Atletico Madrid sau vụ David Villa: Tiếp tục chính sách “gom đồng nát”

11/07/2013 12:56 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Atletico thu 45 triệu euro nhờ bán Radamel Falcao. Ở đầu vào, đội bóng thành Madrid mùa hè này chỉ chi vỏn vẹn 10 triệu euro cho 3 bản hợp đồng mới.

Vụ mua Falcao dù là một thành công trên sân cỏ, nhưng cũng đã đẩy Atletico vào cảnh nợ nần trong thời gian dài

Chính sách thắt lưng buộc bụng đang được áp dụng để khắc phục sai lầm của thời Atletico vung tay quá trán và chạy đua tranh giành các ngôi sao.

Món nợ Falcao

Bán Falcao cho Monaco với giá 45 triệu euro (có nguồn tin khẳng định con số lên đến 60 triệu) được xem là món hời với đội chủ sân Vicente Calderon. Chân sút người Colombia trở thành cây săn bàn có hiệu suất khủng khiếp nhất trong lịch sử Atletico, với 70 bàn thắng trong 91 trận. Nhưng đó cũng là bản hợp đồng “tai họa” về tài chính cho đội.

Mùa hè 2011, Atletico thiết lập kỷ lục chuyển nhượng khi chi tới 45 triệu euro để mua Falcao từ Porto (mà thực tế là trả tiền cho công ty Quality Sports của Jorge Mendes). Vụ chuyển nhượng ấy đã khiến số nợ của của đội bóng lên đến 216 triệu euro. Lộ trình trả nợ bắt đầu và họ phải thanh toán hết vào năm 2017. Tính đến nay Atletico đã trả được 126 triệu và vẫn còn phải trả thêm 90 triệu trong vòng 4 năm tới.

Trong 2 năm trả hơn 100 triệu euro là nỗ lực đáng ngạc nhiên của Atletico nhưng để làm được điều đó, nửa đỏ thành Madrid đã phải chấp nhận hi sinh: Họ chia tay những ngôi sao lớn nhất và hưởng lương cao nhất (Forlan, Aguero, Falcao) để thay thế bằng những cầu thủ nhận lương bèo hơn. Mùa hè này Atletico đã bổ sung 3 tân binh, giá trị cao nhất là Leo Baptistao, tiền đạo trẻ người Brazil chuyển đến từ Vallecano với giá 7 triệu euro. Gimenez, hậu vệ U-20 Uruguay có giá 1 triệu euro. Mới nhất là Villa, “Los Rojiblancos” chỉ phải tạm thanh toán 2,1 triệu.

Mùa trước, Atletico tuyển mộ 5 cầu thủ thì có đến 3 là miễn phí, gồm Cristian Rodriguez từ Porto; Emre Belozoglu từ Fenerbahce (sau đó bán lại cho đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ với giá 350.000 euro); trung vệ Cisma từ Racing Santander. Hai tân binh còn lại là trung vệ Cata Diaz từ Getafe (1 triệu euro) và hậu vệ Emiliano Insua từ Sporting Lisbon (3 triệu euro). Như vậy 8 bản hợp đồng trong 2 mùa chuyển nhượng gần nhất của Atletico chỉ tiêu tốn 14 triệu euro.

Thảm cảnh La Liga

Bóng đá TBN đang chịu ảnh hưởng từ cơn bão khủng hoảng nợ công. Atletico, Deportivo, Malaga và nhiều CLB khác đang nợ đầm đìa. Chủ tịch Bayern Munich, ông Uli Hoeness từng chỉ trích: “Chúng ta bơm cho TBN hàng trăm triệu euro nhưng các CLB của họ không chịu trả nợ”. Muốn tồn tại và không bị phá sản, các đội bóng buộc phải cắt giảm chi tiêu. Atletico là điển hình, năm ngoái họ tiêu tốn 94 triệu euro để trả lương nhưng năm nay con số ước chừng chỉ khoảng 81 triệu.

Atletico vẫn còn may bởi ít ra họ vẫn còn tiền shopping. Và hơn nữa, Atletico may mắn được dẫn dắt bởi nhà cầm quân trẻ tuổi tài cao Diego Simeone nên thành tích vẫn duy trì bất chấp chính sách thắt lưng buộc bụng. “Los Rojiblancos” vẫn còn đỡ thảm hơn so với 6 đại diện khác của La Liga gồm Sociedad, Vallecano, Getafe, Levante, Valladolid và Almeria, những đội chỉ có bán mà chưa hề có mua kể từ đầu mùa hè.

Real và Barca đứng bên ngoài thảm cảnh ấy. Họ vẫn chi tiêu mạnh mẽ với 98 triệu euro đổ vào phiên chợ hè (chưa tính vụ Illarramendi của Real). Trong khi ấy tổng số tiền 20 CLB Liga chi tiêu chỉ vào khoảng 145 triệu euro. Sức mua của hai gã khổng lồ lớn gấp đôi so với 18 đối thủ còn lại. Ngược lại, số tiền thu được từ bán cầu thủ của các đội dự Liga đã lên đến 170 triệu euro, chênh lệch thu - chi là 25 triệu và đây là mùa hè thứ ba liên tiếp Liga bán nhiều hơn mua (mùa hè 2012, chênh lệch thu - chi lên tới 73 triệu).

Atletico, đội bóng duy nhất còn cạnh tranh được với Barca và Real chi tiêu dè sẻn. Valencia, một kẻ “có máu mặt” khác mua duy nhất một cầu thủ với giá 420 nghìn euro và bán Tino Costa để thu hồi 7 triệu euro. Sevilla đang bán dần các ngôi sao lớn nhất như Negredo, Navas. Hiện tượng Malaga cũng bán sao trả nợ. Villarreal, một thế lực trong 10 năm gần đây mới ngoi lên từ hạng 2. Chưa bao giờ Liga phân hóa khủng khiếp đến thế. Vậy nên đừng ngạc nhiên nếu mùa sau Real hoặc Barca vô địch với trên 100 điểm, đội còn lại về nhì với điểm số trên 90.

Nguyễn Đỉnh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm