Đã 6 năm trôi qua kể từ ngay vợ chồng Phương Thảo - Ngọc Lễ sang Mỹ định cư để Phương Thảo có thể đoàn tụ với cha mình đúng như những điều mà chị đã từng mơ ước.
Sinh ra đã không được biết mặt cha và từ nhỏ đã phải mang nỗi ám ảnh của thân phận con lai, đến gần 30 tuổi, ca sĩ Phương Thảo mới tìm được người cha của mình – một cựu binh Mỹ từng tham chiếu ở Việt Nam nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của một nhà báo Mỹ.
Phương Thảo sinh năm 1968, tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Tên khai sinh của Phương Thảo là Văn Thị Kim Lang, lấy theo họ của người cha dượng.
Khi Phương Thảo còn bé, mẹ cô không bao giờ kể cho cô nghe về cha đẻ của mình. Cô có một cái tên Việt Nam và trên danh nghĩa là con của một người đàn ông Việt. Thế nhưng vẻ bề ngoài của Phương Thảo, từ dáng vẻ, đến gương mặt, ánh mắt,… tất cả đều không thể che giấu được một sự thật: cô là đứa con chung của hai dòng máu - đứa trẻ được sinh ra trong một chuyện tình ngắn ngủi giữa mẹ cô và một người lính Mỹ.
Ngày nhỏ, điều Phương Thảo ao ước nhất là được hỏi mẹ về cha mình, nhưng cô chưa từng dám thực hiện ao ước đó. Bởi cô hiểu đó là nỗi đau lớn của bà, là một bí mật lớn mà bà đã suốt đời muốn chôn sâu giấu kín.
Cha ruột của Phương Thảo là cựu binh Mỹ James Mavin Yoder. Ông đã có thời gian tham chiến ở Việt Nam. Thời gian làm cố vấn ở Sa Đéc, trong những lần đi học tiếng Việt, James Mavin Yoder đã có cơ hội làm quen với một cô gái Việt Nam – mẹ của ca sĩ Phương Thảo. Tình yêu của họ nảy nở trong lớp học song ngữ diễn ra trong một quãng thời gian ngắn ngủi, vội vàng. Cuối năm 1967, đầu năm 1968, sau khi kết thúc nhiệm vụ ở Việt Nam, James Mavin Yoder về nước mà không hề hay biết rằng người con gái Việt Nam mà ông đã yêu đã mang trong mình giọt máu của ông.
Năm 1968, Phương Thảo ra đời mà không hề có sự có mặt của người cha ruột. Còn cha cô ở phía bên kia đại dương cũng không hề biết mình đã để lại một đứa con gái ở Việt Nam. Sau này, trong một lần sang Việt Nam, James Mavin Yoder đã từng đi tìm lại người phụ nữ Sa Đéc mà ông đã yêu nhưng không được. Ông trở về Mỹ và kết hôn với một người phụ nữ Mỹ đã có 4 người con riêng. Ông đã không sinh thêm được một người con nào khác, vì thế suốt nhiều năm trời, ông hạnh phúc với việc trở thành cha của 4 đứa con riêng của vợ mình mà không hề biết rằng chính bản thân ông cũng có một cô con gái ruột.
Đầu những năm 1990, Thomas Bass đến Việt Nam để thực hiện những nghiên cứu của mình về số phận những đứa con lai mang hai dòng máu Việt – Mỹ ở Việt Nam sau chiến tranh. Thomas Bass vẫn nhớ hình ảnh của Phương Thảo ngày hôm đó, khi cô nhìn thẳng vào mắt ông và đề nghị: “Ông có thể giúp tôi tìm cha tôi? Trong tim mẹ tôi có một vết thương suốt nhiều năm trời mà tôi thực sự muốn bà chữa lành”.
Để có thể tìm những thông tin về người cha Mỹ của Phương Thảo, Thomas Bass đã phải đến gặp mẹ của Phương Thảo để xin bà cung cấp cho những thông tin mà bà biết về ông.