Các trường tung “chiêu” ôn thi tốt nghiệp

09/04/2011 11:01 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Đầu tháng 6 tới, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, việc mở lớp phụ đạo, gom học sinh yếu kém, tăng cường ca ba… là những “chiêu” được nhiều trường áp dụng để “lên dây cót” cho học sinh. Và mặc dù Bộ GD&ĐT không khuyến khích nhưng trước “sức ép” từ kỳ thi nhiều trường không thể “nói không với thi thử”.

Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một lớp phụ đạo đặc biệt gồm toàn bộ các học sinh yếu kém của 15 lớp 12 trong toàn khối nhanh chóng được thành lập từ đầu học kì 2. Đến nay, lớp học này đã duy trì được hơn hai tháng và các học sinh hoàn toàn không mất tiền học phí.

Mở lớp ôn thi đặc biệt

Thầy Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu đã chọn những giáo viên tốt nhất làm chủ nhiệm và giảng dạy lớp này. Sau khi thành lập lớp, chúng tôi thấy các em đi học chuyên cần hơn, phụ huynh cũng rất hưởng ứng cách làm này. Ai cũng hy vọng các em sẽ vươn lên trong học kỳ hai và có kết quả tốt cho kỳ thi cuối”.

Không chỉ trường Trần Nhân Tông, việc lọc các học sinh học lực yếu đưa vào một lớp riêng để phụ đạo cũng là “chiêu” được nhiều trường áp dụng. Tại trường Phan Huy Chú, quận Đống Đa, lớp phụ đạo có 35 học sinh do đích thân cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp làm chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy là thầy cô chủ nhiệm các bộ môn của trường.

Học sinh khối 12 trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong giờ ôn thi môn địa lý

Cô Nhiếp cho biết, năm học trước, trường cũng tổ chức mô hình này với 30 em và cả 30 em đều đỗ tốt nghiệp, trong đó có nhiều em điểm cao. Khi đưa các học sinh yếu vào một lớp, giáo viên sẽ có phương pháp dạy phù hợp hơn với khả năng tiếp thu bài của các em. Học sinh lớp này cũng biết mình đang thuộc diện “báo động đỏ” nên sẽ cố gắng hơn.

Ngoài tổ chức lớp phụ đạo chung, trường THPT Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội còn tổ chức các lớp phụ đạo riêng theo từng môn học. Học sinh yếu môn nào thì vào lớp phụ đạo của môn học đó, mỗi lớp chỉ hơn 10 em, riêng lớp ôn toán đông nhất với khoảng 20 em. Với quy mô lớp nhỏ nên giáo viên có thể “chăm sóc” từng học trò, biết các em yếu phần nào để bổ sung kiến thức kịp thời.

“Trường ca”… thi thử

Cứ chiều Thứ Tư cuối cùng của tháng, học sinh khối 12 trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội lại “cắp tráp” đi thi. Kết quả thi cũng được nhà trường công bố ngay trong buổi chào cờ đầu tiên của tuần tiếp theo. Kỳ thi thử này được duy trì đều đặn mỗi tháng, ngay từ đầu năm học.

Theo cô Hiệu phó Đoàn Thị Đức Hạnh, việc thi thử chính là cách để các học sinh luôn luôn phải tập trung vào bài vở, qua các kỳ thi, các em cũng biết mình còn hổng kiến thức ở phần nào để tập trung ôn tập hiệu quả hơn. Đây cũng là quan điểm của thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình. Theo thầy Lâm, việc thi thử không chỉ rèn cho học sinh kiến thức mà còn rèn kỹ năng làm bài, giúp các em có sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho kỳ thi thật.

Học sinh trường Đinh Tiên Hoàng có tới 3 đợt thi thử trước khi tham dự kỳ thi chính thức. Ngoài ra, trường cũng tăng cường học ca ba (từ 17 giờ 30 đến 19 giờ) cho học sinh yếu kém.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Cũng có ý kiến cho rằng việc tăng ca, thi thử có thể gây cho học sinh nhiều áp lực. Tuy nhiên, thời điểm này cũng cần đốc thúc học sinh việc học hành”. Với cách nhìn của một hiệu trưởng nhiều năm kinh nghiệm dạy học trò yếu kém, đồng thời là một chuyên gia tâm lý, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thầy Lâm cho rằng, đây là thời gian thử thách, mang tính quyết định, vì thế, các em phải nỗ lực, không nên ngại áp lực.

Khác với nhiều nơi, trường THPT Trần Nhân Tông lại có phương thức thi thử riêng. Theo thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Tùng, việc ôn thi cho học sinh lớp 12 được tổ chức thành từng chặng. Chặng thứ nhất được kết thúc bằng việc thi vấn đáp, bắt đầu từ ngày 13/3. Tiếp đó, trường cũng tổ chức thi viết cho học sinh toàn khối, được tổ chức như một kỳ thi tốt nghiệp thực sự. Qua mỗi kỳ thi, cả giáo viên và học sinh đều biết được tình hình học tập của mình đến đâu để có những điều chỉnh phù hợp.

Giải thích về việc chọn hình thức thi vấn đáp, thầy Tùng cho biết, khi trả lời trực tiếp, giáo viên sẽ dễ dàng biết được học sinh đó hiểu bài, nắm kiến thức đến đâu và với hình thức này, khả năng dựa dẫm của học sinh sẽ giảm hơn rất nhiều.

Em Vũ Hà Anh Tuấn, học sinh lớp 12A11 trường THPT Trần Nhân Tông tâm sự: “Kỳ thi vấn đáp “căng” hơn, chúng em phải học chăm chỉ thật sự, vì không trông mong gì việc nhìn bài bạn hay quay cóp. Chúng em thấy mình tiến bộ hơn rất nhiều so với đầu học kỳ, có thể tự mình làm được nhiều bài hơn”.

Theo lịch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến hết ngày 4/6/2011. Học sinh khối THPT thi các môn toán, văn, ngoại ngữ, sinh học, địa lý và vật lý. Đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, 6 môn thi bao gồm toán, văn, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử.

Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm