Kiếm tiền 'siêu' như điệp viên 007

04/10/2015 06:25 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Những người mê mẩn loạt phim nói về siêu điệp viên James Bond hẳn sẽ nhận ra rằng các cảnh trong gần như mọi tập phim luôn chứa đầy hình ảnh của đủ loại thương hiệu hàng hóa khác nhau.

Gần đây, trong tập phim Casino Royale, nhân vật của nữ diễn viên Eva Green đã hỏi chàng James Bond do Daniel Craig thủ diễn rằng có phải anh đang đeo đồng hồ Rolex. “Omega đấy” - Craig trả lời. "Ôi đẹp quá thể!" - Green rú lên trên màn bạc. Trong rạp phim, khán giả lè lưỡi lắc đầu vì cảnh quảng cáo quá "thô" đó.

Quảng cáo nằm trong công thức sản xuất

Thực tế thì hoạt động quảng cáo, thêm một sản phẩm nào đó vào nội dung, đã luôn gắn liền với công thức sản xuất mọi bộ phim James Bond. Các hình ảnh thương hiệu hàng hóa đã xuất hiện rất thường xuyên.

Nhưng đôi khi, chuyện trở nên quá lố và khiến một bộ phim Bond giống một sản phẩm quảng cáo hơn. Ví dụ như trong phần phim Goldeneye có đoạn tài tử Pierce Brosnan lái một chiếc xe tăng xuyên qua một chiếc xe tải chở đầy nước khoáng Perrier, tại một cảnh quay được "cài cắm" lộ liễu.

Liệu chuyện này có thể xảy ra với Spectre, phần phim Bondthứ 24? Câu trả lời là có. Khi bộ phim tiến dần tới thời điểm ra mắt, người ta cũng nghe ngày càng nhiều về các công ty tài trợ đứng sau bộ phim.

Cụ thể, Aston Martin và Land Rover sẽ cung cấp xe cho siêu điệp viên. Chiếc điện thoại của Bond do Sony sản xuất. Các hãng bia Belvedere, Bollinger và Heineken chịu trách nhiệm cung cấp đồ uống cho chàng điệp viên điển trai, bất chấp việc fan phàn nàn rằng Bond đổi từ rượu vodka martini sang bia trong tập phim Skyfall là rất khó chấp nhận.

Nhưng liệu người ta có nên loại bỏ hoàn toàn hoạt động quảng cáo "thô" kiểu này, để khán giả có thể tận hưởng trọn vẹn bộ phim? Michael Rosser, biên tập viên tại tạp chí Screen không đồng tình với quan điểm này. “Tiền đổ vào phim ảnh không còn như trước đây nữa.

Thị trường giải trí gia đình đang suy giảm và người ta phải tìm ra cách kiếm tiền từ các bộ phim. Xu hướng đó khiến việc đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung là một phần quan trọng. Trong điều kiện lý tưởng nhất, hoàn toàn không nên thêm các quảng cáo đó vào. Nhưng ngoài thực tế, ta không thể làm được một bộ phim Bond hoành tráng nếu chỉ dựa trên mỗi thiện chí."

Thực vậy, Spectre có kinh phí sản xuất hơn 300 triệu USD, khiến đây là bộ phim Bond đắt nhất từ trước tới nay. Hoạt động tiếp thị phim được cho là cũng tốn khoản tiền tương tự. "Nếu đặt sản phẩm vào trong phim giúp thu được tiền sản xuất thì hãy cứ làm thế đi" - Rosser nói - "Tôi thà làm một bộ phim Bond dài 2 giờ đồng hồ với các đoạn quảng cáo dài 30 giây ở giữa phim, còn hơn là chẳng có phim Bond nào cả”.

Sức hút khổng lồ của thương hiệu James Bond

Daniel Craig cũng nói điều tương tự khi tham gia sản xuất phần phim Skyfall vào năm 2012. Anh cho biết nếu không đặt sản phẩm vào nội dung, người ta sẽ không thể sản xuất được phim. Và sau đó Skyfall thu về 1,1 tỷ USD doanh thu phòng vé trên ngân sách 200 triệu USD.

Khoảng doanh thu lớn khiến cho giới quan sát đánh giá các nhà sản xuất không cần phải quảng cáo bia hay đồng hồ để làm phim. Tuy nhiên công ty sản xuất phim Bondnói rằng sự hợp tác với các doanh nghiệp và hoạt động quảng bá hình thành sau đó giúp bộ phim được nhiều người biết tới hơn, dẫn tới kết quả là thành công lớn hơn.

Việc các thương hiệu phải trả bao nhiêu tiền để được xuất hiện trong một bộ phimBond hiện vẫn là bí mật, nhưng chắc chắn con số không nhỏ. Có tin nói Heineken đã phải trả 45 triệu USD để được chàng Bond gọi bia của họ trong phim Skyfall. Hãng này sẽ phải bán rất nhiều bia mới có thể thu lại khoản tiền đầu tư.

Thế nhưng theo Darryl Collis, giám đốc công ty truyền thông Seesaw Media, đó là khoản đầu tư "đáng đồng tiền bát gạo". "45 triệu nghe có vẻ nhiều. Nhưng Bond là một mặt hàng với khả năng vươn ra toàn cầu.

Nếu bạn chia chi phí ra số lượng các quốc gia khác nhau mà công ty muốn quảng cáo, khoản tiền sẽ không còn lớn nữa. Heineken cũng biết rằng người ta sẽ xem một bộ phim Bond trong hàng thập kỷ. Vì thế khoản tiền của họ sẽ không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn có cả lợi ích về lâu dài nữa. Họ đã trả tiền để thành một thương hiệu đẳng cấp. Số tiền vì thế mang mục đích thay đổi quan niệm của người tiêu dùng, hơn là tác động tới sản phẩm" - ông nói.

Sở hữu một bộ phim Bond có thể thay đổi quan niệm của người tiêu dùng là bởi đặc điểm rất độc đáo của dòng phim này. Không giống các quả bom tấn Avengers, Star Wars hay Transformers, phim Bond nhấn mạnh tới hoạt động tiêu xài xa xỉ và điều này diễn ra là nhờ tác giả bộ truyện, Ian Fleming.

“Fleming mô tả chi tiết mọi thứ mà Bond đã sử dụng" - nhà sản xuất Barbara Broccoli nói - "Cho dù đó là một ly rượu vang, một bữa ăn, một chiếc xe Bond lái hay bộ áo anh mặc. Ông khiến người ta nghĩ rằng Bond gắn với các mặt hàng đẳng cấp.”

Và như thế, trên phương diện tiếp thị, một bộ vest James Bond mặc có ý nghĩa hơn bộ vest của nam diễn viên Daniel Craig.

Cũng cần lưu ý rằng chiếc đồng hồ Bond đeo trong sách là hiệu Rolex, chứ không phải Omega. Nhưng ngay cả khi người ta đổi  tên thương hiệu, khán giả vẫn giữ suy nghĩ mặc định rằng Bond là người sành sỏi và mọi thứ anh dùng đều thuộc loại hảo hạng.

Và như thế, bộ vest Bond mặc trên người sẽ luôn "sang" hơn bộ vest siêu điệp viên Jason Bourne hay Ethan Hunt mặc. Cũng bởi Bond dành nhiều thời gian uống rượu và tán gái hơn bất kỳ ngôi sao hành động nào khác, anh có thể bán lối sống đó cho một lớp khán giả lớn tuổi hơn, nhiều ảnh hưởng hơn, so với các nhân vật như Người Nhện hay Đại úy Mỹ.

“Nhu cầu lái chiếc xe Bond đã chạy, uống thứ rượu, bia anh đã nếm qua, đeo chiếc đồng hồ anh từng xài... thật đáng kinh ngạc" - Collins nói - Và tôi đã tận mắt chứng kiến hiệu ứng Bond này. Ở phần kết phim Skyfall, Bond cầm lên một chiếc áo khoác cũ hiệu Barbour. Ngay lập tức, chiếc áo này lâm vào cảnh cháy hàng.

Người ta bán chiếc áo với giá 400 bảng, nhưng một số kẻ đã lên Ebay và rao bán nó với giá tới 2.000 bảng. Tôi nhớ rất rõ điều này, vì cũng đã bỏ tiền ra mua một chiếc áo".

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm