Bóng đá Việt Nam đứng ở đâu tại châu Á?

26/03/2015 18:25 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Ngày mai 27/3, đội tuyển U23 Việt Nam chính thức bước vào vòng loại giải U23 châu Á 2016 đồng thời là vòng loại Olympic Rio 2016, sân chơi mà chúng ta có những ước mơ song cũng không đặt quá nhiều hy vọng, bởi ý thức được vị trí của bóng đá Việt Nam trên bản đồ bóng đá châu lục hiện tại.

Bóng đá Việt Nam bắt đầu góp mặt tại vòng loại Olympic khu vực châu Á từ Olympic Syney 2000, nhưng trải qua 4 kỳ Olympic liên tiếp (2000, 2004, 2008 và 2012), thành tích tốt nhất của chúng ta chỉ là một suất tham dự vòng loại thứ 3 của đội tuyển Olympic Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh năm 2008.

Nghịch lý hay không nghịch lý

Tương tự như thế, ở sân chơi Asian Cup, lần duy nhất mà chúng ta có mặt ở một VCK là kỳ giải vào năm 2007, khi VCK Asian Cup được tổ chức tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia (Việt Nam là quốc gia đồng chủ nhà duy nhất lọt vào vòng tứ kết và thua 0-2 trước Iraq, đội bóng sau đó đã đoạt chức vô địch), còn ở các kỳ giải sau đó, đội tuyển Việt Nam chưa một lần vượt qua vòng loại.

Có nghịch lý nào giữa việc một nền bóng đá từng có ĐTQG lọt vào tứ kết Asian Cup, vòng 1/8 Asian Games và vòng loại thứ ba Olympic song lại chưa một lần giành vé chính thức vượt qua vòng loại ở các sự kiện lớn của bóng đá châu lục?



Thế hệ Văn Quyến từng gây ấn tượng với chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc

Câu trả lời là không có nghịch lý nào cả, bởi suốt hơn 20 năm qua, kể từ ngày bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, danh hiệu chính thức duy nhất của chúng ta mới chỉ là chức vô địch AFF Cup năm 2008. Ngay cả ở một nơi được coi là "vùng trũng" của bóng đá thế giới như Đông Nam Á mà bóng đá Việt Nam còn không khẳng định được vị thế số một thì làm sao nghĩ tới khả năng tranh chấp ở sân chơi đỉnh cao của bóng đá châu Á!

Trong những năm 90 của thế kỷ trước và cho tới cả đầu những năm 2000 của thế kỷ này, bóng đá Thái Lan gần như là quyền lực tuyệt đối của khu vực Đông Nam Á với những chiếc HCV SEA Games bóng đá nam liên tiếp (khi ấy SEA Games còn là sân chơi của các ĐTQG), và Thái Lan cũng là ĐTQG ở Đông Nam Á có nhiều lần vượt qua vòng loại Asian Cup trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây (3 kỳ giải năm 1996, 2000 và 2004), song kể cả ở thời kỳ đỉnh cao thì bóng đá Thái Lan cũng chưa một lần lọt vào tứ kết Asian Cup, cho dù có lần họ đã vào tới bán kết ở kỳ Asian Games được tổ chức trên sân nhà vào năm 1998.

Sau khi đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2008, không ít người tưởng rằng bóng đá Việt Nam đã chinh phục thành công đấu trường khu vực và giờ là lúc chúng ta mở rộng tham vọng ra quy mô châu lục, nhưng ngay ở thời điểm đấy, HLV Henrique Calisto, tổng công trình sư cho chức vô địch AFF Cup 2008, đã khẳng định rằng bóng đá Việt Nam phải xây dựng 1 thế hệ mới nếu muốn bước ra châu lục.

Phát biểu của một nhà cầm quân đã gắn bó lâu năm với bóng đá Việt Nam như HLV Calisto rõ ràng là không thể xem nhẹ, vì chỉ sau đấy chưa đầy một tháng, cũng với đội tuyển Việt Nam vừa chơi cực hay ở AFF Cup 2008, chúng ta đã thất bại ở vòng loại Asian Cup 2011 và chuỗi trận thất vọng ấy kéo dài tới SEA Games năm 2009 rồi AFF Cup 2010, và kết thúc là cuộc chia tay không hẹn trước của HLV Calisto.

Không ai ngạc nhiên vì điều này, bởi như người ta vẫn nói, giải VĐQG chính là sức khỏe của ĐTQG, và chừng nào các CLB mạnh nhất Việt Nam còn phải chịu đựng thân phận “kẻ lót đường” tại sân chơi đỉnh cao ở cấp CLB của bóng đá châu Á như AFC Champions League thì chừng ấy bóng đá Việt Nam còn phải nhìn về đấu trường châu lục bằng ánh mắt của sự khao khát.

Nhờ có sự xuất hiện của V-League, bóng đá Việt Nam từ chỗ tuyệt đối không có cơ hội khi chạm trán với đối thủ đến từ những nền bóng đá phát triển hơn của châu lục như Đông Á hay Tây Á đã đạt tới trình độ có thắng có thua, hoặc nếu thua thì cũng không phải tan nát như những năm 90, song như thế vẫn là chưa đủ, và vẫn còn rất lâu nữa để bóng đá Việt Nam mới có thể bước ra sân khấu ở châu Á với tư cách là một kẻ thách thức thực sự bởi khoảng cách quá lớn về trình độ.

Khi giấc mơ suýt thành hiện thực

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa chúng ta không có hy vọng, bởi lịch sử bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua đã cho thấy có 2 lần bóng đá Việt Nam suýt chạm tới đẳng cấp của nhóm đầu châu lục, và cả 2 lần vượt "vũ môn" bất thành này đều gắn liền với một thế hệ cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam.



Liệu Công Phượng và đồng đội có giúp U23 Việt Nam giành quyền vào chơi VCK U23 châu Á 2016?

Ngày 19/10/2003 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi Phạm Văn Quyến ghi bàn thắng duy nhất để giúp đội tuyển Việt Nam đánh bại đội tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-0 tại lượt về vòng loại Asian Cup 2004.

Đấy là thời kỳ mà bóng đá Việt Nam nở rộ tài năng với những ngôi sao thực thụ như Văn Quyến, Minh Phương, Quốc Vượng, Hữu Thắng…, và 4 năm sau, trừ Văn Quyến, Quốc Vượng và 5 cầu thủ khác dính líu tới vụ tiêu cực tại Bacolod (Philippines), chính bộ khung này đã giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cho tới nay lọt vào vòng bán kết của Asian Cup 2007.

Cũng trong năm 2007 này, lứa cầu thủ trẻ hơn thế hệ của Minh Phương, Hữu Thắng mà Công Vinh chính là thủ lĩnh cùng với những cái tên nổi bật như Minh Chuyên, Vũ Phong, Việt Cường… đã đi tới vòng loại thứ ba của Olympic Bắc Kinh, và có thời điểm đã trở thành đối trọng nặng ký nhất của Olympic Nhật Bản trong cuộc đua giành vé tới Bắc Kinh vào mùa hè năm 2008.

Và cũng chính là sự kết hợp của 2 lứa cầu thủ này đã đem tới cho đội tuyển Việt Nam danh hiệu vô địch Đông Nam Á đầu tiên vào năm 2008. Kể ra như vậy để thấy bóng đá Việt Nam có thể chưa đủ lực để trở thành một thế lực ở sân chơi châu lục, nhưng tùy từng thời điểm khác nhau, và tùy vào số lượng cầu thủ ngôi sao mà chúng ta sở hữu qua từng thời kỳ, bóng đá Việt Nam vẫn có thể tạo nên bất ngờ hoặc dấu ấn ở phạm vi bên ngoài khu vực Đông Nam Á.

Sau thế hệ của Văn Quyến, Minh Phương rồi thế hệ của Công Vinh, Vũ Phong, bây giờ tới thế hệ của những Công Phượng, Huy Toàn, Ngọc Hải… và như là một sự trùng hợp, các cầu thủ này cũng được đem thử lửa ở đấu trường châu lục trước khi tranh tài ở giải đấu quan trọng hàng đầu Đông Nam Á là SEA Games.

Lấy sân chơi châu lục để làm nơi rèn quân cho giải đấu có quy mô khu vực có vẻ là chuyện hơi kỳ lạ và trái khoáy nhưng với thực lực hiện tại của bóng đá Việt Nam, có lẽ chúng ta không còn lựa chọn nào khác, bởi rõ ràng như người ta vẫn nói: “Biết đi rồi mới biết chạy”, chừng nào bóng đá Việt Nam xác lập được vị trí số một ở khu vực Đông Nam Á thì lúc ấy chúng ta mới có thể nghĩ tới những mục tiêu xa hơn như Asian Cup, vòng loại Olympic hay vòng loại World Cup.

Chẳng phải nhờ bóng đá Việt Nam liên tiếp có được thành tích ấn tượng ở sân chơi hạng hai của bóng đá châu lục là AFC Cup nên mùa này Việt Nam mới có 2 đại diện góp mặt tại AFC Champions League đấy sao!

Thăm dò ý kiến

Theo bạn đội U23 Việt Nam sẽ đứng hạng mấy tại vòng loại U23 châu Á 2016


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm