Người dân Thành phố Hồ Chí Minh đối diện với đợt nắng nóng cao điểm trên diện rộng

14/05/2020 15:47 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Những ngày qua, thời tiết tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam đang bước vào cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 38-39 độ C khiến nhiều người dân cảm thấy mệt mỏi, cuộc sống bị đảo lộn. Các bác sỹ cảnh báo, người dân cần có những biện pháp giữ gìn sức khỏe trong hình thái thời tiết cực đoan này.

Tháng 5, số ngày nắng nóng gia tăng tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ

Tháng 5, số ngày nắng nóng gia tăng tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ

Nhận định về thời tiết trong tháng 5 này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong tuần đầu tháng 5/2020 có khả năng xuất hiện khoảng 2 đợt không khí lạnh, chủ yếu nén dải áp thấp gió mùa ở phía Bắc gây ra các đợt mưa rào và dông ở các tỉnh miền Bắc, tập trung vào những ngày giữa và cuối tháng 5.

Người dân “vật lộn” giữa nắng nóng

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nắng nóng trên diện rộng là hình thái thời tiết chung của khu vực các tỉnh Nam Bộ những ngày qua. Nhiệt độ ban ngày trung bình trên toàn khu vực là 37 độ C, một số nơi lên đến 38-39 độ C vào buổi trưa.

Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Trưởng Phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, từ 9 giờ sáng, tia UV đã ở mức 10-11 và kéo dài đến 17 giờ. Đây là mức rất cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

“Do chuẩn bị vào mùa mưa nên hơi nước trong không khí cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không lớn. Nguyên nhân do hơi nước nhiều, khi hơi nước chuyển từ thể hơi sang thể lỏng sẽ tỏa thêm một lượng ẩn nhiệt vào không khí, do đó nhiệt độ đo được có thể ở mức 37 độ C nhưng nhiệt độ mà con người cảm nhận được có thể lên đến 40-42 độ C”, bà Lan phân tích.

Nắng nóng khiến sức khỏe và tinh thần của người dân trở nên mỏi mệt, cuộc sống vì thế cũng xáo trộn. Hạn chế ra đường vào khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày là biện pháp phòng tránh của nhiều người dân. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người dân vẫn phải ra đường vào giữa trưa nắng gắt.

Chú thích ảnh
Một người dân phải dừng lại giữa đường để uống nước do thời tiết quá nắng nóng. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Đổ bệnh sau 1 tuần liên tục giao hàng vào buổi trưa, anh Phạm Quốc Bảo (nhân viên một công ty giao hàng nhanh) cho biết, buổi trưa là thời gian cao điểm giao nhận các đơn hàng nên anh phải liên tục di chuyển trên đường trong khoảng thời gian này. Trước đây anh thường đi giao hàng vào buổi trưa và không bị làm sao, nhưng mấy hôm nay thời tiết nắng nóng quá khiến anh gần như kiệt sức. Còn anh Trần Văn Út (tài xế xe ôm công nghệ) cũng phải ngậm ngùi từ chối nhiều cuốc xe giữa trưa nắng gắt, bởi không còn đủ sức để đưa đón khách.

Những ngày qua, học sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài cũng trùng hợp với thời điểm thời tiết nắng nóng trên diện rộng khiến nhiều em vô cùng mệt mỏi. Có 2 con đang học tiểu học, chị Mai Thị Hải (trú tại Quận 8) cho biết: “Do nghỉ chống dịch kéo dài nên khi quay trở lại đi học các con của tôi chưa kịp thích nghi, cộng với thời tiết nắng nóng càng làm cho các con mệt mỏi hơn nhiều”.

Trong khi đó, một số trường mới chỉ bắt đầu tổ chức dạy học một buổi, chưa triển khai bán trú, nhiều phụ huynh phải đưa đón con giữa trời nắng gắt nên cũng rất mệt mỏi. Sau 3 ngày đón con tan học vào buổi trưa, chị Ngô Thị Thủy (trú tại quận Thủ Đức) chi sẻ: “Nhiều nơi đã tổ chức học bán trú nhưng trường con tôi mới chỉ học 1 buổi, 11 giờ trưa đón con về trong cái nắng nóng kinh người như thế này xót quá. Có hôm về đến nhà cả mẹ và con mệt muốn lả ra”.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em đổ bệnh, phải đến tìm đến bác sỹ. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, mấy ngày qua có nhiều phụ huynh đưa con em mình đến khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp. Ôm đứa trẻ đang sốt lừ đừ trên tay, chị Lê Minh Tú (trú tại quận Bình Thạnh) cho hay, con gái của chị bị sốt 2 hôm nay, kèm thêm ho, sổ mũi, quấy khóc, ăn uống kém. Bác sỹ chẩn đoán cháu bé bị viêm đường hô hấp nặng.

Bác sỹ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi đồng cho biết, thời tiết tại Thành phố và các tỉnh lân cận đang bắt đầu bước vào những ngày cao điểm nắng nóng, trong khi đó, cơ thể trẻ nhỏ còn yếu, là đối tượng dễ bị ảnh hưởng từ thời tiết. Nắng nóng khiến trẻ nhỏ dễ bị rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, hoạt động của tim phổi nhiều hơn khiến các bé dễ mệt và kiệt sức, hệ miễn dịch bị giảm nên khả năng chống chọi với vi khuẩn cũng giảm theo. Hiện mỗi ngày Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 2.500 trẻ đến khám bệnh, chủ yếu là các nhóm bệnh hô hấp, tiêu hóa, các bệnh lý về da, mắt…

Chú thích ảnh
Nhiều trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Tăng cường bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Bác sỹ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu - Bệnh viện quận Thủ Đức cảnh báo, hiện tại thời tiết đang ở mức cực đoan, thời tiết quá nóng và bức xạ tia cực tím (UV) tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức 9 (rất cao) và có thể gây phỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 15-25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ. Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị phỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm da lão hóa nhanh và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng xấu đến da, tia cực tím còn có thể gây ra các bất ổn cho mắt. Bác sỹ Trần Nguyên Ánh Tú - Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cũng cảnh báo, vào mùa nắng nóng, đơn vị này thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp da bị bỏng đỏ, ngứa rát, sạm đen, nổi nhiều mụn... do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, đổ mồ hôi nhiều...

Do đó, các bác sỹ khuyến cáo, người dân cần có phương án bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng như: Tránh ra đường vào lúc nắng gắt nhất (khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ) khi không cần thiết; mặc trang phục kín để che chở cho da càng nhiều càng tốt, dùng nón che phủ vùng đầu mặt; sử dụng kính mát có khả năng chặn tia cực tím, sử dụng các sản phẩm chống nắng như kem chống nắng dạng bôi, dạng xịt... để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay...

Bên cạnh đó, người dân cũng cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức khỏe, thường xuyên uống đủ nước là yếu tố rất quan trọng trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra có thể bổ sung các loại trái cây có chứa nhiều nước như cam, bưởi, dưa hấu...

Còn với trẻ em, bác sỹ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhìn nhận, hiện nay, khi trẻ bắt đầu quay trở lại trường học vào đúng thời điểm nắng nóng trên diện rộng nên nguy cơ có thể bùng phát các loại dịch bệnh là rất lớn. Nhất là các loại bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc gần, ăn uống chung như: tay chân miệng, cảm cúm, các bệnh mũi họng… Để tránh nguy hiểm cho trẻ trong giai đoạn thời tiết nguy hiểm này, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi trở lại trường học, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất, thực hành ăn chín uống sôi, không cho trẻ ăn thức ăn không đảm bảo an toàn, tăng cường rau củ quả, thường xuyên uống nước, bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin…

Ngoài ra, phụ huynh cần cho trẻ ngủ đủ giấc, hạn chế đi lại trong thời tiết nắng nóng, nếu trẻ phải đến trường giữa trời nắng thì phải che chắn cẩn thận bằng cách mặc áo khoác, đội mũ rộng vành… Phụ huynh cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tạo không gian sống thoáng mát; tập cho trẻ thói quen rửa tay, đeo khẩu trang, không đi đến chỗ đông người… vừa đề phòng dịch bệnh COVID-19, vừa có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.

Đinh Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm