31/12/2020 07:56 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Ngày 25/12 vừa qua cũng là thời điểm kỉ niệm 150 năm ngày sinh nhà tiên phong kinh doanh sắc đẹp Helena Rubinstein. Trong cuộc đời đầy phiêu lưu của mình, bà đã vươn tới đỉnh cao nghề chăm sóc sắc đẹp từ hai bàn tay trắng và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người phụ nữ mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới.
Bằng cách hợp nhất giữa khoa học và làm đẹp, Rubinstein đã cách mạng hóa ngành mỹ phẩm và tạo dựng nên “đế chế” của mình.
Trở thành “Nữ hoàng” mỹ phẩm
Sinh ngày 25/12/1872 tại Krakow, thuộc Ba Lan ngày nay, Helena Rubinstein là con cả trong gia đình có 8 cô con gái. Cha bà là một đại lý dầu hỏa người Do Thái. Cha mẹ gọi bà là Chaja nhưng khi lớn lên bà đã đặt cho mình cái tên khác.
Từ chối cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt ở quê nhà, Rubinstein rời khỏi Krakow, lên một con tàu đến Australia để sống với người chú. Trong danh sách hành khách của con tàu, người phụ nữ trẻ quyết định sử dụng tên Helena - một ám chỉ đến nàng Helen xinh đẹp của thành Troy. Bà còn viết tuổi của mình trẻ hơn 4 tuổi so với thực tế. Trong hành lý, Rubinstein mang theo một loại kem mà bà cùng các em gái và mẹ mình đã sử dụng ở nhà.
Tới Australia với hy vọng “đổi đời”, Rubinstein làm việc tại một cửa hàng ở Coleraine. Những nữ nông dân ở đây, vốn có làn da nhăn nheo dưới ánh nắng mặt trời ở Australia, cực kỳ ngưỡng mộ làn da trắng sứ của Rubinstein. Và bà bắt đầu tư vấn cho họ về thói quen chăm sóc da, đưa cho họ “vũ khí bí mật” của mình: Một loại kem làm đẹp mà một dược sĩ Kazimierz đã tặng cho mẹ bà.
Năm 1900, Rubinstein chuyển đến Toowoomba để nghiên cứu về thực vật học và khoa học, tự dạy mình cách tái tạo da - “vị cứu tinh” quý giá cho sắc đẹp. Rubinstein bán những lọ kem của mình trên đường phố, tiếp thị hỗn hợp các loại thảo mộc độc đáo trong một loại dầu dưỡng mà bà gọi là “Valaze”.
Sản phẩm của Rubinstein ngay lập tức bán “đắt như tôm tươi”. Rubinstein bắt đầu sản xuất nhiều hơn, rời khỏi nhà của người chú và nhanh chóng có thể mở cửa hàng nhỏ đầu tiên của mình ở Melbourne với số tiền kiếm được.
Thời điểm đã đến với Rubinstein vào năm 1903 - một năm sau khi phụ nữ Australia giành được quyền bầu cử. Người phụ nữ ở xứ sở chuột túi lúc đó bắt đầu được trả lương cao hơn và ngoài những khoản chi cần thiết cho gia đình họ đã có tiền để mua những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Nhờ vậy, chỉ trong vòng vài tháng, Rubinstein, người phụ nữ trẻ tuổi và đầy tham vọng, đã tạo nên cơ đồ của mình.
Mở rộng “đế chế”, tạo dựng sưu tập nghệ thuật “đáng gờm”
Trở lại châu Âu vào năm 1905, nhưng 2 năm sau Rubinstein quay lại Australia và gặp Edward Titus - nhà báo người Mỹ cũng có gốc Ba Lan. Hai người kết hôn năm 1908 tại London (Anh) và có 2 con trai. Năm 1908, Rubinstein khai trương tiệm thẩm mỹ thứ 2 ở Wellington, New Zealand và tiệm thứ 3 cùng năm đó ở London.
Năm 1912, các loại kem của Helena Rubinstein đã “thống trị” Paris và có một thẩm mỹ viện lớn ở kinh đô hoa lệ này. Năm 1914, trong Thế chiến I, gia đình bà rời châu Âu đến Mỹ. Tại New York, Rubinstein đã mở rộng “đế chế” của mình khi khai trương thêm một thẩm mỹ viện ở thành phố này.
Đến lúc đó, thành công của Rubinstein không còn là điều bàn cãi. Sau khi phát triển dòng mỹ phẩm đầu tiên của mình, Rubinstein sở hữu một chuỗi các nhà máy mỹ phẩm, phòng thí nghiệm và thẩm mỹ viện trên toàn thế giới. Các nhà máy sản xuất sản phẩm khác của bà đã được mở ở Anh, Pháp, Đức và các nước khác. Kể từ đó, các sản phẩm của bà mang tên Helena Rubinstein và tiếp tục như vậy cho đến ngày nay.
Là một nữ doanh nhân khôn ngoan, bà đã bán công ty của mình cho Lehman Brothers vào năm 1928 với giá 7,3 triệu USD nhưng khi thị trường chứng khoán sụp đổ đã mua lại nó với giá chỉ 1,5 triệu USD. Qua “phi vụ” này bà càng củng cố vị trí là một trong những phụ nữ giàu có và nổi tiếng nhất trên thế giới.
Trong thời gian này, Rubinstein còn bắt đầu tạo dựng bộ sưu tập nghệ thuật đáng gờm. Bản thân Rubinstein là người rất ý thức được vị trí xã hội của mình và đi lên nhờ các mối quan hệ. Chính vì lẽ đó mà trong nhiều năm, Rubinstein tạo dựng được các mối quan hệ thân thiết với những nghệ sĩ vĩ đại. Họ là những nhà văn và nhà tư tưởng sáng giá nhất của Paris thời điểm đó như Ernest Hemingway và William Faulkner cùng các nghệ sĩ Man Ray và Marc Chagall. Raoul Dufy và Salvador Dali đã vẽ chân dung của nữ doanh nhân cực kỳ thành đạt này.
Chỉ có điều không hiểu sao Pablo Picasso kiên quyết từ chối vẽ chân dung Rubinstein mặc dù bà đã vài lần yêu cầu ông. Rubinstein đến thăm studio của danh họa Tây Ban Nha nhằm cố gắng thay đổi ý định của ông nhưng vô ích.
Năm 1937, Rubinstein ly hôn và 1 năm sau đó bà kết hôn với hoàng tử Gruzia Artchil Gourielli-Tchkonia, kém bà tới 23 tuổi.
Rubinstein có thể không xinh đẹp lộng lẫy như những người mẫu chăm sóc da của mình, bà chỉ cao 1m47, nhưng bà chắc chắn biết cách thể hiện mình trong thời trang ấn tượng. Với làn da trắng ngần của mình, trông bà càng nổi bật hơn với đôi môi luôn được tô màu đỏ tươi, búi tóc đen thanh lịch ở gáy.
Niềm đam mê vô đối với đồ trang sức
Vào khoảng thời gian này, Rubinstein đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của huyền thoại mỹ phẩm Elizabeth Arden. Năm 1939, Rubinstein trình làng loại mascara không thấm nước đầu tiên, mà bản thân bà không phát minh ra nhưng đã có được bằng sáng chế. Rubinstein cũng là người đầu tiên trong ngành phân loại các loại da khác nhau.
Kiếm tiền giỏi là thế nhưng Rubinstein lại là người cực kỳ tiết kiệm. Tương truyền rằng Rubinstein đến New York với một chiếc túi giấy màu nâu thay vì chiếc ví thanh lịch. Còn có lời đồn là Rubinstein mặc chiếc váy ngủ chỉ có giá 4 USD. Tuy nhiên, Rubinstein lại có niềm đam mê vô đối với đồ trang sức và được cho là đã sắp xếp đồ trang sức của mình theo thứ tự bảng chữ cái. “Tôi thích những thứ đẹp đẽ khác nhau và tôi không ngại sử dụng chúng theo những cách độc đáo” - Rubinstein tuyên bố khi sinh thời.
Kể từ năm 1988, thương hiệu cao cấp của Rubinstein là một phần của tập đoàn L'Oreal. Vào ngày 1/4/1965, Rubinstein qua đời tại một bệnh viện ở New York ở tuổi 94. Cho đến trước khi qua đời không lâu, bà vẫn tự mình quản lý đế chế mỹ phẩm của mình. Vào thời điểm qua đời, công ty của bà đã có 100 chi nhánh tại 14 quốc gia và 3 lục địa. Ngoài công ty, Rubinstein còn để lại một bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Tel Aviv.
Cuối đời, bà là một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới với tài sản ước tính hơn 100 triệu USD.
Ngày nay, di sản của bà không chỉ là danh tiếng. Ngành công nghiệp mỹ phẩm vẫn “ăn theo” những ý tưởng đổi mới của Rubinstein, không chỉ ở khả năng kết hợp khoa học và làm đẹp mà còn nhờ các kỹ thuật tiếp thị và thương mại hóa khôn ngoan.
Một trong những câu nói nổi tiếng của Rubinstein là: “Không có phụ nữ xấu, chỉ có những người lười biếng”. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất