15/08/2016 14:57 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Hãy tưởng tượng viễn cảnh buổi sáng khi được ngồi thư giãn nhâm nhi tách café vừa đọc báo hoặc lướt facebook bên trong chiếc “xế hộp” đang trên đường đưa ta đến chỗ làm theo một lập trình có sẵn. Bạn có tin không? Cuộc sống hiện đại luôn vận động không ngừng và viễn cảnh tưởng chừng như không thể ấy lại đang đến gần hơn bao giờ hết.
Thời gian qua, thế giới đã chứng kiến nhiều thương vụ hợp tác đình đám giữa những tên tuổi lớn của thủ phủ ô tô Detroit của nước Mỹ và các “gã khổng lồ” về công nghệ ở Thung lũng Silicon để phát triển dòng xe ô tô tự hành. Trong đó, điển hình nhất có lẽ là lựa chọn đầu tư của GM vào hai hãng công nghệ Lyft và Cruise Automation với giá trị lần lượt là 500 triệu USD và 1 tỷ USD hồi năm 2015.Các “đại gia” ô tô đang rất nỗ lực để biến những chiếc xe thông minh, vốn chỉ tồn tại trong bản vẽ, trở thành hiện thực. Hãng xe Ford đặt mục tiêu sở hữu số phương tiện tự lái thử nghiệm cao kỷ lục vào cuối năm nay. Hiện các dòng xe của Ford đã có khả năng cung cấp đến 30 lựa chọn bán tự động khi lái, trong đó có hệ thống phanh tự động.
Hãng xe Ford
Cùng với Ford, GM dự kiến tích hợp tính năng lái bán tự động (Super Cruise) vào dòng xe Cadillac CT6 trong năm 2017 và tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ xe ô tô tự lái cấp độ 4 (Level 4), cấp độ cho phép chiếc xe di chuyển giữa hai điểm A và B mà không có sự can thiệp của con người. Trong khi đó, Google cũng tham vọng thành lập một công ty con tập trung vào các dự án chuyên sản xuất ô tô không người lái trong năm nay.
Kỳ vọng của dư luận đối với tương lai ngành công nghiệp xe “bốn bánh” là khác nhau. Trong khi lần lượt từ người đứng đầu doanh nghiệp như Chủ tịch điều hành Eric Schmidt của Google đến giới quan chức như Bộ trưởng Giao thông Mỹ Anthony Foxx đều khẳng định rằng tương lai xe tự lái đang đến rất gần, có thể là chỉ trong vài năm nữa, thì một số chuyên gia lại cho rằng công nghệ xe tự lái cấp độ 4 sẽ không xuất hiện trong ít nhất 25 năm hoặc thậm chí là cả một thế hệ sau đó.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh người ta có thể hiểu vì sao nhu cầu phát triển xe tự lái lại trở nên cấp thiết như vậy. Mỗi năm, thế giới mất đi khoảng hơn 1 triệu người trong các vụ tai nạn ô tô, khoảng 90% trong số đó xuất phát từ sai lầm của con người.
Do vậy, sự đổ bộ của các dòng xe “robot” có trang thiết bị có thể liên lạc với nhau và với hệ thống hạ tầng của thành phố sẽ giúp giảm thiểu tai nạn cũng như các chi phí liên quan. Hiện thiệt hại kinh tế liên quan đến tai nạn giao thông lên tới 500 tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, sự tiện lợi mà xe tự lái mang lại cũng khiến con người ta nghĩ tới viễn cảnh không cần sở hữu xe và chuyển hướng sang những loại hình giao thông khác như dịch vụ chia sẻ xe của Uber, Gett hay Didi Chuxing. Khi khối lượng phương tiện tham gia giao thông giảm xuống, thành phố sẽ không cần quá nhiều diện tích để xây dựng các bãi đỗ xe và tình trạng ùn tắc không còn là vấn đề quá nan giải.
Đối với những hãng dịch vụ như Uber, sự “đổ bộ” của xe tự lái có thể giúp giải quyết bài toán tiền lương của trên 1 triệu lái xe hợp đồng. Trong khi đó, công việc của các nhà sản xuất giờ đây sẽ không chỉ là tạo ra những chiếc xe đơn thuần mà còn bao gồm cả việc phát triển ứng dụng chia sẻ xe, hệ thống giao thông trên tuyến đường ngắn, bản đồ 3D hay công nghệ tự lái.
Khái niệm về xe tự lái đã được nhắc đến từ lâu song đến nay vẫn chưa thật phổ biến vì mức độ “khó khả thi” của nó. Đâu đó vẫn tồn tại những quan ngại về tính an toàn, sự riêng tư, tính pháp lý cũng như những rủi ro đối với thị trường việc làm và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ các loại xe thông minh. Tuy nhiên, với một thị trường ô tô đang dần bão hòa như hiện nay thì có lẽ sự đột phá sẽ là phương thức duy nhất để các “đại gia” ở Detroit tiến lên phía trước.
TTXVN/Phương Nga (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất