10 năm Daniele De Rossi trên tuyển Italy: Người lấp bóng Pirlo

09/09/2014 20:08 GMT+7 | Italy

(giaidauscholar.com) - De Rossi, ngày 4/9/2004, ra mắt đội tuyển Italy. De Rossi, ngày 5/9/2014, ghi bàn thứ 16 trong lần thứ 98 khoác áo đội tuyển Italy. Mới đó mà đã 10 năm, chỉ sai 1 ngày.

Cái anh chàng De Rossi ở Palermo năm 2004 ấy mới 21 tuổi, trắng trẻo và thư sinh, ra mắt trước Na Uy tại vòng loại World Cup 2006 và ghi bàn ngay trận đầu tiên. Còn tại Bari hôm 5/9, một De Rossi khác, để râu quai nón rậm và đeo băng đội trưởng, đã đá thành công quả phạt đền ấn định tỉ số 2-0. Hai De Rossi, cách nhau hơn 3600 ngày, với hai vai trò khác biệt và sứ mệnh giờ nặng nề hơn.

Thủ lĩnh tinh thần mới

Đấy không phải lần đầu De Rossi đeo băng đội trưởng tuyển Italy. Anh đeo tấm băng  ấy trên vai từ năm 2008 dưới thời Roberto Donadoni, nhưng đến giờ, chúng ta có lẽ mới cảm nhận rõ rệt, tấm băng ấy giúp De Rossi “ra dáng” thế nào. Andrea Pirlo từ giã Azzurri, bỏ lại không chỉ khoảng trống toang hoác nơi tuyến giữa, mà còn mang theo cả hồn vía đội bóng thời Cesare Prandelli. De Rossi có nghĩa vụ lấp đầy cái bóng Pirlo để lại, không chỉ ở khía cạnh chuyên môn mà còn ở tinh thần.

Chàng trai mà 10 năm trước, Marcello Lippi đã dự đoán sẽ là một Lampard và Gerrard tương lai, giờ mang sứ mệnh dẫn dắt thế hệ hậu World Cup 2014. Tất cả đã bắt đầu với Antonio Conte, trong một Azzurri trẻ trung. Chúng ta tin De Rossi sẽ hoàn thành tốt vai trò đó, không chỉ bởi anh đã sút quả phạt đền quan trọng trước Hà Lan với phong thái điềm tĩnh, mà còn từ tất cả những gì anh đã làm được 10 năm qua: Xác lập vị trí không thể lay chuyển ở AS Roma, và có sự trung thành của một công thần, gắn bó tuyệt đối với đội bóng bất chấp khó khăn.

Kẻ thù là chính mình

Điều đáng lo ở De Rossi là liệu anh có bỏ được tính khí nóng nảy hay không? Cú đánh cùi chỏ chảy máu đầu Brian McBride tại vòng bảng World Cup 2006 đã cách xa 8 năm, nhưng vẫn là hình ảnh đặc trưng của De Rossi trên sân bóng: Quá bộc trực, khó kiểm soát hành vi,  khiến đôi khi nhận những thẻ phạt không đáng có.

Một thủ lĩnh đội tuyển quốc gia sẽ rất dễ tự hủy hoại mình với tính khí ấy, nhưng có một hy vọng là ở tuổi 31, De Rossi sẽ sống đúng với những gì người ta mô tả về anh: Thâm trầm và sâu sắc, trái ngược với sự sôi nổi của người Roma bản địa. Đấy là tiền đề để anh trở thành phiên bản của một Andrea Pirlo trầm lặng?

Thử thách cho De Rossi đến từ chính anh nhiều hơn là ngoại cảnh. Anh chông chênh suốt chiều dài sự nghiệp. Anh mâu thuẫn với Roma, bị Zdenek Zeman chỉ trích là lười biếng, thậm chí đã chán nản muốn tới Man United khi các CĐV căm ghét anh sau thất bại chung kết Cúp Italy mùa 2012-13. Chỉ đến khi Rudi Garcia trở lại, De Rossi mới tìm được cân bằng.

Chàng trai đá bóng từ những trận đấu dọc bãi biển ở Ostia, nơi bà và dì anh làm việc, “yêu bóng đá từ khi mới sinh”, De Rossi nói năm 2011, “nhưng không chắc mình muốn làm cầu thủ chỉ bởi thiếu niềm tin”. Đến tận năm 19 tuổi, anh vẫn chưa biết mình có đi theo nghiệp quần đùi áo số hay không, và đấy là một phần lý do De Rossi vuột mất Scudetto đầu tiên và duy nhất với Roma năm 2001: Anh ra mắt chậm mất 5 tháng, ngày đội bóng vô địch Serie A.

Tuổi 31 không còn là lúc để những chông chênh ảnh hưởng đến De Rossi. Anh sẽ gánh trên vai sứ mệnh nặng nề, và đội tuyển sẽ lắc lư nếu anh không vững. Nếu “một cầu thủ Roma không chỉ có nghĩa vụ giúp các CĐV hạnh phúc mà còn phải khiến người Roma hạnh phúc”, như De Rossi nói tháng 10/2013, thì thủ lĩnh, ít nhất là của hàng tiền vệ đội tuyển quốc gia, có nghĩa vụ giúp hàng triệu tifosi hạnh phúc. 


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm