05/03/2014 16:33 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Giải vô địch quốc gia V-League tạm nghỉ, dành quỹ thời gian để đội tuyển quốc gia tập trung thi đấu với Hong Kong (Trung Quốc) trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2015, sân chơi mà bóng đá Việt Nam đã thua cả 5 trận, tính đến trước lượt trận cuối. Mặc dù vậy, cơ quan quản lý VFF vẫn bình chân như vại và không có biểu hiện sốt sắng nào với thực thể nền bóng đá. Đến ngay cả Đại hội khóa VII vẫn hoãn lên hoãn xuống, dù đáng ra nó đã phải diện ra trong năm 2013.
Bất luận thế nào, sân cỏ nội địa bớt nóng, với quá nhiều những tồn tại ở cả 2 giải đấu dành cho nam và nữ.
Bạo lực bùng phát bóng đá nam
Cho đến lúc này, không ít người vẫn còn ám ảnh với cái cổ chân gãy làm đôi của tiền vệ Bruno (Than Quảng Ninh), sau một pha tranh chấp với hậu vệ Vũ Anh Tuấn (Hoàng Anh Gia Lai), trận đấu ở vòng 6, V-League 2014 trên sân Cẩm Phả. Nó ám ảnh đến độ người ta không dám xem lại lần thứ 2, nhưng trước sự lên án của dư luận, nhà tổ chức buộc phải làm một cuộc điều tra mini về nguyên nhân dẫn đến chấn thương quá nặng, có thể khiến sự nghiệp của Bruno tiêu tan.
Các hình ảnh quay chậm của nhà đài cho thấy, Bruno đã mất trụ trong một pha vào bóng có phần ác ý, để rồi gãy chân, chứ Anh Tuấn hoàn toàn vô can trong tình huống này. Ban tổ chức sân Cẩm Phả khẳng định, đám cỏ chỗ Bruno ngã xuống rất… phẳng, thậm chí còn đẹp hơn nhiều chỗ khác ở trên sân, vì nó nằm chính diện khán đài A. Như vậy, Bruno chỉ có thể bỗng dưng chấn thương hoặc do va chạm, chứ hoàn toàn không phải do mặt sân xấu, không đảm bảo các điều kiện thi đấu.
Thực tế, mặt cỏ sân Cẩm Phả từ lâu đã bị liệt vào loại tệ nhất Việt Nam, nhưng từ nhiều năm qua, các cô gái và cả những chàng trai đất mỏ vẫn phải “cày ải”, trong điều kiện như thế. Họ chấp nhận sống chung với lũ và đảm bảo rằng, trước Bruno, không hiếm các ca chấn thương đã từng xuất hiện, nhưng không được đề cập hoặc ém nhẹm cho qua. Bóng đá Việt Nam hẳn rất giỏi bưng bít các sự vụ đến nỗi được cho là một thuộc tính.
Trước khi Bruno gãy chân, không ít đồng nghiệp của anh cũng rơi vào cảnh tương tự, thậm chí có người còn mất mạng (đột quỵ trên sân tập hoặc do dùng ma túy quá liều – PV) đấy thôi. Điển hình như Tạ Thái Học (Hoàng Anh Gia Lai, sau cú vào bóng của Thanh Hùng (K.Khánh Hòa) cách đây 2 mùa giải; rồi cú tước gầm giầy của Công Vinh nhằm vào mặt đàn anh đồng hương Thế Anh ở sân Vinh và cũng tại đây, Samson đã dạy cho trung vệ tầm cỡ như Huy Hoàng về khả năng phản đòn. Tại vòng 5, V-League 2014, một ngoại binh nhập tịch khác là Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình) đã khiến Danny David của Đồng Tâm Long An phải nhập viện, với cú song phi trúng vùng bụng như một vận động viên wushu, thể loại tán thủ…
Điều đáng nói là, các pha bóng mang tính bạo lực đã xuất hiện nhiều hơn với các cầu thủ nước ngoại hoặc ngoại binh nhập tịch, dù về tiêu chí, chúng ta thuê họ để giúp nâng tầm giải đấu, và thúc đẩy sự phát triển của nền bóng đá. Phải chăng, gần mực thì đen?! Đây là vấn đề quá nhức nhối với nhà tổ chức giải đấu, bởi bản thân VPF hay VFF lúc này, cũng khó thể kiểm soát các câu lạc bộ, huống hồ…
Khán đài vắng hoe bóng đá nữ
Những ngày này, giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2014 đang diễn ra ở Thống Nhất, TP.HCM, song tuyệt nhiên chỉ có rất ít những thông tin đề cập trên mặt báo về một trong những giải đấu quan trọng nhất năm của nền bóng đá nội. Nó thậm chí còn hơn cả quan trọng, khi tại đây, giai đoạn lượt đi, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ được thành hình, chuẩn bị cho sân chơi châu lục được tổ chức trên sân nhà: Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2014, giải đấu mà nếu chúng ta lọt vào tốp 5 đội đứng đầu sẽ đồng nghĩa với suất tham dự VCK World Cup 2015 ở Canada. Phải nói là cơ hội ngàn năm có một.
Thế nhưng, các khán đài sân Thống Nhất vẫn cứ vắng hoe, giữa thời buổi nông nhàn với cả quan chức bóng đá, giới truyền thông và người hâm mộ. Các cô gái đá bóng không được chào đón hay sản phẩm đầu ra của bóng đá nữ không hợp với thị hiếu của “người tiêu dùng” hoặc nghiệt ngã hơn, đó còn là sự phân biệt đối xử với cánh chị em?! Một đội tuyển đã 4 lần đứng trên bục vinh quang SEA Games, thêm vài chức vô địch Đông Nam Á khác, nhưng dường như nó vẫn chỉ là chuyện riêng của các cô gái.
Trên tất cả, chúng ta phải xem lại cung cách điều hành và tổ chức giải đấu, trong đó việc quảng bá hình ảnh giải đấu đến người hâm mộ rất quan trọng. Thực tế là giới truyền thông chỉ được ý thức vai trò rất hạn chế trong việc thúc đẩy sự phát triển của các giải đấu, cũng như nền bóng đá. Trong một vài trường hợp cụ thể, truyền thông còn bị cho là cái gai gây khó dễ với nhà tổ chức, cũng như các đội bóng, với các tồn tại được đề cập. Người trong cuộc (nhà tổ chức) vẫn đăng đàn kêu gọi, nhưng chỉ là tiếng gọi đò ở bến vắng.
Bóng đá thiếu khán giả tất sẽ chết yểu, nó là chân lý rồi. Quả rất khó tưởng tượng khi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), tổ chức đã có chút đặc cách – linh động, để Việt Nam lần đầu tiên trở thành đồng chủ nhà giải vô địch châu lục, sẽ phải chứng kiến sự thờ ơ như thế, vào tháng 5 tới đây. Tất nhiên, sẽ không bao giờ có lần thứ 2 đặc cách nữa, mà chúng ta sẽ phải chiến đấu (vòng loại) và cạnh tranh (giành quyền tổ chức – đăng cai) với các nền bóng đá mạnh, một cách sòng phẳng. Xét về năng lực hữu hạn của người Việt trong môi trường thể thao đỉnh cao, việc tiệm cận những cơ hội lớn rất xa xỉ.
Đã có lời kêu gọi, nếu yêu chị em thì hãy đến sân! Nhưng một khi tình yêu chỉ là sự bố thí hay thương hại, chắc chắn không thể đem lại hạnh phúc được.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất