(giaidauscholar.com) - Chúng ta có thể sớm bắt kịp Hàn Quốc, quốc gia châu Á đang sở hữu 9 danh hiệu Di sản tư liệu thế giới (DSTL ) do UNESCO xét duyệt - ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam khẳng định.
* Công bằng mà nói, hệ thống DSTL tại VN vẫn chưa được kiểm kê, lập danh sách và đưa vào chương trình bảo vệ trên một quy mô lớn. Ngược lại với nó, hai “ông anh” là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều đã sở hữu một hệ thống danh sách được xếp hạng ở cấp quốc gia (3.000 di sản văn hóa, 33 di sản văn hóa phi vật thể) và bảo vệ theo các quy định từ luật di sản. Nhiều người cho rằng, DSTL thua kém về tiềm năng kích thích phát triển du lịch nên mới có cảnh “con nuôi - con đẻ” như vậy.
- Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn vấn đề ở góc độ khách quan. Năm 1997, UNESCO mới đưa ra khái niệm DSTL thuộc chương trình Ký ức thế giới. Và đến giờ, Ký ức thế giới vẫn chỉ là một chương trình đang củng cố, chứ chưa trở thành một công ước quốc tế hoàn thiện như đối với các trường hợp di sản văn hóa vật thể (1972) và phi vật thể (2003).
Cũng nói thêm, sau khi ra đời, chương trình Ký ức thế giới cũng nhận về rất nhiều tranh cãi và chỉ thật sự phát triển từ những năm 2000. Từ 2006, chúng ta bắt đầu quan tâm tới chương trình này và nhận về danh hiệu đầu tiên vào năm 2009. 4 năm kể từ đó, tuy giành được 4 danh hiệu (bia đá Văn Miếu được vinh danh 2 lần) nhưng do những vấn đề khách quan ấy, chúng ta vừa tổ chức hoạt động, vừa mày mò rút kinh nghiệm và ít nhiều có những bỡ ngỡ hoặc chưa được chú ý đúng mức.
* Việc thành lập Ủy ban Quốc gia về DSTL vào cuối năm 2012 liệu có thay đổi tình trạng này?
- Tôi có thể khẳng định là mọi thứ sẽ đi vào bài bản và chuyên nghiệp hơn trong thời gian ngắn nhất. Do đặc thù, DSTL liên quan tới nhiều ngành, đặc biệt là các cơ quan về di sản văn hóa và lưu trữ. Ủy ban mới thành lập sẽ là đầu mối tập hợp và điều phối các đơn vị liên quan để theo kịp các yêu cầu từ thực tế. Chẳng hạn, ngay trước mắt, ủy ban sẽ xây dựng quy chế, quy trình đề cử DSTL cấp quốc gia. Dự kiến trong năm 2013 này, một danh mục khoảng 10 DTSL cấp quốc gia sẽ được công bố. Tương tự như với các loại hình di sản khác, khi mọi chuyện đã được “luật hóa” bằng các quy định, những DTSL quốc gia này sẽ có các chế tài để bảo tồn, đồng thời có thể được xem xét để tiếp tục gửi hồ sơ xin danh hiệu tới UNESCO nếu đủ tiềm năng.
* Một câu hỏi được rất nhiều người đặt ra: danh hiệu DSTL thế giới mang lại cho chúng ta cái gì, ngoài việc được UNESCO vinh danh? Bởi, loại hình di sản này không dễ thu hút khách du lịch như vịnh Hạ Long hay Hoàng thành, đồng thời cũng khó chủ động biểu diễn phục vụ như trường hợp của ca trù, quan họ...?
- Thực tế, chúng ta hay nhắc đến bài toán kinh tế mà quên đi rằng: việc làm hồ sơ xin danh hiệu thực chất là một hoạt động khoa học, có mục tiêu mang tính hành động chứ không nặng về vinh danh. Bởi, khi có danh hiệu quốc tế từ UNESCO cũng có nghĩa là chúng ta tự xin gánh lấy một trách nhiệm rất nặng: bỏ kinh phí và chất xám để giữ gìn và bảo vệ các di sản đã trở thành sở hữu của toàn nhân loại, chứ không còn riêng của “nhà mình”. Ở góc độ ấy, rõ ràng sau khi được UNESCO công nhận, 3 DSTL của chúng ta đã “đánh động” dư luận về việc cần quan tâm bảo tồn và giữ gìn nguyên trạng.
Còn nếu bắt buộc phải nhắc tới góc độ kinh tế, tôi có thể trả lời: biết làm, chắc chắn thu được lợi ích kinh tế từ các danh hiệu này. Kinh tế ở đây không chỉ là việc trưng bày, bán vé cho khách du lịch vào xem. Xa hơn, UNESCO đã công bố logo mới của chương trình Ký ức thế giới từ 4 năm trước. Nhiều DSTL trên thế giới đã rất biết cách khai thác uy tín từ việc sở hữu logo này để thu hút nguồn đầu tư hoặc tiền tài trợ cho các dự án liên quan. Về lâu dài, thông qua cơ chế ủy thác của UNESCO, các quốc gia quan tâm sẽ hỗ trợ các dự án bảo tồn và phát triển DSTL ở những nước đang sở hữu.