12/07/2025 06:42 GMT+7 | Bóng đá Anh
Không ngạc nhiên khi những đội bóng trong nhóm Big Six nằm trong danh sách mua sắm nhiều nhất lịch sử Premier League. Ngoài họ ra, danh sách này còn có những cái tên nào đáng chú ý khác?
Chelsea: 3,38 tỷ bảng
Kỷ nguyên Todd Boehly chứng kiến Chelsea mua sắm còn ác liệt hơn cả giai đoạn Roman Abramovich làm ông chủ. Cụ thể, đội bóng áo xanh đã chi đến hơn 1 tỷ bảng với hơn 50 cầu thủ đặt chân đến sân Stamford Bridge tính từ tháng 5/2022, thời điểm Boehly và Behdad Eghbali cùng các cộng sự hoàn tất thương vụ sở hữu Chelsea. Chelsea đã 2 lần phá kỷ lục chuyển nhượng để mang về bộ đôi tiền vệ Enzo Fernandes-Moises Caicedo. Chiến lược của Chelsea là mua sắm những tài năng trẻ, trao cho họ những bản hợp đồng dài hạn trước khi thu về lợi nhuận nếu một vài trong số này không đáp ứng được kỳ vọng. Cole Palmer là thương vụ tốt nhất của Chelsea dưới kỷ nguyên Boehly khi anh chuyển đến từ Man City với mức phí 40 triệu bảng mùa Hè 2023 và trở thành trụ cột từ thời Mauricio Pochettino và hiện tại là Enzo Maresca.
Man City: 2,65 tỷ bảng
Việc Sheikh Mansour nắm quyền sở hữu Man City năm 2008 đã tạo ra một bước ngoặt cho lịch sử Premier League. Dòng tiền liên tục chảy về sân Etihad và thành công của nửa xanh thành Manchester có dấu ấn rất lớn từ nguồn tài chính vô hạn từ người đang giữ chức vụ Phó thủ tướng UAE. Trong quãng thời gian còn làm Giám đốc thể thao Man City, Txiki Begiristain là người đã mang về hàng loạt thương vụ bom tấn trong đó có Rodri, người chuyển đến từ Atletico Madrid với mức phí 62,8 triệu bảng năm 2019 và trở thành Quả bóng Vàng. Tất nhiên, vẫn còn đó các thương vụ tệ hại như Jack Grealish từ Aston Villa với mức phí 100 triệu bảng nhưng dấu ấn đến lúc này là quá ít.
MU: 2,44 tỷ bảng
Nhà Glazer trong mắt các cổ động viên MU là thủ phạm tạo ra sự hỗn loạn với khoản nợ khổng lồ lên tới 500 triệu bảng cùng việc mua sắm vô tội vạ trong nhiều năm nhưng phần đa là các bản hợp đồng thảm họa. Có thể nhắc đến thương vụ Antony từ Ajax với mức phí 85 triệu bảng mùa Hè 2002, ngoài ra còn có Jadon Sancho từ Dortmund với mức phí 73 triệu bảng hay Alexis Sanchez, một thương vụ không tốn phí chuyển nhượng nhưng lại ngốn mức lương lên tới 14 triệu bảng mỗi mùa. Đó là lý do INEOS sau khi mua lại cổ phần MU buộc phải "thắt lưng, buộc bụng", hậu quả của việc chi tiêu lãng phí quá mức.
Chelsea là đội bóng mua sắm nhiều nhất trong lịch sử Premier League
Liverpool: 1,87 tỷ bảng
Thành công của Jurgen Klopp trong 9 năm làm việc ở Liverpool có sự hậu thuẫn rất lớn về tài chính từ tập đoàn Fenway Sports Group, chủ sở hữu đội bóng. Nhà cầm quân người Đức được chi 850 triệu bảng để chiêu mộ các tân binh. Bản hợp đồng thành công nhất chắc chắn là Mohamed Salah, người đến từ Roma mùa Hè 2017 với mức phí 34 triệu bảng, nhưng đã và đang trở thành ngôi sao ở sân Anfield. Ở chiều ngược lại, Darwin Nunez chuyển đến từ Benfica với mức phí 85 triệu bảng cách đây 3 năm là thương vụ gây thất vọng nhất.
Tottenham: 1,87 tỷ bảng
Daniel Levy là vị chủ tịch tại vị lâu nhất ở Premier League và chính ông đã định vị Tottenham bằng cả những bản hợp đồng chất lượng lẫn những món hàng hớ. Ông có công đưa Luka Modric đến Tottenham từ Dinamo Zagreb với mức phí chỉ 18,9 triệu bảng năm 2008 rồi bán anh cho Real Madrid 4 năm sau và thu về 31,5 triệu bảng. Nhưng khi ông bán Gareth Bale cho Real Madrid với mức phí 85 triệu bảng để tái đầu tư vào 7 tân binh, phần lớn trong số này lại là các bản hợp đồng thảm họa.
Arsenal: 1,74 tỷ bảng
Sau một khoảng thời gian dài chi tiêu tằn tiện, Arsenal những năm gần đây ngày càng sẵn sàng chi tiêu mạnh mẽ. Tiêu biểu là thương vụ chiêu mộ tiền vệ Declan Rice từ West Ham với mức phí 105 triệu bảng cách đây 2 năm. Đó là sự khác biệt Mikel Arteta được tận hưởng so với những năm cuối kỷ nguyên Arsene Wenger do vấn đề tài chính sau khi xây sân Emirates. Thương vụ tốt nhất của Arsenal là việc chiêu mộ Thierry Henry từ Juventus vào mùa Hè 1999 với mức phí chỉ 11 triệu bảng.
Newcastle: 1,3 tỷ bảng
Việc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) sở hữu Newcastle hồi tháng 10/2021 giúp Newcastle đổi đời sau những năm căng thẳng về tài chính dưới thời Mike Ashley. Thương vụ thành công nhất của Newcastle dưới kỷ nguyên PIF là việc mua Alexander Isak từ Real Sociedad với mức phí 63 triệu bảng hồi tháng 8/2022. Tiền đạo người Thụy Điển hiện đang được định giá lên tới 150 triệu bảng.
Aston Villa: 1,28 tỷ bảng
Từ khi Monchi trở thành Giám đốc thể thao, Aston Villa đã có những chuyển biến đáng chú ý trên thị trường chuyển nhượng khi sẵn sàng chi 50 triệu bảng chiêu mộ Amadou Onana từ Everton hồi mùa Hè năm ngoái. Điều này giúp Unai Emery xây dựng tập thể giành vé dự Champions League mùa trước.
West Ham: 1,23 tỷ bảng
Từ khi David Sullivan nắm quyền sở hữu West Ham hồi tháng 1/2010, tình hình chuyển nhượng của West Ham có những khởi sắc đáng chú ý. Họ từng chi 45 triệu bảng để chiêu mộ Sebastian Haller từ Frankfurt hồi mùa Hè 2019. Trước đó, đội bóng này từng gây ồn ào khi chiêu mộ bộ đôi Argentina Tevez-Mascherano hồi tháng 8/2006.
Everton: 1,09 tỷ bảng
Bill Kenwright là vị chủ tịch để lại dấu ấn sâu đậm ở Everton từ 2004 cho đến khi ông qua đời năm 2023. Dưới thời Kenwright, Everton có rất nhiều thương vụ giá rẻ, chất lượng tốt. Khi tập đoàn Friedkin Group nắm quyền sở hữu Everton hồi tháng 12 năm ngoái, Everton vẫn đảm bảo tình hình tài chính vững vàng.
Hạnh Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất