29/03/2023 08:24 GMT+7 | Giải trí
Thay đổi để bứt phá, thay đổi đề phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và thay đổi để mang đến sự hấp dẫn, thú vị hơn trong mùa giải mới. Cống hiến 2023 đang bước vào giai đoạn nước rút, để bước vào đêm trao giải 30/3 tại Nhà hát TP.HCM.
Nhà báo Hà Sơn (báo Vietnamnet), người từng 2 lần giành giải "Mắt xanh Cống hiến" khi đoán trúng tất cả các hạng mục đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến những năm trước và nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long (thành viên Hội đồng cố vấn Cống hiến 2023) đã có chung nhận định trước lễ trao giải: "Đây thực sự là một Cống hiến đầy thách thức, khó đoán, nhưng vô cùng hấp dẫn".
* Thưa nhà báo Hà Sơn, là người đồng hành với Cống hiến từ những mùa đầu tiên, chị có suy nghĩ gì trước những thay đổi của mùa giải năm nay?
- Nhà báo Hà Sơn: Có ý kiến cho rằng, thay đổi lớn nhất của của Cống hiến 2023, bên cạnh việc có thêm mảng thể thao, thì đó chính là sự tham gia của khán giả ở một số hạng mục. Sự tham gia này, ở khía cạnh nào đó khiến các nhà báo mất đi thế độc tôn, quyền quyết định tuyệt đối.
Chính điều này khiến chúng tôi, những người làm báo sẽ phải xem nhiều hơn, kỹ lưỡng hơn. Bởi khi đó, thông qua kết quả, chúng ta còn có thể nhìn lại và đánh giá được cảm nhận chung của số đông, liệu có đồng điệu với đánh giá của các nhà báo hay chưa.
Với những thay đổi này, cá nhân tôi vừa thấy mừng lại vừa lo.
Ở một khía cạnh nào đó, BTC đã có một sự liều lĩnh, dù việc đưa khán giả vào bình chọn không phải là quá mới, nhiều giải thưởng cũng đã làm rồi. Nhưng riêng với Cống hiến, vì lâu nay đã luôn được xem là giải thưởng của những nhà báo, nên sự thay đổi này thực sự là đột phá.
Và như tôi đã nói, những quy định mới sẽ khiến chúng tôi, những nhà báo phải tự khắt khe hơn nữa trong việc đánh giá. Việc chấm chọn cũng khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi chấp nhận cuộc chơi mà BTC đưa ra, nên từ mùa giải năm nay, những thay đổi này đã cho thấy sự linh động, thú vị của một giải thưởng đã trải qua gần 2 thập niên.
* Còn quan điểm của anh như thế nào, thưa nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long?
- Thông qua giải thưởng này, chính những người làm nghề như chúng tôi cũng biết được thêm những gương mặt nhà báo theo dõi sát sao đời sống nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng…
Với mỗi mùa giải, những đề cử được lựa chọn, những hạng mục được vinh danh đều thể hiện sự gắn kết, giúp những người hoạt động âm nhạc như chúng tôi thấy được mình qua lăng kính của những nhà báo. Đó cũng là sự đồng hành để mọi người cùng hoạt động tốt hơn trong mỗi cống hiến của mình.
* Vậy nhìn vào bảng đề cử chính thức của giải thưởng năm nay, anh chị nhận thấy đời sống âm nhạc đại chúng Việt Nam đã được thể hiện như thế nào?
- Nhà báo Hà Sơn: Tôi thấy nó rất đa dạng! Mỗi nghệ sĩ thể hiện cống hiến của mình thông qua các sản phẩm âm nhạc, các MV, album, live show… Những cái tên xuất hiện trong bảng đề cử cũng cho thấy sự đa dạng ở nhiều thế hệ.
Ở đó, có những gương mặt trẻ như Đinh Mạnh Ninh, Phùng Khánh Linh, Tăng Duy Tân, Mono…, nhưng cũng có những cái tên của các nghệ sĩ lớp đàn anh đàn chị như Huy Tuấn, Mỹ Tâm, Tùng Dương… Điều này cho thấy một tín hiệu rất đáng mừng, bởi tưởng rằng chỉ những nghệ sĩ trẻ mới soán ngôi, mới cho ra đời nhiều sản phẩm mới, nhưng ở các nghệ sĩ đã được ghi nhận, họ vẫn không ngừng sáng tạo, không ngừng khẳng định mình, không ngừng làm mới mình.
Tất cả những điều này tạo nên một bức tranh giúp chúng ta nhìn về thị trường âm nhạc 2022 có nhiều những sản phẩm chất lượng, nhiều món ăn tinh thần cho người nghe hơn. Tôi cảm nhận rõ, sau hai năm thiếu thốn về mặt tinh thần bởi đại dịch, chúng ta lại được thưởng thức những sản phẩm rất tốt, đã và đang được ghi nhận bởi cả khán giả và giới chuyên môn.
- Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long: Tôi cũng đồng ý rằng, bức tranh âm nhạc 2022 rất đa dạng. Có những chuyển biến lớn, các nghệ sĩ đã dịch chuyển theo thời đại, hoàn cảnh…và những sản phẩm chúng ta được tiếp cận chủ yếu trên không gian mạng và hệ sinh thái số. Các nghệ sĩ đã nắm bắt lợi thế này một cách nhanh chóng. Thêm vào đó là những thay đổi lớn về tư duy âm nhạc cũng như cách thức làm âm nhạc.
Sự phong phú trong bảng đề cử, nhìn từ những cái tên, cả rất mới, lẫn những gương mặt quen thuộc, tất cả cho thấy sự đa sắc thái trong thị trường âm nhạc, cũng như các dòng nhạc mà các nghệ sĩ đang theo đuổi.
Ở một khía cạnh khác, với việc dành cho khán giả 50% quyết định ở một số hạng mục để có được bảng đề cử chính thức cũng như kết quả cuối cùng, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy thị hiếu của khán giả đại chúng trong đời sống âm nhạc hôm nay!
* Quả thực, trong xu thế mới, thị hiếu khán giả chính là một yếu tố quan trọng mà mỗi nghệ sĩ luôn phải cân nhắc khi cho ra đời những sản phẩm mới… Nhưng thị hiếu đôi khi chưa chắc đã đi cùng với nghệ thuật. Vậy, ở Cống hiến 2023, nhìn từ bảng đề cử thuộc lĩnh vực âm nhạc, anh chị thấy sự cân bằng giữa thị hiếu và nghệ thuật được thể hiện như thế nào?
- Nhà báo Hà Sơn: Tôi nghĩ mọi sự chính xác về nghệ thuật luôn rất khó! Chúng ta không thể nói rằng, một bài hát là nghệ thuật, nhưng lại ít người nghe, thì bài đó không đến được với công chúng.
Năm nay, trong bản đề cử Bài hát của năm có Bên trên tầng lầu của nhạc sĩ Tăng Duy Tân. Bài đó là nghệ thuật hay là thị trường? Đến bây giờ cũng làm gì có câu trả lời! Rõ ràng, chúng ta không thể bỏ qua những gì gọi là "trend", những gì là thị hiếu.
Nếu bây giờ giải Cống hiến chỉ toàn những tác phẩm quá nghệ thuật thì tôi nghĩ, đó không hẳn là cống hiến. Cống hiến bao gồm nhiều khía cạnh, đó là cống hiến cho nghệ thuật, cống hiến cho khán giả… Quan trọng hơn cả là khi nhìn vào bảng đề cử chúng ta nhận thấy: Nghệ sĩ này có mới không? Có sáng tạo không? Tôi nghĩ, cái yếu tố nghệ thuật và khán giả ở bảng đề cử năm nay là hợp lý.
Chính việc sàng lọc qua rất nhiều khâu đã mang đến sự hài hòa trong các đề cử. Bức tranh đời sống âm nhạc trong năm qua cũng bởi thế mà đa màu sắc và mang đến nhiều sự thú vị hơn.
* Trong những năm qua, có nhiều giải thưởng liên quan đến âm nhạc, Cống hiến có thêm những thay đổi với kỳ vọng sẽ có những đóng góp tích cực và phù hợp hơn với đời sống âm nhạc. Anh chị nhận thấy với những mục tiêu đó, Cống hiến đã, đang và sẽ có những đóng góp như thế nào?
- Nhà báo Hà Sơn: Tôi nghĩ rằng, lúc nào chúng ta cũng bắt các nghệ sĩ phải sáng tạo, nghệ sĩ phải mới, phải không ngừng thay đổi, vậy thì tại sao chúng ta cứ mong sự an toàn của giải thưởng này?! Và thay đổi của Cống hiến, theo tôi là một quyết định đáng ghi nhận. Hãy thử một lần! Nếu sự thay đổi của năm nay mang đến cho chúng ta những kết quả tốt, thì đó chẳng phải là một thay đổi đáng giá ư? Ngược lại, nếu như còn những vấn để chưa tốt, chúng ta lại tiếp tục thay đổi trong những năm tiếp theo, hoặc cũng có thể trở về như điểm xuất phát - giao quyền cho nhà báo.
Dù sao, tôi vẫn thích sự thay đổi. Cuộc sống vốn là thay đổi. Và đời sống âm nhạc cũng thế! Nếu chúng ta cứ chọn giải pháp an toàn thì đó đã chính là lối mòn rồi, lúc đó đừng kỳ vọng rằng nghệ sĩ phải thế này thế kia… Sự đóng góp của Cống hiến, tôi nghĩ cũng nằm ở chính những lần dám thay đổi ấy!
- Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long: Trong đời sống giải trí nói chung, âm nhạc luôn được quan tâm nhất, không riêng gì Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy. Những giải thưởng, những bảng xếp hạng rất quan trọng, mỗi giải thưởng lại có tiêu chí riêng. Giải Cống hiến, trong những năm qua đã được định hình, ở mùa giải này, Cống hiến có những thay đổi cho thấy kỳ vọng của BTC với những đổi mới, phù hợp đời sống hôm nay. Bình chọn, tương tác, và mang tới nhiều thú vị.
Tôi cho rằng, với một giải thưởng đã được định danh rồi, hãy phát triển để nó trở thành truyền thống, làm sao để hành trình dù là 20 hoặc 30 năm, nó vẫn là giải thưởng được giới âm nhạc quan tâm, các nhà báo ghi nhận.
Nhìn vào đời sống âm nhạc hiện nay, tính nghệ thuật theo chuẩn cũ đã có nhiều thay đổi. Khi mà mọi thứ đều gấp gáp, âm nhạc cũng đi theo một vòng xoáy dường như gấp gáp hơn, từ tiết tấu đến ca từ, âm nhạc mang trend, tính giải trí được đề cao. Nhưng gương mặt trẻ đã có sự đóng góp hơi thở mới, làn gió mới… Nhưng tôi vẫn cho rằng, Cống hiến với bề dày đã được tạo dựng, đã và nên là một giải thưởng giữ sự cân bằng, chừng mực, để nghệ thuật thực sự được vinh danh đúng chỗ!
* Đến thời điểm này, anh chị dự đoán thế nào về những chủ nhân mới của Cống hiến ở lĩnh vực âm nhạc?
- Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long: Với bất kỳ giải thưởng nào, khi có sự tham gia bình chọn của công chúng, sẽ rất khó đưa ra dự đoán. Nhưng với ý kiến chủ quan, tôi nghĩ Bài hát của năm có thể sẽ thuộc về Bên trên tầng lầu của Tăng Duy Tân, Nghệ sĩ mới của năm có thể là Mono… Những gương mặt trong đề cử đều rất khó để lựa chọn.
- Nhà báo Hà Sơn: Khi chấm Cống hiến, tại sao có những năm tôi chấm rất đúng, nói thực, bằng trực giác của mình, tôi đoán được các nhà báo sẽ chọn đề cử nào! Nhưng quả thực năm nay, ở những hạng mục có sự tham gia của khán giả, với quyền quyết định 50/50, tôi thấy tương đối khó đoán.
Tôi nghĩ Tăng Duy Tân sẽ được giải, Mỹ Tâm cũng sẽ được giải. Và nếu được chọn một tác phẩm xứng đáng, tôi sẽ chọn Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh, dù theo dự đoán của tôi, có thể sẽ không được giải, nhưng tôi rất thích tác phẩm này!
* Cảm ơn anh chị về những chia sẻ này!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất