Hai cựu danh thủ Brazil Romario và Ronaldo 'khẩu chiến' vì World Cup 2014

07/12/2013 14:26 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(giaidauscholar.com) - Hai danh thủ một thời của bóng đá Brazil, Romario và Ronaldo, vừa làm tốn không ít giấy mực của báo giới với những màn tranh luận quyết liệt về World Cup 2014 sắp sửa diễn ra ngay trên quê hương mình.

Điểm chung của Romario lẫn Ronaldo là khi còn thi đấu họ đều gây ra những cơn ác mộng cho các hàng hậu vệ đối phương. Nhưng cuộc sống hậu bóng đá của hai người lại đi theo những ngã rẽ khác nhau.

Ronaldo, người hùng của ĐT Brazil trong chiến tích vô địch World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đang từng bước đặt chân vào sự nghiệp chính trị khi trở thành thành viên của Ủy ban tổ chức World Cup 2014. Anh tỏ ra rất quyết tâm hướng tới thành công của World Cup ở quê nhà: "Chúng tôi muốn sau này nhìn lại với lòng tự hào và nói rằng chúng tôi đã tổ chức được một kỳ World Cup thành công nhất mọi thời đại".


Ngược lại, Romario, ngôi sao của đội bóng xứ Samba trong chức vô địch World Cup 1994, lại đang là nghị sĩ của bang Rio de Janeiro. Anh cực lực phản đối sự kiện lớn nhất của bóng đá thế giới diễn ra vào năm tới ở quê hương mình. Romario cho rằng: "Đó sẽ là một vụ trộm cắp lớn nhất trong lịch sử đất nước Brazil".

Tranh cãi giữa hai huyền thoại của bóng đá Brazil nổ ra sau những sự cố gần đây trong tiến trình chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup ngay trên quê hương của họ. Đầu tiên là vụ tai nạn diễn ra tại sân Arena Corinthians, Sao Paulo, làm hai công nhân xây dựng thiệt mạng. Tiếp theo đó, sân bóng này cùng với các sân mới ở Curitiba và Cuiaba, sẽ không kịp hoàn thành đúng thời hạn FIFA đưa ra là cuối năm nay. Những vấn đề này càng khó có thể chấp nhận khi Brazil đã biết được thông tin mình sẽ là nước chủ nhà của kỳ World Cup năm sau từ cách đây 6 năm trước.

Vào thời điểm đó, Brazil đã chi tới hơn 2 tỷ USD dành cho các sân vận động, với phần lớn trong số này đến từ ngân sách nhà nước. Những chỉ trích nổ ra từ các địa điểm xây dựng sân bóng như Brasilia, Cuiaba và Manaus, nơi các đội bóng địa phương chỉ thu hút được hàng trăm khán giả đến sân, thay vì hàng vạn người như mong muốn.

Trong khi đó, những dự án cơ sở hạ tầng địa phương như mạng lưới tàu điện một ray ở Manaus, vốn được coi là tài sản quý giá của người Brazil trong dịp diễn ra World Cup, lại đang bị bỏ xó.

Tất nhiên những người Brazil không hề có ý định phản đối một sự kiện bóng đá như World Cup diễn ra trên đất nước mình. Vấn đề là họ rất bức xúc với khoản tiền bỏ ra dành cho giải đấu này.

Romario, người từng cùng tổng thống Brazil Lula xuất hiện trên sân khấu ở Zurich khi FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2014 cách đây 6 năm, cho biết: "Tôi không hề phản đối việc tổ chức World Cup. Tôi chỉ không hài lòng khi chi phí tổ chức là quá cao".

Chi phí tổ chức là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình của hàng trăm nghìn người dân Brazil trên các đường phố trong thời gian Brazil tổ chức Confederations Cup vào tháng 6 năm ngoái. Những điều mà người dân Brazil bức xúc là chất lượng dịch vụ công ngày càng kém và tham nhũng chính trị. Đất nước đang chi quá nhiều tiền để chuẩn bị cho giải đấu, trong khi các trường học và bệnh viện rơi vào tình trạng ngân sách thiếu hụt trầm trọng.

Romario đương nhiên không thể thờ ơ: "Các ngài từ FIFA hãy đến đây, lập ra một khu mới bên trong nơi ở của chúng tôi, đặt ra quyền tối cao hơn tất cả mọi người, và để lại lợi nhuận khoảng từ 2 đến 3 tỉ đôla. Và sau đó điều gì xảy ra với công trình mà họ đã xây dựng".

Một vấn đề nữa là Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) thì chẳng có gì trong sạch cho lắm. Cựu chủ tịch Ricardo Texeira, người từng bị chất vấn vì những trò gian lận của mình và sau đó phải từ chức vì sức khỏe yếu, giờ lại đang sống an nhàn ở Miami. Khi Texeira rời cương vị, Romario vui mừng nói rằng: "Chúng ta vừa diệt được một khối ung nhọt ra khỏi đời sống bóng đá Brazil".

Người kế nhiệm Texeira, Jose Maria Marin, cũng gây ra không ít tranh cãi. Dấu ấn đầu tiên của ông từ lúc nhậm chức là đút vào túi mình một chiếc huy chương vàng ở giải bóng đá trẻ vùng Sao Paulo. Lập tức ông Marin nói đây là một món quà, và quy kết những lời cáo buộc là một trò đùa. Nhưng Romario thì không dễ cả tin như vậy. Hồi tháng 10 vừa qua, anh huỵch toẹt như sau: "CBF là một tổ chức tham nhũng, với một ông chủ tịch chẳng hề trong sạch gì.

Anh phát biểu trong một hội nghị: "Liệu chúng ta có xứng đáng thấy người lãnh đạo môn thể thao phổ biến nhất của đất nước chúng ta, niềm tự hào dân tộc lại là một kẻ chủ yếu liên quan đến những hành vi như tra tấn dã man, trộm cắp và đàn áp dân chủ hay không?".

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi những trận đấu ở giải VĐQG Brazil đang diễn ra trong cảnh tượng hỗn loạn. Một nhóm những cầu thủ danh tiếng đã thành lập một hiệp hội lấy tên là Common Sense FC để phản đối lịch thi đấu quá dày đặc, cũng như việc nợ lương. Họ đe dọa sẽ đình công nếu không được đáp ứng những yêu cầu của mình.

Các quan chức bóng đá Brazil vẫn chưa giải quyết xong nạn bạo lực sân cỏ. Có quá nhiều cuộc xô xát giữa các hội cổ động viên trong năm nay và tội phạm liên quan đến bóng đá ngày càng phổ biến.

Những cái nhìn khác nhau từ phía Romario và Ronaldo làm nổ ra những cuộc khẩu chiến giữa hai người, và Pele thậm chí không thể thoát khỏi việc trở thành đề tài chỉ trích.

Huyền thoại bóng đá người Brazil từng nói hớ rằng người Brazil nên quên đi những cuộc biểu tình để đứng đằng sau ĐTQG tại Confederations Cup. Romario từng nói về Pele cách đây vài năm rằng: "Pele là một nhà thơ, khi nào ông ta biết ngừng cái mồm lại".

Ronaldo cũng không tránh khỏi vạ miệng, khi từng nói rằng "Chúng ta đăng cai World Cup với những sân vận động, không phải các bệnh viện", dù sau đó anh ta nói rằng mọi người đã hiểu nhầm câu trích dẫn của mình.

Romario lại không hiểu như thế. Ngay khi Ronaldo tung ra câu nói rằng "Tôi yêu phụ nữ, nhưng tôi tôn trọng những người có sở thích khác", thì Romario lập tức phản pháo rằng: "Có không ít người thậm chí chả biết nổi lòng yêu nước là gì cả".

Dù không thể phủ nhận đây là một lời bình luận rẻ tiền từ phía Romario, nhưng danh thủ này quả là người đồng cảm với lo ngại từ phía những người Brazil. Anh cho biết: "Một trong những điều tích cực nhất là mọi người đã tiến hành xuống đường biểu tình. Tôi muốn họ tiếp tục làm điều này cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 10 sang năm, và tôi tin họ sẽ làm".

H.Đức
Theo Independent

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm