trong nước bao giờ cũng phải chấp nhận độ vênh vì cái ma sát giữa thị trường Việt Nam và thị trường quốc tế nó không liên thông một cách hoàn hảo, nhưng mà rõ ràng khi nó vênh đến 2 triệu đồng/lượng như hôm nay thì không thể gọi là bình thường được.

*Mức tăng của giá vàng thế giới chỉ chục đô, nhưng giá trong nước lại tăng đến vài triệu. Ngay trong sáng 8/8, khi giá thế giới chưa đạt ngưỡng 1.700 USD/ounce thì giá trong nước có thời điểm cao hơn giá quy đổi thế giới đến 3 triệu đồng/lượng. Các vị nói sao về chi tiết này?

Ông Trần Quốc Quýnh: Quy đổi thế nào để được con số chênh lệch 3 triệu đồng/lượng thì tôi không nắm, nhưng nhìn chung, giá thế giới chiều 8/8 vẫn cao hơn sáng 8/8 gần 30 USD/ounce rồi.

Tôi cho là không có gì bất thường. Cách đây 1 tháng tôi nhận định, có lẽ phải đến tháng 8, giá vàng thế giới mới lên 1.700 USD/ounce, nhưng đầu tháng 8 điều này đã xảy ra.

Bà Trần Như My: Trên thực tế, nếu giá vàng thế giới vào khoảng 1.710 USD/ounce, quy đổi ra, nếu cộng với các tiền thuế, phí về đến Việt Nam là 43 triệu đồng/lượng.

Thực tế, các hiệu lúc cuối chiều 8/8 đang niêm yết phổ biến ở mức 44,1 triệu đồng/lượng. Như vậy trừ đi, giá trong nước chênh cao hơn giá thế giới 1,1 triệu đồng/lượng.

Nói có thời điểm hôm nay giá vàng niêm yết trong nước chênh cao hơn giá quy đổi trên thị trường thế giới đến 3 triệu đồng, tôi cho rằng đó là do cầu thời điểm sáng và trưa 8/8 nhiều hơn cung. Nguồn cung rất hiếm, thậm chí gần như buổi sáng, doanh nghiệp không dám niêm yết giá vàng nữa vì nó lên mạnh quá, trong khi đó tất cả các nơi đều nói họ không bán vàng ra, cầu quá nhiều mà khan hàng thì càng thúc đẩy giá lên.

Theo ghi nhận, hôm nay, người dân nhỏ lẻ đi mua rất nhiều, phổ biến ở mức 5-10 cây. Là đơn vị có lượng cung tương đối lớn, tích trữ nhiều cho nên chúng tôi cũng đáp ứng đủ cho các khách hàng nhỏ lẻ, không bị hẹn quá nhiều nhưng chúng tôi cũng phải hạn chế, những người mua buôn số lượng nhiều chúng tôi không dám bán.

* Khi giá vàng tăng kỷ lục, thị trường TP.HCM rất trầm lắng, èo uột, nhưng Hà Nội lại quá sôi động. Lượng bán ra của các hiệu vàng ở Hà Nội lên đến vài nghìn lượng, trong khi mua vào ít. Có phải thị trường Hà Nội có tỷ lệ đầu tư, đầu cơ lướt sóng ngắn hạn nhiều hay không?

Bà Trần Như My: Theo quan sát, việc đầu tư, đầu cơ tại các cửa hàng của hệ thống SJC gần như không có. Hôm nay, chủ yếu khách đi mua vàng để cất đi. Thực tế các cửa hàng của công ty hiện tại toàn khách mua vàng thật, trả tiền thật và nhiều người cho biết họ sợ để tiền Việt mất giá cho nên rút tiền tiết kiệm ra mua vàng cất đi cho an toàn, bởi kỳ vọng giá vàng còn tăng thời gian tới.

* Vậy các anh chị có cảnh báo người dân, giá lúc cao điểm thế này không nên đổ xô mua vài, vì giá còn xuống hay không?

Bà Trần Như My: Khách người ta quyết tâm mua thì mình không gàn được. Một khi công ty đã treo bảng, có giá bán giá mua, khách vào giao dịch đông đến nỗi, thậm chí nhân viên chẳng có thời gian để giải thích luôn.

Tăng nhanh, sụt cũng nhanh

*Kinh nghiệm theo dõi về giá vàng nhiều năm, các vị đã bao giờ gặp mức kỷ lục về giá và nhảy giá như thế này hay chưa?

Ông Trần Quốc Quýnh: Có một năm, đó là năm 2010. Khi đó, giá vàng thế giới tăng một lúc đến 100 USD/ounce, nhưng chỉ 2 ngày sau lại giảm hơn 100 USD.

Lần này vàng tăng chưa đến 100 USD. Chiều thứ 6 (5/8) đến 8/8, từ mức 1.666 mới tăng lên 1.713 USD/ounce.

Trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp chiều 8/8, tôi có lưu ý rằng, bao giờ giá tăng vọt một cách nhanh như thế này thì cũng phải chú ý theo dõi, nhất định nó sẽ có những điều chỉnh. Tăng càng nhanh thì giá sụt cũng càng nhanh. Việc tăng giá này là không bền vững đâu.

TS. Vũ Đình Ánh: Cái này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì việc giá trong nước tăng kỷ lục từng giờ và chênh cao thậm chí lên tới khoảng 2 triệu đồng so với giá vàng thế giới như ngày hôm nay, giống kịch bản của năm 2009-2010, đã từng có những “cơn sốt” thế này rồi.

Còn tác động của nó thế nào thì cứ ngồi ôn lại tác động của 2009, 2010 là ra, bởi đến nay cũng chưa có quy định cụ thể gì về quản lý thị trường vàng, mặc dù chúng ta đã dự thảo nhiều lần rồi. Nếu có tác động thì sẽ tác động tương ứng như các lần sốt giá trước thôi.

*Các vị có phân tích đánh giá thế nào về diễn biến giá vàng trong và ngoài nước từ nay đến cuối năm?

Ông Trần Quốc Quýnh: Phân tích giá thời gian tới sẽ đi theo chiều hướng tăng. Từ nay đến cuối năm, độ 1.750 USD/ounce là trong tầm tay. Cao hơn nữa cũng nhiều người dự đoán nhưng mình nói vừa thôi, chứ nói nhiều quá người ta cũng sốc.

Bà Trần Như My: Giá vàng thế giới phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tình hình kinh tế - chính trị thế giới, giá dầu mỏ, tỷ giá ngoại tệ, cung cầu, tình hình đầu tư nắm giữ của các quỹ... Thực tế xu hướng giá quốc tế vẫn được nhận định đi lên, còn giá trong nước cũng khó nhận định vì giá còn phụ thuộc lượng hàng trong nước.

Thời điểm cách đây 1 tuần, Việt Nam còn xuất khẩu vàng đi. Hoạt động xuất vàng đi đã diễn ra từ 1-2 tháng trở lại đây với số lượng cũng khá nhiều. Bây giờ lượng hàng trong nước rất ít, luôn trong tình trạng khan hiếm mà nhu cầu trong nước thì rất cao.

Tiềm ẩn rủi ro

* Khi giá vàng trong nước cao kỷ lục như thế này thì các vị có cảm nhận thế nào về mức độ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, họ có hoảng hốt như các đợt kỷ lục giá vàng trước đây hay không?

Bà Trần Như My: Tôi nghĩ rằng nếu mức độ chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới đến hơn 1 triệu đồng/lượng thì đầu tư vàng lúc này không phải là an toàn lắm. Nếu giá thế giới và giá vàng quy đổi trong nước bằng nhau thì không có gì để nói.

Thứ hai, bình thường các doanh nghiệp để khoảng giá mua vào - bán ra chỉ 100.000 đồng, nhưng bây giờ biên độ rộng đến 500.000-600.000 đồng. Biên độ quá rộng, trong khi lại vênh với giá thế giới nên không hề an toàn nếu mua thời điểm này.

Nếu mua đầu tư thì phải xem xét kỹ nhưng về chiến lược lâu dài thì giá vàng cũng còn tăng rất cao. Bằng tiền thật đi mua thì tôi nghĩ cũng chẳng vấn đề gì cả. Nó là một kênh an toàn, cất trữ mà không bị mất giá, thậm chí lợi nhuận đem lại còn cao hơn việc đi gửi tiền trong ngân hàng. Trong ngắn hạn, nó có thể điều chỉnh giảm nhẹ nhưng thời điểm cuối năm theo quy luật, giá còn tăng nữa.

Ông Trần Quốc Quýnh: Trong bối cảnh này, những anh trường vốn như các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư của Mỹ, tiền của họ có thừa cho nên đầu tư dài hạn thì không sợ. Còn các nhà đầu tư của mình lướt sóng ngắn hạn, kiếm tý chênh lệch thì phải chú ý.

Với đại bộ phận người dân, lời khuyên lúc này là cứ bình tĩnh. Ai có tiền thì đầu tư, người không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì cả, giá vàng có phải là giá thịt, giá rau đâu mà lo ảnh hưởng. Cho nên dân mình cứ nên “bình chân như vại”.

TS. Vũ Đình Ánh: Nếu so với bối cảnh năm 2009, 2010, năm nay câu chuyện đánh đổi giữa đầu tư vàng và các kênh đầu tư khác, thì rõ ràng năm nay đầu tư các kênh khác rất khó, nên sức hấp dẫn của vàng ở khía cạnh đầu tư hấp dẫn hơn các năm trước.

Còn câu chuyện giá vàng tăng có tác động đến giá tiêu dùng hay không thì phải khẳng định, nó không tác động như các năm trước, bởi hiện nay tâm lý gắn chuyện giá vàng với giá tiêu dùng đã giảm bớt rất nhiều. Đặc biệt trong năm 2011, ngay cả không có chuyện giá vàng tăng kỷ lục thì chỉ số giá tiêu dùng CPI đã rất kinh khủng rồi.

Do đó, điều này sẽ làm giảm hiệu ứng tác động của giá vàng tăng đến thị trường tiêu dùng. Đđáng quan tâm lúc này là câu chuyện về giá đôla, nhưng giá đôla bây giờ rất khó đánh giá vì cái cân đối ngoại tệ của Việt Nam hiện tại và tương quan một vài tháng tới như thế nào thì chịu.

Thứ hai là lạm phát của Trung Quốc mới công bố đã lên đến 6,4%. Đây là con số nặng nề với Trung Quốc. Hai thị trường lớn trên thế giới diễn biến như vậy nên giá vàng tăng. Ngoài ra, mấy ngày vừa qua ghi nhận rất nhiều thông tin các nước mua vàng từ Venezuela, Ấn Độ, đến Thái Lan, Philippines cũng đều mua vàng để tăng dự trữ hết. Đó là lý do khiến giá vàng thế giới tăng vọt hôm nay” - ông Trần Quốc Quýnh.

Theo VEF

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm