Tiêu điểm: Wenger, Pep và những điểm tương đồng

31/03/2010 12:45 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) -“Lối chơi tấn công đã gắn chặt với tôi từ khi khởi nghiệp. Dù thắng hay thua thì tôi vẫn luôn theo đuổi thứ bóng đá mà tôi tin tưởng”.

Đó là phát biểu của Pep Guardiola trong cuộc họp báo ở London. Nhưng nếu bảo rằng đó là phát biểu của Arsene Wenger thì hẳn cũng chẳng ai phản đối. Hai con người thuộc hai thế hệ, tưởng như chẳng có điểm gì chung, song lại là những nhà cầm quân hiếm hoi dám sống hết mình với thứ triết lý bị coi là mạo hiểm trong thời buổi mà sự thực dụng đang thống trị bóng đá châu Âu.

“Đúng, giữa chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng, từ cách giáo dục những con người trẻ, đến việc sử dụng và tạo dựng niềm tin nơi họ”, Wenger đáp lời Pep.


Guardiola là tín đồ của bóng đá tấn công, ảnh AFP
Điểm gạch nối giữa hai con người ấy chính là Cesc Fabregas. Khi Cesc vẫn còn là cầu thủ học việc ở La Masia, Pep đã từng vỗ vai và nói: “Cậu sẽ kế thừa vị trí số 4 của tôi ở Barcelona”. Nhưng trước khi trở thành người kế thừa của Pep thì trước hết, Cesc đã trở thành người hiện thực hóa những ý tưởng của Wenger trên sân cỏ.

Đôi lúc, Wenger biến Emirates thành một vườn trẻ, khi tung ra sân một đội hình có độ tuổi trung bình chỉ là hơn 20 một chút ra sân ở những trận đấu Cúp. Pep cũng vậy, trong vòng chưa đầy hai năm dẫn dắt Barca, đã có đến nửa tá cầu thủ từ lò La Masia được đôn lên đội 1, được tung vào sân thử lửa, không chỉ ở những giải đấu không quan trọng, mà kể cả trong những cuộc quyết chiến một mất một còn. Wenger hay Pep làm vậy vì họ thực sự có niềm tin vào những cầu thủ trẻ, tin vào thứ bóng đá mà họ đang theo đuổi. Niềm tin ấy của những ông ấy, một khi đã gặt hái được thành công, đương nhiên cũng sẽ tạo ra những niềm tin cháy bỏng và bền chặt từ người hâm mộ, hơn hết thảy những đội bóng khác.

Nói không ngoa, gần như tất cả những người hâm mộ Arsenal đều tôn thờ Wenger. Đó là một thứ tình cảm đôi khi thật khó lý giải đối với nhiều người. Cho dù sự thật là thứ triết lý của Wenger đã không hề đem lại cho các Pháo thủ bất cứ một danh hiệu gì trong suốt 5 năm qua. Cho dù bao thế hệ học trò do chính ông dìu dắt, đã quay lưng lại với người thầy để đi tìm kiếm vinh quang ở chân trời mới. Nhưng sẽ có hàng triệu người trên thế giới này vẫn không muốn đánh đổi thứ triết lý ấy lấy những chiến thắng theo kiểu kỹ thuật số của Mourinho hay Benitez.

Nói tóm lại, dường như chỉ có Wenger mới đem lại cho Arsenal vẻ lãng mạn mà không ai có thể tưởng tượng, đội bóng thành London sẽ ra sao nếu thiếu mất hình bóng và dấu ấn của HLV người Pháp. Với các CĐV của Arsenal, họ thà đổ những giọt nước mắt khi đội nhà bị loại một cách kiêu hùng, còn hơn là vui mừng với những chiến thắng có được từ sức mạnh cơ bắp.

Tương tự, ở Barca, người ta quan niệm tới sân cỏ là để chứng kiến những bữa đại tiệc của bóng đá tấn công. Với họ, thứ bóng đá ấy là một niềm tự hào, là một thứ thuộc về truyền thống. Và người xứng đáng nhất để nối tiếp ngọn lửa truyền thống ấy chỉ có thể là Pep Guardiola. Và do đó, cuộc đối đầu giữa Pep với Wenger sẽ là một bữa đại tiệc của bóng đá tấn công?

Thùy Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm