22/12/2015 19:50 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Lời Tòa soạn: Năm 2015 sắp trôi qua. Báo Thể thao & Văn hóa lựa chọn 5 sự kiện thể thao Việt Nam và 5 sự kiện thể thao quốc tế nổi bật nhất. Tiêu chí của chúng tôi là sự đột phá của thành tích, hoặc tác động của nó tới toàn xã hội ở cả hai chiều, và được dư luận đông đảo quan tâm ở một thời điểm nhất định trong năm. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.
THỂ THAO VIỆT NAM
1. Ánh Viên đi vào lịch sử thể thao Việt Nam và khu vực
Ánh Viên đã giúp môn bơi như thể môn thể thao số 1 ở Việt Nam, khi hàng triệu người chờ xem cô thi đấu qua truyền hình trực tiếp. Các câu chuyện về sự nỗ lực không mệt mỏi, của ý chí chinh phục đỉnh cao mà không màng tới huy chương, của sự khiêm tốn mẫu mực được chia sẻ như một tấm gương cho cả ngành thể thao và xã hội. Những chuyến đi con thoi giao lưu ở 2 đầu Tổ quốc cho thấy Ánh Viên là biểu tượng của giới trẻ. Sự thực là Ánh Viên đã làm được nhiều hơn việc giành 8 HCV, 8 lần phá kỷ lục khi tham dự môn bơi ở SEA Games 2015 tổ chức tại Singapore. Thành tích ấy giúp Ánh Viên (sinh tháng 11/1996) trở thành VĐV giành nhiều HCV nhất ở một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á kể từ khi nó được đổi tên thành SEA Games từ SEAP Games (năm 1977). Ánh Viên là VĐV nước ngoài xuất sắc nhất ở SEA Games 2015 do chủ nhà Singapore bầu chọn. Ánh Viên đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho thành tích trên. Ngoài ra, Ánh Viên còn tham dự nhiều giải bơi quốc tế khác, giành 2 HCB và 1 HCĐ tại World Cup bơi lội thế giới tổ chức tại Nga và Pháp.
2. Thể thao Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ ở SEA Games 2015
Vẫn đứng trong Top 3 của khu vực (sau Thái Lan và chủ nhà Singapore), nhưng Thể thao Việt Nam đã làm nên một kỳ SEA Games ấn tượng, thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ. Không còn coi đây là nơi để tranh chấp huy chương bằng mọi giá, bằng việc tham dự các môn chỉ có tính chất khu vực, Thể thao Việt Nam đã tập trung vào các môn thể thao Olympic. Ở SEA Games 2015, Thể thao Việt Nam chỉ cử 400 vận động viên (trước kia thường từ 600 đến 700) và cũng chỉ tham dự 28 môn, trong đó rất nhiều môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm… Kết quả, đoàn Thể thao Việt Nam đã giữ vững vị trí trong Top 3 với hơn 85% trong tổng số 73 HCV thuộc về các môn Olympic. Cũng ở SEA Games lần này, Thể thao Việt Nam giới thiệu một lứa tuyển thủ trẻ tài năng như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Nguyễn Thị Huyền, Lê Trọng Hinh (điền kinh); Nguyễn Minh Quang (đấu kiếm), Nguyễn Minh Văn (Taekwondo)... tạo ra lực lượng đông đảo, đủ sức để cạnh tranh ở những sân chơi châu lục, thế giới trong tương lai.
3. Lý Hoàng Nam làm nên lịch sử cho quần vợt Việt Nam
Tại Wimbledon, trong khi theo dõi những huyền thoại của quần vợt thế giới Federer, Djokovic tranh tài thì người hâm mộ Việt Nam còn háo hức chờ tin chiến thắng của ngôi sao quần vợt trẻ của Việt Nam là Lý Hoàng Nam. Đây chính là điều chưa từng xảy ra đối với quần vợt Việt Nam, một trong những môn thể thao được hâm mộ bậc nhất.
Khi Lý Hoàng Nam cùng với đồng đội của anh, Sumit Nagal (người Ấn Độ) nâng cao chiếc Cúp vô địch đôi nam trẻ Wimbledon, đây được coi là hình mẫu chuẩn mực cho việc tìm đường tới thành công ở môn thể thao khắc nghiệt như quần vợt: Sự đam mê của cá nhân, sự đầu tư đúng hướng của một mạnh thường quân, tập luyện và tham dự các giải đấu quốc tế. Ngay trước ngưỡng cửa trở thành một tay vợt chuyên nghiệp (kể từ năm 2016), Lý Hoàng Nam đã trở thành người Việt đầu tiên có mặt trong Top 1000 bảng xếp hạng quần vợt ATP, đứng vị trí thứ 933, và vừa mới leo lên vị trí thứ 915.
4. Hoàng Anh Gia Lai ra mắt lứa cầu thủ trẻ của lò JMG HAGL Arsenal thất bại tại V-League 2015
Chưa từng có sự chờ đợi nào lớn như thế trong lịch sử V-League khi HAGL tung toàn bộ lứa cầu thủ trẻ được đào tạo ở lò Học viện JMG HAGL Arsenal để làm nòng cốt cho đội bóng này tham dự V-League. Danh tiếng của những cầu thủ trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường tạo dựng nhanh chóng chỉ sau khoảng một năm ra mắt trong màu áo U19 Việt Nam trước đó khiến cho chính đội bóng này và một bộ phận dư luận kỳ vọng rất cao. Thậm chí, hai từ "vô địch" đã từng được nhắc tới.
Thế nhưng, họ đã thất bại trong cuộc chinh phục ngôi vị ở V-League, sớm trở thành ứng viên của cuộc đua trụ hạng. Hoàng Anh Gia Lai thậm chí phải "nuốt lời", liên tục thay cầu thủ ngoại dù cho ban đầu tuyên bố sẽ chỉ dùng cầu thủ nội; phải sa thải huấn luyện viên Graechen, người đã từng dạy dỗ thế hệ cầu thủ trẻ ấy suốt 7 năm ròng rã. Cuối cùng, họ kết thúc mùa giải với vị trí thứ 13/14, chỉ hơn Đồng Nai, đôi xuống hạng đúng 3 điểm. Lối chơi của Hoàng Anh Gia Lai cũng không còn đặc biệt, mà nhiều trận khá bế tắc trước kinh nghiệm và lối đá thực dụng của nhiều đội bóng ở V-League.
Nhưng nhờ danh tiếng đã tạo dựng trong quá khứ và gần như không có lựa chọn mang tính trung lập nào khác mà HAGL vẫn là đội bóng được yêu mến bậc nhất. Người hâm mộ ở 13 sân bóng khác chứ không chỉ Pleiku luôn đến rất đông để xem họ. Nó làm lu mờ cả thành tích bảo vệ thành công chức vô địch V-League của Bình Dương, một danh hiệu đã tạo nên kỷ lục đội bóng đầu tiên 4 lần đăng quang V-League.
5. U23 Việt Nam giành vé vào Vòng chung kết U23 châu Á
U23 Việt Nam lọt vào vòng chung kết U23 châu Á sau khi xuất sắc vượt qua vòng loại tổ chức ở Malaysia có lẽ là điểm sáng lớn nhất của bóng đá Việt Nam trên mọi cấp độ trong năm 2015. Ở bảng đấu có Nhật Bản, Malaysia và Macau, U23 Việt Nam đã chỉ thua Nhật Bản 0-2 còn lại thắng chủ nhà Malaysia 2-1 và Macau 7-0, giành vé tham dự VCK tổ chức ở Qatar đầu năm tới. Đây cũng là giải đấu mà một đội tuyển do HLV Miura dẫn dắt có lối chơi tích cực nhất. Vai trò của Công Phượng ở đây cũng được đánh giá rất cao, vừa là hạt nhân trong cách vận hành chiến thuật, vừa là cầu thủ ghi bàn cừ khôi với 4 bàn thắng, trong đó có bàn ấn định tỉ số 2-1 vào lưới Malaysia.
Phải hồi tưởng lại sự hấp dẫn, kịch tính khi Việt Nam đua tranh giành suất một trong các đội thứ nhì xuất sắc nhất ở thời điểm đó mới thấy hết ý nghĩa của thành tích này.
Và nói không sai khi cho rằng đây chính là cứu cánh lớn nhất của ông Miura, HLV của đội tuyển Việt Nam trước áp lực rất lớn đòi sa thải ông sau thất bại ở AFF Cup 2014 và cả SEA Games 2015.
THỂ THAO QUỐC TẾ
1. Bê bối tham nhũng ở FIFA
Tháng Chín vừa qua, Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, đã bị chính các công tố viên Thụy Sĩ tiến hành điều tra hình sự cùng với cuộc điều tra của phía Mỹ. Như nhiều người vẫn nói, đây là hệ quả tất yếu của scandal lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới sau khi nó được châm ngòi vào tháng 5/2015 cùng với cuộc đột kích vào một khách sạn sang trọng tại Thụy Sĩ và sự bắt giữ của 7 quan chức FIFA theo đề nghị từ chính quyền Mỹ.
Ở thời điểm đó, Mỹ kết tội 14 quan chức và các liên đoàn tham nhũng “tràn lan, có hệ thống và kéo dài” sau một cuộc điều tra quy mô lớn của FBI. Và đến tháng 12 này, thêm 16 quan chức khác bị kết tội sau vụ bắt giữ hai Phó Chủ tịch FIFA tại cùng khách sạn cũ ở Zurich (Thụy Sĩ). Trong số những người bị buộc tội “liên quan đến các âm mưu phạm tội với số tiền lên đến 200 triệu USD hối lộ và lại quả” có cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) là Ricardo Teixeira.
Và cuối cùng, Ủy ban đạo đức của FIFA đã tuyên án Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và chủ tịch UEFA Michel Platini bị cấm hoạt động bóng đá 8 năm mỗi người sau vụ nhận 2 triệu USD đáng ngờ năm 2011.
2. Trận quyền Anh Mayweather - Pacquiao
Sau 5 năm đàm phán, trận đấu giữa hai võ sĩ mạnh nhất thế giới ở hạng bán trung, Floyd Mayweather Jr. và Manny Pacquiao, đã diễn ra ở võ đài MGM Grand tại thành phố Las Vegas vào ngày 02/05. Đây được xem là trận so găng thế kỷ và được cả thế giới chờ đợi.
Đã không có màn knock-out nào ở Las Vegas khi Mayweather là người chiến thắng bằng tính điểm (118-110, 116-112, 116-112). Mặc dù vậy, đã có không ít tranh cãi về kết quả này, vì nhiều người cho rằng chính Pacquiao mới chơi tốt, dồn ép và tung ra được nhiều cú dứt điểm hơn, song Mayweather với chiến thuật phòng ngự sở trường đã kéo dài chuỗi trận toàn thắng trong sự nghiệp của mình lên con số 48.
Trận đấu thế kỷ, đương nhiên cũng mang lại lợi nhuận rất lớn cho người tham dự. Kẻ thắng cuộc Mayweather không chỉ thống nhất các đai WBA (Super), WBC, The Ring và WBO hạng bán trung mà còn đút túi 180 triệu USD, gấp rưỡi so với người thua Pacquiao.
3. Điền kinh Nga và vụ bê bối doping lớn nhất trong lịch sử
Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) đã quyết định đình chỉ thi đấu tạm thời đối với VĐV Nga ở các giải quốc tế sau khi Ban điều tra độc lập của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) công bố bản báo cáo dày hơn 300 trang cho thấy “tồn tại việc sử dụng doping rộng rãi trong điền kinh Nga”. Báo cáo cũng cho rằng việc các VĐV Nga sử dụng doping được dung túng bởi các quan chức thể thao nước này.
IAAF đã tiến hành lấy phiếu trong cuộc họp. Kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy có tới 22/23 thành viên đồng ý với lệnh trừng phạt điền kinh Nga.
Theo quyết định của IAAF, điền kinh Nga sẽ không được tham gia thi đấu tại Olympic Rio de Janiero 2016, Giải Vô địch châu Âu và các giải đấu điền kinh khác trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài ra, Nga cũng mất quyền đăng cai Giải World Cup Race 2016 (diễn ra tại Cheboksary vào tháng 5-2016) và Giải World Junior Championships 2016 (diễn ra tại Kazan vào tháng 7-2016).
Án cấm sẽ có hiệu lực cho tới khi Nga cho thấy rằng đã có sự thay đổi trong phương thức và hệ thống kiểm soát doping của họ.
4. Barcelona lập hat-trick danh hiệu
Barcelona đã trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử hai lần giành cú hat-trick danh hiệu trong một mùa giải. Mùa 2008-09, dưới sự dẫn dắt của HLV Pep Guardiola, họ đã vô địch La Liga, đoạt cúp Nhà vua và giành Champions League. Còn ở mùa giải 2014-15, đến lượt HLV Luis Enrique được vinh danh bởi thành công tương tự.
Chìa khóa thành công đầu tiên là sự xuất sắc của bộ ba Messi, Naymar và Suarez. Họ ghi tới 123 bàn thắng trong mùa 2014-2015. Đây được xem là bộ ba tấn công hay nhất trên thế giới và trong lịch sử làng túc cầu.
Và chìa khóa thứ hai, mang tính nền tảng là lối chơi của Barca. Nó tiếp tục quyến rũ và giàu sức sống hơn với những sự bổ sung về tốc độ và đa dạng, để Barca tiếp tục được coi là đội bóng chơi hấp dẫn nhất trong lịch sử thế giới.
5. Năm thành công của tay vợt Novak Djokovic
Novak Djokovic đã kết thúc năm 2015 ở vị trí số 1, cùng số điểm gấp đôi người thứ nhì Murray. Anh cũng là tay vợt thứ ba trong lịch sử, sau Rod Laver và Roger Federer, chơi cả 4 trận chung kết Grand Slam trong 1 năm. Chức vô địch ATP World Tour Finals là dấu son kết thúc mùa giải tuyệt vời ấy.
Mùa giải này, Djokovic đã vào chung kết ở cả 15 giải đấu mà mình tham dự - một kỷ lục. Đăng quang ở London, anh đã giành tổng cộng 11 danh hiệu trong năm, bao gồm 3 Grand Slam. Khi Serena Williams không thể đăng quang ở US Open (thua từ bán kết), việc Djokovic trở thành tay vợt xuất sắc nhất năm (cả nam và nữ) không còn là điều cần bàn luận.
Và cuối cùng, trong cả năm qua, không một vận động viên nào lại có sự áp đảo, thống trị như vậy ở một môn thể thao đối kháng cá nhân, được tổ chức theo thể thức vô địch qua từng vòng loại trực tiếp như Djokovic đã làm được với tennis.
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất