Góc Hồng Ngọc: Barcelona và tinh thần xứ Catalonia

25/10/2014 08:02 GMT+7

(giaidauscholar.com)- Trận Siêu kinh điển đặc biệt không chỉ vì đó là trận đấu giữa hai CLB bóng đá lớn nhất thế giới. Nó đặc biệt và duy nhất vì giá trị tinh thần phía sau, như thể còn là trận đấu giữa hai nền văn hóa, hai khuynh hướng chính trị. Chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

* Cà phê thể thao: Xét về doanh thu và thành tích quốc tế, chỉ có Real là CLB lớn nhất thế giới, trong khi Barcelona còn sau khá nhiều CLB khác. Nhưng tại sao họ vẫn được nhắc đến như hai CLB lớn nhất thế giới, phải chăng là vì trận Siêu kinh điển?

- Hồng Ngọc: Tôi không cho rằng người ta dùng khái niệm Siêu kinh điển để tô vẽ cho bất kỳ  ai, dù là Real Madrid hay Barcelona. Van Gaal nổi tiếng hơn nhiều khi đến M.U chứ không phải thời gian ông làm việc ở Barca. Các CLB ở Tây Ban Nha chịu bất lợi lớn về truyền thông, do Tây Ban Nha chỉ là một nước kém phát triển về kinh tế ở châu Âu, và tiếng Tây Ban Nha chỉ phổ biến ở nước này và Nam Mỹ nên họ không nhận được sự tô vẽ nào cả. Chính tầm vóc vĩ đại của họ khiến họ được tôn vinh như hai CLB bóng đá lớn nhất thế giới.

Họ là hai CLB bóng đá nổi tiếng hoạt động theo mô hình hội viên. Những người hâm mộ ruột của họ sở hữu đội bóng, chứ không đơn thuần chỉ là khán giả được chiều chuộng như khách hàng của một doanh nghiệp ở các đội bóng khác. Hội viên thì rất đông và mang hình ảnh nền văn hóa bản địa, nên tính liên tục rất cao, nên Real Madrid hay Barcelona chơi bóng đá với một triết lý xuyên suốt trong lịch sử. Nó khác hẳn với những CLB lớn khác như Liverpool có thể chơi tấn công bão táp ở thập niên 1980, nhưng lại biến thành những kẻ thực dụng và nhàm chán những năm 2000. Hay Bayern, rất thực dụng trong nhiều thập niên qua, nhưng mới đây lại chuyển sang thứ bóng đá cống hiến.


Kinh điển luôn là trận cầu hấp dẫn giới mộ điệu trên toàn thế giới

Các CLB khác có thể được quyết định bởi một ông chủ, một Ban lãnh đạo, một vị chủ tịch, một HLV, trong khi Real và Barca được quyết định bởi một nền văn hóa. Chúng ta cần nhắc lại khẩu hiệu của Barcelona: “Không chỉ là một câu lạc bộ”.

Vì triết lý nhất quán nên họ trau dồi đến đỉnh cao về thể thao. Rất hiếm CLB nào đạt tới đỉnh cao và nhận được sự ngưỡng mộ của toàn thế giới bóng đá như như Real cuối thập niên 1950, thời Del Bosque đầu những năm 2000 và Barca thời Guardiola mới đây.

* Nếu coi đó là trận đấu mang cả bản sắc văn hóa, thì có gì đó tương tự như trận đấu giữa hai đội tuyển quốc gia. Nhưng tại sao những trận đấu giữa đội tuyển Pháp - Anh hay Pháp - Đức không đạt được những tầm vóc tương tự?

- Câu hỏi rất hay. Nhưng có rất nhiều điểm khác biệt giữa một trận đấu thể thao có bản sắc văn hóa giữa hai đội tuyển và hai CLB.

Thứ nhất, tính thường xuyên. Anh, Pháp, Đức rất ít khi gặp nhau ở các giải đấu chính thức, còn Real và Barca mỗi mùa giải gặp nhau ít nhất 2 trận, có năm gặp đến 6 trận. Sự khác biệt, mâu thuẫn được điển hình hóa thành sự đối nghịch và thù địch. Sự đối nghịch, thù địch chưa kịp nguôi đã được hâm nóng trở lại.


Kinh điển không đơn thuần là trận cầu bóng đá

Thứ hai, sự mâu thuẫn và bất bình đẳng. Anh, Pháp, Đức là những quốc gia bình đẳng, nhưng xứ Catalonia thì cho rằng họ không được đối xử như vậy. Sự khác biệt trong bình đẳng sẽ dừng lại ở sự khác biệt với sự tôn trọng lẫn nhau. Catalonia có khuynh hướng ly khai nhưng phải chấp nhận khuôn khổ là một xứ tự trị của Tây Ban Nha. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thời chế độ độc tài Franco, do sự áp chế văn hóa của chính quyền trung ương Tây Ban Nha thời đó với xứ Catalonia. Sự thiên vị cho Real Madrid - đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha - và áp chế thô bạo với Barcelona, biểu tượng của xứ Catalonia diễn ra cả trong thể thao, mà tiêu biểu nhất là việc cướp Di Stefano từ tay Barcelona sang cho Real đã làm thay đổi lịch sử bóng đá thế giới ở cấp CLB.

Thứ ba, sự mâu thuẫn về khuynh hướng chính trị khiến cho mâu thuẫn và thù địch giữa hai CLB được công khai và chính thức hóa.

* Mối quan hệ giữa họ đang đứng trước một khúc quanh nghiêm trọng: Nếu Catalonia ly khai thì có thể dẫn đến việc Barcelona có thể bị loại bỏ khỏi đời sống bóng đá Tây Ban Nha. Không còn trận Siêu kinh điển nữa, đó không chỉ là thiệt thòi của bóng đá thế giới, mà còn là tổn thất của chính Barcelona. Tất cả cầu thủ Barcelona đều biết điều đó, nhưng tại sao vẫn rất nhiều người ủng hộ sự độc lập của Catalonia?

- Về mặt thể thao, nếu Barcelona bị loại khỏi đời sống bóng đá Tây Ban Nha thì rõ ràng là một tai họa cho họ. Nhưng với các CLB khác, thể thao hầu như là tất cả, còn với Barca thì thể thao chỉ là cái bộc lộ ra ngoài của một nền văn hóa, một tinh thần độc lập đang bị kìm nén. Các cầu thủ bản xứ của Barcelona lựa chọn theo sự dẫn dắt của văn hóa, của tinh thần Catalonia chứ không chỉ dừng lại ở lợi ích thể thao thuần túy. Tất nhiên, một CLB như Barca thì lo gì không có chốn dung thân!

* Nếu Catalonia giành độc lập, theo anh kịch bản nào có thể diễn ra với Barcelona?

- Theo tôi, có 3 khả năng chính, nếu Catalonia giành độc lập.

Thứ nhất, Catalonia sẽ tổ chức một giải vô địch quốc gia riêng, và Barca sẽ tham dự vì tinh thần độc lập. Lưu ý rằng Catalonia chỉ có hơn 7 triệu dân, chỉ nhỉnh hơn Scotland, và bằng non nửa Hà Lan. Từ khi ra đời phán quyết Bosman thì sức mạnh của một CLB bị giới hạn bởi sức mạnh của thị trường nội địa, nếu Barcelona tự giam mình trong đó, họ sẽ chỉ như Celtic hay Ajax mà thôi.

Thứ hai, Barcelona vẫn dự Liga, vì lợi ích của cả hai phía. Điều này phụ thuộc vào việc sửa đổi Luật Thể thao của Tây Ban Nha, hiện chỉ cho phép xứ Andorra không thuộc Tây Ban Nha tham dự giải đấu của họ. Dù sao đã có tiền lệ Andorra thì không khó khăn để nó được áp dụng cho Barcelona. Khó khăn nằm ở thái độ của chính quyền Tây Ban Nha với nền độc lập của Catalonia.

Thứ ba, chính quyền Tây Ban Nha không chấp nhận, và Barcelona sẽ gia nhập giải vô địch quốc gia Pháp, do một phần của Công quốc Catalonia trong quá khứ hiện là lãnh thổ Pháp. Dù sao thì văn hóa Pháp không phù hợp để nuôi dưỡng các CLB lớn, nên Barca cũng sẽ suy yếu nếu gia nhập Ligue 1.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm