30/07/2020 14:15 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020 - 2025) sẽ diễn ra trong ngày 6-7/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham dự của 468 đại biểu. Thông tin trên được Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí diễn ra ngày 30/7 tại Hà Nội.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết, Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị xã hội, nghề nghiệp sâu rộng trong giới âm nhạc Việt Nam. Thông qua đó, mỗi tổ chức cơ sở Hội, mỗi hội viên nhìn nhận, đánh giá toàn diện, thống nhất nhận thức về thực trạng lực lượng trong các lĩnh vực sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn và đào tạo của mỗi địa phương và cả nước, những mặt thành công, hạn chế, qua đó đặt ra phương hướng phát triển đồng bộ, tích cực hơn trong nhiệm kỳ tới.
Trước đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức Đại hội cơ sở trên 63 tỉnh, thành phố với 54 chi hội, trong đó có 5 hội âm nhạc lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đại hội cấp cơ sở đã bầu 486 đại biểu chính thức dự Đại hội Đại biểu toàn quốc.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X sẽ tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội, bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ X (dự kiến 21 người); Ban Kiểm tra nhiệm kỳ X (dự kiến 7 người). Hội nghị Ban chấp hành, Ban Kiểm tra lần thứ nhất sẽ bầu các chức danh chủ chốt của nhiệm kỳ mới.
Nhiều năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với gần 1.500 hội viên đã phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác, thẩm định tác phẩm về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước (1930 - 1975); sáng tác chuyên đề về các ngành nghề, địa phương, biên giới, biển đảo và bộ đội biên phòng, xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh đó, Hội cũng việc đẩy mạnh việc chuyên nghiệp hóa nền ca khúc, khuyến khích, đầu tư kinh phí cho khí nhạc, nhạc giao hưởng, thính phòng, phấn đấu xây dựng nền âm nhạc Việt Nam phát triển hài hòa.
Công tác lý luận phê bình âm nhạc luôn là mối quan tâm của Hội. Bên cạnh đó, Hội tổ chức nhiều hội thảo, lớp tập huấn, bồi dưỡng về lĩnh vực lý luận phê bình như hội thảo toàn quốc Hội Nhạc sỹ Việt Nam - 60 năm đồng hành cùng dân tộc; hội thảo, tọa đàm về âm nhạc dân gian, âm nhạc cổ truyền các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… cùng các chuyên đề Âm nhạc thiếu nhi bồi đắp tâm hồn trẻ thơ; Cây đàn bầu Việt Nam và Trao đổi âm nhạc mới Á - Âu …
Các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ dân tộc, ca sỹ, nhà chỉ huy... đã triển khai nhiều hoạt động biểu diễn, phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình hòa nhạc: Mùa Thu nhớ Bác nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ X (2019), kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam công diễn vở opera Lá đỏ về đề tài Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ cứu nước; phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phục dựng và công diễn vở opera Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận...
Suốt nhiệm kỳ khóa IX, Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu là hoạt động đối ngoại tiêu biểu với số lượng nghệ sỹ và số quốc gia tăng từ 22 - 40 quốc gia, số nhạc sỹ, nghệ sỹ quốc tế tăng từ 200 – 300 người, trong đó có những quốc gia có nền âm nhạc phát triển như Nga, Mỹ, Uzbekistan, Anh, Áo, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha...
Qua 3 kỳ Festival (2014, 2016 và 2018), Việt Nam được ghi nhận là địa điểm tổ chức thành công sự kiện âm nhạc quốc tế quan trọng. Hiện nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam là thành viên của các tổ chức âm nhạc uy tín trên thế giới như Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL); Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế (ISCM) và có quan hệ với các tổ chức âm nhạc quốc tế khác.
Phương Lan/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất