06/04/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Triển lãm Lời thiên thu gọi của Lê Sa Long áp dụng công nghệ thực tế ảo đang diễn ra trên trực tuyến, kéo dài từ ngày 1 đến 30/4/2020, giới thiệu 32 bức tranh với nhiều chất liệu. Triển lãm lấy cảm hứng chủ đạo từ nhạc Trịnh để vẽ, nên có nhiều bức vẽ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Triển lãm khai mạc nhân 19 năm ngày mất của ông (1/4/2001-1/4/2020).
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Lê Minh Quốc về triển lãm đang rất thu hút người xem trên mạng này.
Từ một bức vẽ kỷ niệm
Trong thế giới hiện nay không gì có thể “ngăn sông cấm chợ”, kể cả bóng ma đại dịch đang ám ảnh toàn cầu. Bởi chỉ cần màn hình phẳng, bàn phím là con người ta có thể kết nối thông tin, chia sẻ thông điệp cho nhau. Dù trong tình thế hợp lý và cần thiết, ai “đang ở chỗ nào thì ở yên chỗ đấy”, nhưng người mộ điệu vẫn có thể xem triển lãm tưởng nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 19 năm ông đi theo Lời thiên thu gọi.
Đây cũng là chủ đề cuộc triển lãm trên công nghệ thực tế ảo (VR 360) lần đầu tiên của trang mạng Duyên dáng Việt Nam, mà Lê Sa Long là người khai cuộc.
Đôi khi người họa sĩ vẽ chỉ để mà vẽ, có thể ngẫu hứng, có khi có cố tình, thế nhưng dù muốn hay không thì không thể thiếu yếu tố cảm xúc. Với Lê Sa Long, anh đã vẽ không chỉ bằng cảm xúc mà còn vì tình yêu thánh thiện dành cho âm nhạc đã hằn vết từ trong ký ức.
Từ trái tim đến trái tim, từ cảm xúc đến cảm xúc là lẽ tất nhiên, nếu giữa người sáng tạo và công chúng cùng có sự đồng cảm. Ở đây, ngoài yếu tố ma lực hấp dẫn từ hình bóng Trịnh Công Sơn, còn là tài năng và cách thể hiện nội tâm của Lê Sa Long.
Nói cách khác, giai điệu, ca từ của Trịnh đã dẫn dắt sắc màu của anh đi về cõi bất tuyệt trong thế giới hư và thật. Do đó, dù xem tranh qua thế giới ảo nhưng công chúng vẫn có sự rung động, thích thú như xem ngoài đời. Mỗi ngày, triển lãm tranh Lời thiên thu gọi đã có lượng truy cập từ 15 đến 20 ngàn lượt. Và họ đã chia sẻ nhiều cảm xúc. Điều này, cho ta thấy rằng, tiếng nói đồng cảm về cái đẹp đã vượt ra ngoài khoảng cách không gian.
Mới đây nhất, từ nước ngoài, ca sĩ Khánh Ly khi xem bức Người con gái Việt Nam da vàng đã bày tỏ lời cảm ơn đến Lê Sa Long. Khi vẽ tác phẩm này, anh cho biết còn liên tưởng đến kỷ niệm là năm 1997, khi cô Adele đang tìm người vẽ chân dung Trịnh và Khánh Ly. Theo lời giới thiệu của giới họa sĩ thành phố, họ tìm đến anh, dù khi ấy, anh đang là sinh viên năm 3 của Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Sở dĩ Adele yêu cầu vẽ, vì khi cô nghe nhạc Trịnh qua giọng ca Khánh Ly là nghĩ đến cặp đôi ca nhạc sĩ Bob Dylan và Joan Baez. Và anh đã vẽ. Vẽ bằng kỷ niệm thời bé ở ngoài quê Quy Nhơn đã từng nghe qua đĩa than, từng nhìn thấy hình ảnh của Trịnh và Khánh Ly. Người đặt đã hài lòng, cứ ngắm mãi và còn thưởng thêm một hộp sơn dầu Winsor & Newton, cùng bộ cọ vẽ chuyên dụng.
Đến những bức tranh mang tên nhạc Trịnh
Có thể nói, với kinh nghiệm trên, qua triển lãm lần này, nét vẽ của kỷ niệm đã tạo ra hiệu ứng lan truyền sâu rộng hơn. Có lẽ do anh đã đánh thức được từ trong tiềm thức nỗi niềm mê nhạc Trịnh của nhiều thế hệ, xuyên năm tháng. Ngay cả từng bức tranh, tất cả đều lấy tiêu đề từ tựa nhạc Trịnh, như một cách gửi gắm lòng mình vào trong sắc màu tươi mới.
Một trong những lý do khiến tôi thích tranh triển lãm của Lê Sa Long còn là cái tình. Cái tình đáng quý của anh, không chỉ dành cho nhân vật chính, mà còn cả những người khác như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Quang Sáng… Anh cũng dành cái tình sâu nặng cho những ca sĩ từng hát thành công nhạc Trịnh ở các thế hệ trước như Khánh Ly, Thanh Thúy, Quang Dũng, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Cẩm Vân, Hoàng Trang… tất nhiên không thể thiếu nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn…
Những gương mặt tâm giao ấy đã tạo nên sự gần gũi nhiều hơn nữa, vì rằng, khi xem tranh trên thế giới ảo, người thưởng ngoạn còn có dịp thưởng thức từng ca khúc qua các giọng ca ấy như một cách tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa.
Xem triển lãm lần này, chắc hẳn chúng ta dễ đồng tình với bình luận của nhà nghiên cứu xã hội học Nguyễn Quang Vinh: “Phong phú. Tầng tầng ý nghĩa. Rất đẹp, lạ và giỏi. Tuy rằng viết, vẽ, hát ca về Trịnh sẽ không bao giờ là đủ, nhưng công trình hôm nay của Lê Sa Long là cái mốc nghệ thuật hòa ca khó quên cho tất cả những ai yêu quý Trịnh Công Sơn”.
Được biết, thời gian tới, khi tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được khánh thành tại Quy Nhơn (Bình Định), thì triển lãm offline Lời thiên thu gọi sẽ kết hợp tổ chức với các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại cả Quy Nhơn và TP.HCM. Qua đó, một số tác phẩm trong triển lãm sẽ được trưng bày và bán đấu giá gây quỹ cho Quỹ học bổng Trịnh Công Sơn và Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình - học bổng dành cho thủ khoa Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Năm 1994, Lê Sa Long cũng từng nhận được Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình. Điều đó đã tạo động lực cho anh phấn đấu trở thành họa sĩ chuyên nghiệp khi còn là sinh viên.
Nhân đây, cũng xin “bật mí”, ngoài loạt tranh đang triển lãm Lời thiên thu gọi, hiện nay Lê Sa Long đang bắt đầu thực hiện bộ tranh vẽ văn nghệ sĩ Việt Nam theo lối hiện thực. Anh tâm niệm: “Làm sao khi xem tranh, người xem tưởng chừng như có thể chạm vào được diện mạo, thần thái của nhân vật”.
Lê Minh Quốc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất