Wayne Rooney: Cần động cơ khác cho bàn thắng

06/04/2011 11:46 GMT+7 | Champions League

(TT&VH)- Sau mỗi lần sút tung lưới West Ham trong pha hat-trick thứ Bảy tuần trước, màn ăn mừng của Wayne Rooney không hề có sự vui mừng, háo hức hay những nụ cười. Cảm xúc hiện rõ nhất trên khuôn mặt tiền đạo của M.U là sự giận dữ, với hành động quá khích đến mức chửi thề vào camera của tay quay phim ngồi bên ngoài sân.

Tại Upton Park, Rooney đã làm được tất cả những điều mà một tiền đạo ở đẳng cao nhất có thể làm khi đội nhà bị dẫn trước hai bàn. Sau đó, anh cũng đã xin lỗi về những lời lẽ không hay xuất hiện trên ống kính camera sau bàn thắng thứ ba vào lưới West Ham và giải thích là do cảm xúc không thể kiểm soát. Tuy nhiên, đó vẫn là một lời giải thích khó chấp nhận.

Thật ra Rooney không phải là thiếu những lời giải thích. Chính xác 34.546 người có mặt trên các khán đài Upton Park, rất nhiều người la hét và huýt sáo bất cứ khi nào Rooney có bóng. Còn chưa kể những ức chế mà Rooney phải chịu đựng suốt một tiếng đồng hồ trước đó vì các pha vào bóng không chút khoan nhượng của những trung vệ West Ham và cả quả phạt đền đầy tranh cãi giúp đội chủ nhà dẫn trước tới 2 bàn.

Nhưng lý do có lẽ còn sâu xa hơn, bởi lẽ cả mùa giải này, Rooney như một thùng thuốc nổ bị nén chặt và anh chẳng có mấy cơ hội để ăn mừng như cú hat-trick cuối tuần vừa rồi, để rồi khi nó đến, thùng thuốc nổ đó đã làm tan hoang Upton Park.

Rooney ăn mừng bàn thắng bằng cách...chửi thề- Ảnh Getty

Bàn thắng thứ hai của anh, rất đẹp mắt, là bàn thứ 100 của Rooney ở Premier League, một cột mốc cá nhân trọng đại, và những trải nghiệm tại London chắc chắn rất có ý nghĩa với anh, khi Rooney, đã được thay ra, trở lại sân bóng sau hồi còi chung cuộc để lấy lại quả bóng, như một kỷ vật của riêng anh.

Tuy nhiên, tất cả những điều lẽ ra là một kỷ niệm tuyệt đẹp đó đã bị làm hỏng đúng vào khoảnh khắc Rooney làm điều lẽ ra không được phép trước ống kính camera. Hàng triệu khán giả trên toàn thế giới đang ngất ngây cùng cảm xúc nhờ màn trình diễn tuyệt vời mà Rooney mang lại cho họ trong hiệp 2 bỗng nhiên phải nghe những điều họ chẳng chờ đợi chút nào. Phần đông trong số họ đã có một tuần lễ vất vả và lẽ ra không phải nghe điều đó vào ngày thứ Bảy mà họ dự định sẽ nghỉ ngơi, ủng hộ đội bóng mà họ yêu mến, ở nhà cùng con cái, hoặc ngoài quán bia với các bạn bè. Rooney có quyền bực dọc, nhưng cách mà anh trút cơn giận của mình chẳng đúng đắn chút nào.

Đi tìm nguyên nhân

Tuyên bố của tuyển thủ Anh không giải thích cụ thể nguyên nhân nào làm anh nổi khùng như thế, nhưng hãng tin Sky có một giả thuyết rằng tay quay phim đã yêu cầu anh hôn vào ống kính khi ăn mừng, giống như Mark Noble đã làm lúc anh ghi bàn trong quả penalty đầu tiên cho West Ham. Nếu quả đúng là như vậy, anh càng đáng trách. Chẳng phải là Rooney đã chịu đủ áp lực rồi sao, để gây ra thêm rắc rối cho mình như thế.

Điều đó càng thêm rõ ràng khi so sánh với pha ăn mừng hòa nhã của Javier Hernandez sau khi anh ghi bàn thứ tư cho M.U, dù phải thừa nhận rằng khi đó sức ép đã giảm đi rất nhiều, đóng góp của tiền đạo người Mexico vẫn là đáng kể, khiến West Ham không còn cơ hội bắt kịp nữa. Chicharito đã cười như một đứa trẻ vào ngày sinh nhật của mình, đó mới thật là cách ăn mừng thích hợp cho một môn thể thao mang đến niềm vui và đẹp như bóng đá.

Những so sánh khác còn khó chịu hơn cho Rooney. Lionel Messi không bao giờ làm gì thái quá sau mỗi bàn thắng, dù anh đã ghi không biết bao nhiêu bàn, và đều là những bàn đẹp mắt, trong những trận đấu lớn, suốt sự nghiệp của mình. Cùng với các đồng đội tại Barcelona, Messi chỉ đơn giản thể hiện lòng tự hào về những gì mình làm được. Chính thái độ đó có thể giải thích tại sao các đội bóng TBN tỏa sáng ở những giải đấu lớn, trong khi Rooney và người Anh cứ chìm đắm trong thất bại. Ngay cả những kẻ kiêu ngạo như Cristiano Ronaldo cũng biết cách tươi cười thay vì chửi bậy mỗi khi anh ghi bàn.

Một vấn đề khác là Premier League luôn được quảng cáo trên toàn thế giới như giải đấu mã thượng và hấp dẫn nhất, nhưng những gì Rooney làm có thể khiến hình ảnh đó hoen ố. Đó chính là lý do khiến LĐBĐ Anh (FA) đã vào cuộc, với tư cách là người bảo vệ của giải đấu, cả về đạo đức lẫn chuyên môn. Rooney không chỉ là một cầu thủ M.U, anh còn đại diện cho lợi ích của bóng đá Premier League, một gương mặt thần tượng của nhiều cậu bé. FA cần anh, thậm chí còn hơn cả M.U.

Để kết luận, dẫu vào những thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của mình, Rooney có vẻ chưa bao giờ vui mừng trọn vẹn, như Hernandez, Messi hay Ronaldo. Tài năng của anh là không thể phủ nhận, nhưng có vẻ như tài năng đó được tạo động lực từ những cơn giận dữ và mong muốn phục thù, như ở trận gặp West Ham. Về lâu dài, đó không phải là điều tốt cho mọi cầu thủ bóng đá.

Trần Trọng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm