14/10/2014 12:54 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Vẫn có những sai sót xảy ra ở khâu tổ chức phòng ngự, có cả những cơ hội ăn bàn bị bỏ lỡ, nhưng bóng đá là thế và điều quan trọng nhất, chúng ta buộc đối thủ phải tôn trọng, sau trận hoà 1-1 trước U19 Trung Quốc, đội bóng được đánh giá cao hơn (về lý thuyết).
Phải, được đánh giá cao hơn U19 Việt Nam, nhưng trong hơn 90 phút ở Yangon, U19 Trung Quốc đã không cho thấy điều đó.
Di chuyển, lấy không gian và kết thúc
Những người có chút am tường về bóng đá, hoặc làm công tác huấn luyện, đều biết “move, space & finish” (tạm dịch: Di chuyển, làm chủ không gian và kết thúc thành bàn) là triết lý bóng đá “tiki – taka” của Barcelona thời Josep “Pep” Guardiola. Nghe thì đơn giản, nhưng để theo đuổi triết lý này thì cần phải có con người. Ít nhất một vài thời điểm 2 trận đấu gần nhất với U19 Nhật Bản (thua 1-3) và U19 Trung Quốc, thầy trò ông Gaulluime Graechen đã thực hiện được điều này.
Bàn thắng mở tỷ số vào lưới U19 Trung Quốc của Hoàng Thanh Tùng là một trong những đảm bảo cho nhận định đó. Pha phối hợp tam giác, với “kiến trúc sư” là Văn Long, trạm trung chuyển Văn Toàn và người kết thúc là Thanh Tùng rất cơ bản và xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa. Nhiều người đã rất tiếc nuối khi Công Phượng bỏ qua một tình huống ăn bàn mười mươi vào những phút cuối trận (nếu đấy là bàn thắng thì có thể sẽ đóng đinh luôn trận đấu), nhưng bóng đá là thế!
Những cải thiện về mặt thể lực, tâm lý, lẫn chiến thuật của U19 Việt Nam ở trận đấu này là rất đáng ghi nhận. Chúng ta không hoàn toàn áp đảo về thời lượng kiểm soát bóng (đặc biệt là trong hiệp 2), nhưng học trò ông Graechen làm chủ không gian chơi bóng. Đẩy nhanh tốc độ trong hiệp 1, có bàn thắng và chủ động chơi chậm lại khi cần, đấy là sự trưởng thành, của cả ông Graechen lẫn U19 Việt Nam. Bàn thua về cuối trận thuộc về phạm trù khác: Giới hạn nền bóng đá.
Một trận cầu đáng xem và một giải đấu bổ ích. Sự thay đổi trong lối chơi của U19 Việt Nam dưới thời HLV Graechen là không mới, nhưng quan trọng là học trò của ông thầy người Pháp ít nhiều đã đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Thêm kinh nghiệm, sự gọt giũa và đặc biệt, môi trường phấn đấu lý tưởng cho người trẻ U19 Việt Nam, họ sẽ còn tiến bộ.
Vẫn buộc đối thủ phải tôn trọng
Thực tế trước trận đấu này, U19 Trung Quốc đã giành phần chủ động, khi chỉ cần hoà U19 Việt Nam (thậm chí có thể thua nếu U19 Nhật Bản cũng thua) là có suất vào chơi tứ kết. Đó là lý do họ thậm chí đã không có biểu hiện vội vã, sau bàn thua. Nhưng…
Nếu chịu khó quan sát, U19 Trung Quốc đã có những tiểu xảo ngay trước giờ bóng lăn. Ống kính truyền hình đã “zoom” rất nhanh một thành viên BHL U19 Trung Quốc đi phát từng chiếc áo “bib” cho từng người trong cabin BHL để tránh nhầm lẫn (màu sắc) với cầu thủ và trọng tài trên sân, dù về nguyên tắc, sau khi công bố màu áo đấu (trước trận), BTC cũng đã quy định luôn trang phục của BHL và cầu thủ dự bị. Rồi hình ảnh một cầu thủ U19 Trung Quốc… cắt móng tay trên sân.
Cũng dễ nhận thấy những biểu hiện cố tình lùi thời gian thi đấu của U19 Trung Quốc, ít nhất là so với trận đấu cùng giờ với họ (U19 Hàn Quốc gặp U19 Nhật Bản), bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến các suất chơi tứ kết. Và thực tế là trận đấu giữa U19 Hàn Quốc và U19 Nhật Bản đã kết thúc (chiến thắng 2-1 cho đội bóng xứ sở hoa anh đào) từ trước khi trọng tài thứ 4 của trận đấu U19 Việt Nam – U19 Trung Quốc, đưa bảng báo bù giờ 4 phút. 4 phút đấu bù với U19 Trung Quốc dài hơn nửa thế kỷ!
Không rõ U19 Trung Quốc không chủ chiến hay không thể chủ chiến, nhưng thái độ từ cabin BHL của đội bóng này cho thấy họ đã biết tôn trọng chúng ta. Nó phải bắt đầu từ trận đấu cực hay của U19 Việt Nam với U19 Nhật Bản (dù chúng ta đã thua với tỷ số 1-3), cộng với thực tế trên sân, U19 Trung Quốc đã không thể xuyên thủng mành lưới Phí Minh Long cho đến phút thứ 87 của trận đấu. Bóng đá Việt Nam ngẩng cao đầu rời cuộc chơi và đã có thể mơ mộng!
Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất