Sau vòng đấu bảng World Cup 2010: Như một Copa America mở rộng

26/06/2010 19:04 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH Online) - Châu Âu đang thu mình trong "sự bành trướng" của Nam Mĩ cũng như những bước tiến vượt bậc của bóng đá châu Á. Sau vòng đấu bảng, World Cup 2010 giờ đây được ví như một giải Copa America mở rộng với những vị khách mời đến từ các lục địa khác.

Với 4,5 suất theo như quy định của FIFA, Nam Mĩ đã tận dụng tốt những cơ hội để có đủ 5 đại diện góp mặt tại ngày hội lớn nhất hành tinh sau khi đội xếp thứ 5 Uruguay đã vượt qua được đại diện của khu vực CONCACAF là Costa Rica ở loạt trận play-off. Tới Nam Phi với 5 đại diện ưu tú nhất nhưng có lẽ người dân ở khu vực Nam Mĩ cũng không thể ngờ rằng cái đội bóng của mình lại có thể chơi ấn tượng đến như vậy. Cả 5 đội đều xuất sắc vượt qua vòng đấu bảng với 4 trong số đó đứng ở vị trí nhất bảng. Bước vào vòng 2, với Brazil, Argentina, Uruaguay, Paraguay và Chile, người ta bắt đầu liên tưởng tới World Cup 2010 chẳng khác gì Copa America (giải vô địch Nam Mĩ). Nếu tính cả Mexico, Nhật Bản và Mĩ, những đội bóng từng là khách mời thì rõ ràng World Cup đang là một Copa America mở rộng.

Nam Mĩ đang tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại - Ảnh Getty

Việc Argentina và Brazil, hai đội bóng được xếp vào hàng hạt giống đồng thời cũng là ứng cử viên nặng kí cho chức vô địch có ngôi đầu bảng là tất yếu thì  Paraguay, Uruguay và Chile gây ấn tượng mạnh được coi là những bất ngờ. Chile dù không thể giữ được ngôi đầu bảng và không nắm trong tay quyền tự quyết (trong trường hợp Thụy Sĩ thắng Honduras) nhưng với 2 trận toàn thắng trước đó, đội bóng của HLV Marelo Bielsa xứng đáng được nhận những lời ngợi khen. Uruguay rơi vào một bảng đấu không hề dễ dàng với Á quân thế giới Pháp, chủ nhà Nam Phi và nhà vô địch cúp vàng CONCACAF, Mexico nhưng với 2 chiến thắng cùng 1 trận hòa đồng thời không để lọt lưới bàn thua nào là một thành tích đáng nể. Tương tự với Paraguay, với ngôi đầu bảng F, một bảng đấu có sự hiện diện của ĐKVĐ thế giới Italia cũng cho thấy được sức mạnh của đội bóng đã từng thắng cả Argentina lẫn Brazil ở chiến dịch vòng loại.

Người Nam Mĩ có thể tiếc nuối vì Chile đã để mất ngôi đầu vào tay Tây Ban Nha bởi nếu giữ được vị trí này, họ sẽ tránh được một cuộc nội chiến sớm. Đối thủ sắp tới của Chile là Brazil và chắc chắn sẽ có ít nhất một đại diện của Nam Mĩ không thể có tên ở vòng tứ kết. Dẫu vậy, với cả 5 đại diện cùng có tên sau vòng đấu bảng,  họ hoàn toàn có thể tự hào với thành tích này.

Không chỉ có Nam Mĩ mà ngay cả châu Á cũng đang dần khẳng định một vị thế mới. Với 2/4 đại diện có tên ở vòng 16 đội mạnh nhất có thể coi là một thành tích vượt bậc của lục địa được coi là vùng trũng của bóng đá thế giới. Nếu không tính World Cup 2002 được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên châu Á có 2 đại diện góp mặt ở vòng 1/8. Sự chuyển mình mạnh mẽ của Hàn Quốc và Nhật Bản có thể coi là một bước nhảy và cái biệt danh "vùng trũng" nên chuyển sang bóng đá châu Phi. Dù có tới 6 suất dự VCK World Cup nhưng lúc này châu Phi chỉ có Ghana còn sót lại ở vòng 2.

Nhìn Nam Mĩ chứng minh sức mạnh, châu Á vươn mình ra tầm thế giới, người châu Âu chắc hẳn đang cảm thấy thất vọng khi thấy các đội bóng của mình đang dần bị lép vế. Có tới 13 suất dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh nhưng sau vòng đấu bảng, chỉ còn 6 đại diện của "lục địa già" còn có cơ hội đi tiếp.  Đáng nói hơn họ sẽ phải chạm trán nhau ngay ở vòng 2 với 3 cặp nội chiến châu Âu là Đức - Anh, Hà Lan - Slovakia và Tây Ban Nha -Bồ Đào Nha. Sẽ có 3 đội bóng của châu Âu lọt tới tứ kết nhưng điều đó cũng có nghĩa  số lượng các đại diện của "lục địa già" sẽ bị giảm đi tới một nửa.

Có một thực tế là hiện tại, các đội bóng châu Âu dần mất đi bản sắc của mình. Trước sự phát triển của bóng đá châu Á hay châu Mĩ, các đại diện của châu Âu lại dần có dấu hiệu thụt lùi. Pháp và Italia còn không thể có nổi một trận thắng trước những đối thủ được đánh giá thấp hơn rất nhiều. Hy Lạp hay Đan Mạch thậm chí còn tỏ ra yếu đuối về mọi mặt so với hai đại diện của châu Á là Hàn Quốc, hay Nhật Bản. Những đội bóng có thứ hạng cao như Serbia, hay Thụy Sĩ vẫn có thể phơi áo một cách dễ dàng trước Australia và Chile.

Càng nhìn vào danh sách những đội đã có tên ở vòng 1/8, càng có những cái nhìn ái ngại nhiều hơn đối với "lục địa già". Trong lịch sử 18 kì World Cup đã diễn ra, châu Âu và Nam Mĩ hiện đang ngang nhau về số lần vô địch thế giới (9 lần). Ở lần thứ 19 này sẽ là cơ hội cho một trong hai nền bóng đá giàu truyền thống này vượt lên. Nhưng với việc các đại gia của châu Âu cứ lần lượt dừng bước, Nam Mĩ đang đứng trước cơ hội để chứng minh sức mạnh nếu họ lần thứ 10 giành được cúp vàng tại Nam Phi năm nay.

Hằng Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm