GÓC CHIẾN THUẬT Tottenham 2-1 Arsenal: Ứng dụng chiến thuật hỏng nền tảng, Pháo thủ trả giá

08/02/2015 13:16 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Một chiến thắng trước Manchester City xem ra vẫn là chưa đủ để cho thấy rằng thầy trò Arsene Wenger đã thực sự tìm thấy một giải pháp chiến thuật phù hợp.

Nửa tháng qua, Arsenal đã liên tục sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1, đi kèm là một cách vận hành tương đối khác biệt so với bộ mặt của chính đội bóng này trong nhiều năm qua. Khi không có bóng, hai hàng ngang phòng thủ được dựng ra gần sát vòng cấm địa, với một máy quét làm việc trong khoảng không chính giữa. Khi có bóng, Arsenal sẽ tổ chức phản công nhanh, ít chạm và nhắm tới khung thành càng nhanh càng tốt.

Điều này đồng nghĩa rằng, từ một đội bóng chủ động kiểm soát thế trận, họ trở thành đội bóng nhường thế trận cho đối phương, phòng thủ chủ động và chờ cơ hội phản công nhanh.

Với sự tỏa sáng của Alexis Sanchez (trận gặp Man City) hay Mesut Oezil (trong hai trận gần nhất), sự thay đổi chiến thuật này trở thành một “niềm tin mới” trong lòng các CĐV Pháo thủ. Tuy nhiên, trận thua Tottenham Hotspur đã cho thấy rằng Arsenal vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nếu muốn áp dụng cách chơi này dài lâu.

Ứng dụng hỏng từ nền tảng

Thực chất, lối chơi này của Arsenal vẫn tương đối cơ bản, không hẳn là một điều gì đó quá mới mẻ. Ví dụ, các đội bóng của Jose Mourinho chính là những đỉnh cao của lối chơi tương tự. Vậy vì sao Người đặc biệt có thể làm tốt ở mọi nơi ông đi qua?

Có một khác biệt to lớn giữa các đội của Mourinho với Arsenal – đội bóng vốn chơi với triết lý “không chỉ thắng mà phải thắng đẹp”. Trong khi Mourinho luôn đề cao việc xây dựng hàng thủ vững chãi như mục tiêu tiên quyết thì Wenger ngược lại, không sửa chữa nổi những lỗ hỗng phòng ngự nhiều năm qua.

Trước Manchester City, “nhạc trưởng” David Silva đã bị vô hiệu hóa một cách thuyết phục. Tuy nhiên khi gặp Tottenham, các cầu thủ Arsenal lại phải đối đầu với một hàng công nhiều nhân tố sáng tạo, đột biến hơn hẳn. Chính trong hoàn cảnh này, sự non kém về khả năng tổ chức của họ đã bị phơi bày.

Phơi bày qua những con số phũ phàng. Việc thua kém thời lượng kiểm soát bóng (44% so với 56%) không quá quan trọng bởi nó phản ánh đúng mục đích chơi của Pháo thủ. Nhưng Spurs đã 18 lần có đường chuyền quyết định cho nhau dứt điểm, qua người tới 11 lần, nhận 23 cú sút từ đối thủ (trong đó 8 cú trúng đích). Việc để thua 2 bàn rõ ràng là không thể tránh khỏi, nếu đối phương dồn ép đến thế.


Tỷ lệ tắc bóng thành công cả Arsenal chỉ là 42%


Spurs qua người tổng cộng 11 lần...


...và tạo ra 18 cơ hội dứt điểm cho nhau

Hai đạo diễn, hai phong độ

Phòng thủ tệ là một vấn đề, nhưng ở hàng công, Pháo thủ đã chơi tồi trong trận đấu này. Chiến lược của họ là hợp lý: Olivier Giroud trở thành điểm đến của những pha bóng bổng (David Ospina hầu như chỉ phát bóng thẳng vào cái đầu của chàng trai Pháp). Tuy nhiên chất lượng làm tường của anh là tương đối thấp, thể hiện qua chính độ chính xác tệ hại 55% của 53 đường chuyền.

Mesut Oezil, cầu thủ chơi tuyệt hay trong 2 trận gần nhất trước đó, đã không tạo nên dấu ấn nào. Đối trọng của anh bên phía Spurs là Christian Eriksen thì lại tỏa sáng rực rỡ. Cùng thi đấu ở vị trí tiền vệ trái, nhưng họ lại hưởng lợi nhờ lối chơi tập thể xung quanh. Eriksen thường xuyên tìm ra khoảng trống ở khu vực giữa cánh trái và trung lộ, kết hợp với một Moussa Dembele di chuyển thông minh và Harry Kane sẵn sàng dạt sang trái, nên anh đạo diễn hàng công Gà trống rất dễ dàng.

Trong khi đó, Oezil hầu như không có lựa chọn xử lý nào ngoài dốc biên hoặc bật tường với Giroud. Cầu thủ này bị ép hẳn sang cánh trái do sự bao bọc trung lộ tốt của cặp Ryan Mason – Nabil Bentaleb. Kyle Walker đã thi đấu tuyệt hay khi có 3 tình huống cướp bóng từ Oezil.


Walker đã "khóa" Oezil rất chặt

Nếu coi Oezil và Eriksen là “linh hồn” của hàng công hai bên thì rõ ràng họ đã có một ngày tương phản như đỉnh cao với vực sâu. Hiệu quả thi đấu của họ cũng đã thể hiện qua kết quả cuối cùng...

DŨNG LÊ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm