Nhà văn Lê Anh Hoài: Mơ trong cõi thực

02/11/2014 13:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Trinh nữ Ma-nơ-canh – tập truyện ngắn với lối viết ngẫu hứng đặc trưng của nhà văn Lê Anh Hoài, dày 228 trang, do NXB Trẻ phát hành, vừa ra mắt vào cuối tháng Mười.

Lê Anh Hoài vẫn thế, hồn nhiên vui giữa sự đời tất bật, nối kết giữa chất nghệ sĩ để cho ra đời những tác phẩm thị giác và văn sĩ để sáng tác thơ, truyện dù nghề kiếm tiền chính là làm báo.

Mày mò cày cuốc hay nhàn tản kẻ chơi?

Với cái túi thổ cẩm nặng trĩu không rõ bên trong nhét đồ gì, vận đồ bụi bặm, tóc lúc dài để xoã, khi buộc cao, khi tết lại, hoặc bỗng dưng cắt ngắn trông nhẹ nhõm là lạ, Lê Anh Hoài từa tựa một gã lang thang không nơi trú dựa, nhưng lúc nào cũng bận rộn với một đống việc khó thể gọi tên.

Đôi khi Anh Hoài lặn mất hút vào một góc tối nào đó khó thể liên lạc được, để rồi bỗng nhiên xuất hiện với một tác phẩm. Dù lẳng lặng làm với nhóm bạn ít công khai, nhưng sau đó kiểu gì thì tác phẩm cũng rộn ràng xuất hiện trên báo chí.

Lê Anh Hoài ra sách cũng vậy, mỗi lần gặp rất dễ được nhà văn tặng sách. Lời đề tặng tình cảm, chữ ký đặc trưng với hai con chuồn chuồn nổi bật, nét viết mềm mại đẹp đẽ choán hết cả trang sách. Lê Anh Hoài đủ tỏ ra tự trân trọng những trang viết của mình và người được tặng.

Tính cách đôi khi phóng túng dễ dãi, có lúc nào đó ưa dỗi hờn trẻ con, lúc lại ầm ào nhiệt tình bỗ bã, lúc lại hờ hững mệt mỏi không muốn nhìn ai…, Lê Anh Hoài mang một vẻ thâm trầm khó hiểu kiểu người làm văn, mà cũng đơn giản dễ gần của kẻ làm nghệ thuật thể nghiệm đương đại.

Làm biên tập, chọn lựa truyện ngắn đăng trên Tiền Phong Cuối tuần, rồi lại âm thầm mày mò cày cuốc từng con chữ, nhà văn làm việc tận tuỵ chịu khó mà lại mang vẻ nhàn tản kẻ chơi, Lê Anh Hoài mang trong mình nhiều luồng tính cách, dù quen lâu mà vẫn khó nắm bắt.

Bìa cuốn “Trinh nữ ma – nơ – canh”

Tính cách đa chiều

Tính cách đa chiều của Lê Anh Hoài cũng bộc lộ qua những trang sách. Tận bên trong những con chữ của Lê Anh Hoài là lối nhìn của kẻ ưa chiêm nghiệm con người, sự vật theo lối… tự kỷ. Mỗi nhân vật đều mang căn bệnh âm u, đầy khí độc, có chút gì đó nửa điên khùng nửa tỉnh táo lạnh lùng.

Đi hết câu chuyện mà cái kết lơ lửng đâu đó, hoặc phải chọn lựa giữa ba cái kết, để rồi chẳng vỡ vạc sự thật cuối cùng nằm ở đâu, Lê Anh Hoài đánh đố người đọc bằng kiểu kể hồn nhiên mộc mạc mà chứa đầy ma mị.

Từ đàn đom đóm ánh mắt tọc mạch của bà hàng xóm trong truyện ngắn Bầy mắt, đến việc nghiên cứu kỹ lưỡng họ hàng bốn đời, tiêu chuẩn vòng đo, cho người bám sát chụp ảnh theo dõi, thậm chí thuê trộm đột nhập vào toilet để lấy băng vệ sinh, kiểm tra số trứng rụng hàng tháng… của người con gái mà nhân vật nam chính với tính cách tỉ mỉ thận trọng đến bệnh hoạn, dự tính lấy làm vợ trong Chinh phục.

Nhà văn Lê Anh Hoài

Một phương cách viết ưa thích của nhà văn Lê Anh Hoài là nhân cách hoá những vật vô tri như bồn đi tiểu, ma-nơ-canh, đến cuộc phiêu lưu của bản thảo truyện ngắn. Trong đó, xã hội muôn màu được che giấu kĩ  thế nào cũng bị lôi tuột ra.

Dù muốn nói đến vấn đề gì, người đọc rất khó nắm được những diễn tiến trong hằng hà ngôn từ tuôn chảy từ bộ não dày đặc chữ. Nhà văn Lê Anh Hoài vừa viết vừa nghĩ vừa ngẫm, như thể không có sự chuẩn bị trước. Câu chuyện dẫn dắt vô thức tác giả hơn là sự kiểm soát lý trí.

Không dụng ý làm văn, Lê Anh Hoài mong muốn làm sao có thể diễn đạt được những ý tưởng trùng trùng kẹt cứng trong não. Tạo hình hài cho các khối cảm giác không bao giờ dễ dàng, đôi khi Lê Anh Hoài loay hoay mô tả đôi phần ẩn chứa sự tuyệt vọng.

Đọc văn Lê Anh Hoài vì thế đòi hỏi cần “dụng công” lớn. Chỉ cần chút lễnh loãng thiếu chú tâm, sẽ trượt ra khỏi vỏ ngôn từ mà không thể nào nắm được chất truyện bên trong, vì thế, đọc một đoạn rồi, kiểu gì cũng phải dở ra ngó lại.

Từ khoảng không, các tình tiết hiện ra, rồi lại tan vào trong khoảng không, chỉ còn những ám ảnh thành các khối đen nhày nhụa bám vào não như xúc tu bạch tuộc, kịp hút đi ít tin tưởng lẫn niềm vui cho việc sống ở đời.



Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm