Tiếng Anh thành thạo, tin học văn phòng…

24/10/2010 19:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH cuối tuần) - 1. Ở Đồ Sơn (Hải Phòng), có chiếc biển hiệu gây sốc. Ngôi nhà nghỉ nằm ngay lối dẫn vào khu du lịch số 1 đất Cảng treo biển vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt. Tiếng Anh ở trên “Rest room”, tiếng Việt ở dưới “Nhà nghỉ”!

Một lần dạo quanh thủ đô, bên dòng sông Tô Lịch từng có thời “vừa trong vừa mát/em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, thấy cái cửa hàng bán xe hơi đề “Show room ô tô Japan”.

Cả 2 “công trình” ấy đều “báo cáo” chủ của nó là người rất giàu. Cái nhà nghỉ mặt tiền hơn chục mét, cao ngất ngưởng nhìn lên cao mỏi cổ. Còn cửa hàng bán xe hơi cửa kính chạy dài 20m sáng choang, trong bán cả xe siêu sang Porsche, Bentley…

Một luồng suy nghĩ chợt chạy qua: để có nhiều tiền, nhiều khi mấy thứ người ta hay đòi hỏi trong các quảng cáo việc tìm người “như tiếng Anh thành thạo”, “vi tính văn phòng”, kỹ năng đồ họa “a-đô-bê” (Adobe), chỉ là vớ vẩn hay chăng?
Hay ông chủ “rest room” kia đã phất lên nhờ bán đất hương hỏa của ông bà để lại? Và ông chủ “show room” nọ là tay buôn đất có người nhà làm quy hoạch đô thị thời Hà Nội định kéo nhau lên Ba Vì?


Từ năm 2015, các HLV ở Việt Nam bắt buộc có bằng A mới được hành nghề ở V-League

Hà Nội cũng từng có chuyện băng-rôn chào đón hội nghị hàng đầu khu vực viết “Well come” thay vì Welcome. Phải tới sát ngày khai mạc mới được dân phát hiện. Có thể là anh kẻ biển không có “tiếng Anh thành thạo”, nhưng cái người là chủ đầu tư, giám sát và phê duyệt ở ban ngành nào đó thì nhất định phải có!

Có một thực tế không thể chối bỏ: Biết tận dụng cơ chế, luồn lách cửa trước cửa sau đều là những kỹ năng cần thiết ở thời điểm này. Những tố chất Trời ban ấy được đánh giá cao hơn cả những kiến thức trường lớp.

2. Ông Lê Thụy Hải là một trong số khá nhiều HLV có tên trong đợt đào tạo HLV bằng B (cao nhất là A, thấp nhất là C) ở Khánh Hòa mới kết thúc. Nhưng ông cũng như ông Vương Tiến Dũng, Mai Đức Chung… chưa bao giờ có mặt khi các thầy điểm danh. Họ cũng là những HLV coi việc học tiếng Anh không còn phù hợp với tuổi của mình, huấn luyện dựa trên bề dày kinh nghiệm.

Tại diễn đàn HLV mới tổ chức ở VFF, ông Calisto đăng đàn, chia sẻ hạn chế lớn nhất của HLV Việt Nam là nhiều người không có ngoại ngữ đủ để hành nghề. Không phải là để nói, quát, chửi các cầu thủ ngoại, mà ngăn họ tiếp cận các kiến thức, tài liệu của công tác huấn luyện bóng đá hiện đại.

Vậy nhưng, ông Lê Thụy Hải (64 tuổi) là người từng có 2 chức vô địch với tư cách HLV Bình Dương. Ông Vương Tiến Dũng (61 tuổi) có chức á quân và xếp thứ ba ở Hải Phòng. Ông Mai Đức Chung (59 tuổi) là HLV nội thành công khi dẫn dắt ĐT Olympic VN. Ông Hải năm ngoái là HLV nội hưởng lương 100 triệu. Ông Dũng vừa trở lại Hải Phòng nhận lương 70 triệu. Ông Mai Đức Chung về Bình Dương trước kia còn có tiền lót tay nửa tỷ. Cho tới khi Huỳnh Đức và Phan Thanh Hùng, đại diện cho thế hệ HLV trẻ thành công với chức vô địch tương ứng cùng SHB.ĐN và HN.T&T năm 2009 và 2010, thì xu thế HLV già chiến thắng vẫn thống trị.

Hai tiêu chuẩn “tiếng Anh thành thạo” và “tin học văn phòng” như thế không có nhiều ý nghĩa so với kinh nghiệm, hoặc khả năng đọc mánh khóe của các cầu thủ, biết lấy móng tay nhọn “xử lý” vỏ quýt dày, mà ông Lê Thụy Hải là tiêu biểu.

Vũ Hoàng

* Ghi chú:
- Rest room trong tiếng Anh nếu viết đúng, restroom có nghĩa là nhà vệ sinh, chứ không phải nhà nghỉ.
- Show room viết chuẩn là showroom mới có công năng là chỗ trưng bày các loại sản phẩm hàng hóa.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm