300 năm ngày mất Vua Pháp Louis XIV: Vị quân vương yêu say đắm nghệ thuật

04/09/2015 13:49 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Khi qua đời cách nay 300 năm, Vua Louis XIV (1638 -1715) đã để lại cho Pháp một di sản nghệ thuật khổng lồ, trong đó có Cung điện Versailles danh tiếng. Nhân dịp này, Pháp đang tổ chức những hoạt động kỷ niệm hoành tráng dành cho ông.

Louis XIV nắm quyền tại Pháp từ năm 1643 đến năm 1715. Được biết tới với cái tên Vua Mặt trời, ông đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật, hơn hẳn các vấn đề chính trị.

Người đứng sau nhiều thành tựu kiến trúc ấn tượng

Ông đã để lại nhiều thành tựu kiến trúc thực sự ấn tượng, gồm quần thể tòa nhà Les Invalides, Place Vendome và đại lộ Champs-Elysees. Song công trình nổi tiếng nhất được xây dựng trong triều đại của ông là Cung điện Versailles.

Cung điện thể hiện quyền lực không giới hạn, sự giàu có của Vua Louis XIV, đồng thời cũng cho thấy tình yêu lớn của ông dành cho nghệ thuật.

Louis XIV chọn địa điểm xây dựng Cung điện Versailles vào năm 1666, tại khu vực cách Paris 20km về hướng Tây. Năm 1682, Versailles hoàn tất hoạt động xây dựng, trở thành một cung điện hoàng gia tráng lệ nhất thế giới.

Điều đặc biệt của Cung điện Versailles nằm ở chỗ nó nằm giữa đồng trống, không có thành lũy vây quanh. Qua điều này, Louis XIV muốn chứng tỏ ông là một đấng quân vương quyền lực và nhiều ảnh hưởng, không cần đến tường cao, hào sâu để bảo vệ mình.

Sau khi ra đời, Cung điện Versailles trở thành biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực của một đất nước hùng mạnh bậc nhất châu Âu. Trên toàn cõi châu Âu, những quân vương khác, kể cả người đang giao chiến với vua Pháp, cũng tìm cách xây cung điện theo nguyên mẫu Versailles.

Hiện cung điện Versailles luôn đứng đầu danh sách các điểm du lịch nhất thiết phải đến của khách tham quan nước Pháp. Tuy nhiên, để có được thành tựu kiến trúc và nghệ thuật đồ sộ này, không ít người đã phải đổ xương máu.

Theo tư liệu lịch sử, Louis XIV đã huy động 36.000 công nhân, 6.000 con ngựa để chuyên chở vật liệu xây dựng Cung điện Versailles. Thương vong của công nhân khá cao, do tai nạn nghề nghiệp và sốt rét.

Hỗ trợ tối đa cho văn hóa nghệ thuật

Ngoài các công trình kiến trúc, Louis XIV còn thích bảo trợ các hoạt động nghệ thuật. Bậc thầy ballet kiêm nhà soạn nhạc Jean-Baptiste Lully đã được chọn là “thầy giáo âm nhạc của gia đình hoàng gia”, trong khi nhà thiết kế Andre Le Notre chịu trách nhiệm xây dựng các khu vườn trong Cung điện Versailles, theo đúng yêu cầu của đức vua.

Nhà soạn kịch kiêm diễn viên Moliere cũng là một trong những nghệ sĩ thường xuyên xuất hiện bên đức vua. Vì ở gần Louis XIV, rất nhiều vở kịch nổi tiếng của Moliere sau này có nhân vật chính được mô phỏng dựa trên đức vua.

Một số nhà quan sát đánh giá việc Louis XIV thích bảo trợ một cách hào phóng cho các nghệ sĩ có một động cơ khá thực dụng: ông muốn được thấy mình bất tử trong các bài ca, vở kịch, trong các bức tranh vẽ.

Nhưng dù là vì lý do gì, không thể phủ nhận một điều rằng dưới thời của Vua Louis XIV, văn hóa nghệ thuật nở rộ tại Pháp. Nhằm tôn vinh công lao của đức vua, năm nay Pháp đã chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc trên khắp đất nước, nhất là ở khu vực Paris.

Chính phủ nước này sử dụng tới 30.000 lá vàng để làm mới đài phun nước Latona, một trong số các công trình lịch sử do Vua Louis XIV xây dựng ở Paris, đã luôn thu hút hàng trăm ngàn du khách khắp thế giới.

Nhiều buổi khiêu vũ cũng sẽ được tổ chức, với các nghệ sĩ trình diễn đeo mặt nạ, đội tóc giả và mặc váy phồng, nhảy trên nền nhạc từ thời Louis XIV. Tất cả đều nhằm giúp cho công chúng hiện đại biết về những điều đã từng phổ biến và được yêu thích dưới thời Louis XIV.

Ngoài ra, từ tháng 10, Cung điện Versailles còn tổ chức triển lãm lớn mang tên The King is Dead, trong đó trưng bày nhiều đồ trang sức và kỷ vật hoàng gia Pháp, nhiều bức vẽ, bản in và tài liệu quý hiếm, gồm 16 trang di chúc của vua Louis XIV.

Bản di chúc này đã biến mất trong nhiều thập kỷ và phải đến năm 2009 mới xuất hiện tại một cuộc đấu giá. Hiện nó nằm trong tay của một nhà đầu tư người Pháp. Theo giám tuyển Gerard Sabatier, đây là lần đầu tiên Pháp tổ chức một triển ý nghĩa như vậy dành cho Vua Louis XIV.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm