Ngày mai, Asian Cup 2011 khởi tranh: Câu trả lời của châu Á

06/01/2011 11:45 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Vòng chung kết AFC Asian Cup 2011 sẽ là lần thứ 2 châu Á thiết lập một vòng quay bóng đá của riêng mình, không chỉ trên phương diện thời gian (đổi từ năm chẵn sang năm lẻ). Trong một giai đoạn đánh dấu rất nhiều bước chuyển mình của bóng đá châu Á, với tầm ảnh hưởng lớn hơn trên bình diện Thế giới.

Thế giới đang chấp nhận châu Á

Iraq vô địch Asian Cup 2007, Ảnh Getty

VCK năm nay sẽ là thời điểm quý giá cho Qatar tập dượt công tác tổ chức và đánh giá lại khả năng thành công của họ, trước khi bước vào chiến dịch tổ chức World Cup 2022. Việc quốc gia này thắng cử là một quyết định mạo hiểm của các Ủy viên FIFA. Thậm chí, nhiều người cho rằng Qatar được chấp nhận vì tiềm lực tài chính. Nhưng dù sao, đó cũng là chiến thắng của châu Á.

Vào năm mà giải vô địch bóng đá châu Phi (CAN) không diễn ra, thì vòng chung kết bóng đá châu Á đóng vai trò một kẻ phá bĩnh đối với các CLB châu Âu, trung tâm của bóng đá Thế giới. Park Ji-Sung (Hàn Quốc, đang chơi cho Manchester United), Shinji Kagawa (Nhật Bản, Dortmund), hay Lee Chung-Young (Hàn Quốc, Bolton), Cha Doo-Ri (Hàn Quốc, Celtic) là những ngôi sao mà các CLB chủ quản của họ không hề muốn nhả khi ĐTQG triệu tập cho AFC Asian Cup.

Sự thay đổi về thời gian thi đấu (chuyển sang đá mùa Đông thay vì mùa Hè) để tránh cái nóng ở Qatar cũng là thời điểm để châu Á lên tiếng về vai trò là một nguồn nhân lực bóng đá với chất lượng ngày một được nâng lên. Đó là một sự thay đổi lớn: Người châu Âu đã chấp nhận các cầu thủ châu Á không chỉ vì họ rẻ và thuộc diện “hiền lành” nhất Thế giới (các cầu thủ Nam Mỹ và châu Phi quá phóng túng và hoang dã), mà còn bởi rất nhiều trong số đó có thể đảm đương vai trò một trụ cột ở đội bóng, thậm chí là trụ cột ở CLB hàng đầu như những gì Park đang làm được ở MU.

Một thập kỷ qua, các ĐT hàng đầu châu Á, với 2 lá cờ đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng tạo dựng được tiếng vang nhất định ở World Cup (đáng kể nhất là thành tích lọt vào tốp 4 Thế giới của Hàn Quốc ở World Cup 2002). Ở VCK AFC Asian Cup lần này, có rất nhiều HLV tên tuổi trên Thế giới góp mặt, như Bruno Metsu (từng gây tiếng vang với Senegal ở World Cup 2002) Qatar, Alberto Zaccheroni (từng huấn luyện Inter, Juventus) của Nhật Bản, hay Josef Hickersberger (cựu HLV ĐT Áo) của Bahrain. Tức là châu Á đang được thừa nhận cả về chất lượng (cho hiện tại) và môi trường để phát triển (trong tương lai).

Trình độ bóng đá châu Á đang được thu hẹp?

Khi người châu Á đang dần khẳng định được vị thế và chứng minh khoảng cách giữa họ và Thế giới không phải một khoảng cách quá diệu vợi, thì đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ngay trong lòng bóng đá châu Á, khoảng cách trình độ cũng đã được thu hẹp. VCK 2007, Iraq lần đầu tiên đăng quang, còn Việt Nam gây sốc khi lọt vào vòng tứ kết. Trước đó, bóng đá châu Á luôn bị thống trị bởi một vài cái tên có thể dễ dàng điểm mặt chỉ tên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran…

Nhưng vào thời điểm ấy, bóng đá châu Á luôn bị coi là cái rổ đựng trứng khi bước ra sân chơi World Cup. Một thập kỷ trở lại đánh dấu những biến chuyển lớn, với làn sóng cầu thủ châu Á đổ bộ sang Lục địa già, và tính cạnh tranh của giải đấu đã thêm phần khốc liệt, với sự xuất hiện của Australia năm 2007.

Nhưng tất nhiên, sẽ có rất nhiều băn khoăn rằng liệu tất cả những biến chuyển tích cực ấy có thể được bóng đá châu Á duy trì ổn định? Qatar có thể xem như một cuộc phiêu lưu của FIFA, Iraq cũng có thể xem là một hiện tượng giúp cho giải VĐ châu Á bớt nhàm chán, nhưng chưa phải lúc để xem Qatar là khuôn mẫu về tổ chức, và Iraq trở thành một thế lực lớn của châu Á (Lần gần nhất họ dự World Cup là năm 1986, và không vượt qua được vòng bảng).

 
AFC Asian Cup 2011 liệu có thể đem đến câu trả lời?

Bảng A: Qatar, Kuwait, Trung Quốc và Uzbekistan

Bảng B: Nhật Bản, Jordan, Saudi Arabia, Syria

Bảng C: Australia, Bahrain, Ấn Độ, Hàn Quốc

Bảng D: CHDCND Triều Tiên, Iran, Iraq, UAE

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm