08/03/2022 18:57 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Một thập kỷ đáng ra là thời kỳ vàng để một đội bóng lớn như MU nối tiếp những thành công đã có dưới kỷ nguyên Sir Alex Ferguson. Thật tiếc, đi kèm những bết bát về thành tích là núi nợ lên tới 1,1 tỷ bảng.
Nếu Amazon hay Netflix muốn đi tìm ý tưởng cho một series phim thể thao thật ăn khách cho nền tảng phim trực tuyến của mình, sẽ thật lý tưởng nếu chắp bút cho kịch bản một bộ phim có tựa: MU, một thập kỷ mất mát.
Năm tới sẽ đánh dấu cột mốc tròn 10 năm kể từ chức vô địch Premier League gần nhất của MU trong mùa cầm quân cuối cùng của Sir Alex. Giờ trong tay đội chủ sân Old Trafford có những gì? Chỉ chưa đến 1% khả năng thầy trò Ralf Rangnick sẽ nâng số lần vô địch Premier League lên con số 21, bất luận kết quả trận derby Manchester ra sao. Cơn khát danh hiệu hạng đấu cao nhất nước Anh vì thế sẽ kéo dài đến mùa thứ 10.
MU kỷ nguyên hậu Sir Alex đã đánh mất đi vị thế quen thuộc của người chinh phục Premier League. Những gì đáng tự hào trong gần 10 năm qua chỉ gói gọn trong hai lần đứng thứ nhì ở các mùa 2017-18 dưới thời Jose Mourinho và mùa trước dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, nhưng đều là những mùa MU bị các nhà vô địch bỏ xa với số điểm quá lớn, lần lượt kém Man City 19 điểm mùa 2017-18 và 12 điểm mùa trước. Thêm vào đó, đội chủ sân Old Trafford đã trải qua đủ các vị trí trên bảng xếp hạng từ thứ 3 đến thứ 7, chỉ dấu cho thấy đây không phải hình ảnh một tập thể từng độc chiếm 20 lần vô địch nước Anh.
Những bước giật lùi đáng báo động suốt một thập kỷ qua không chỉ là sai lầm từ khâu tuyển chọn HLV, thứ khiến MU trải qua đến bốn đời HLV chính thức khác nhau, lần lượt là David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho cho đến Ole Gunnar Solskjaer. Đó còn là hệ quả từ những quyết định sai lầm từ Ed Woodward, người đã rời khỏi vị trí phó chủ tịch điều hành cũng như sự thiếu nhiệt huyết của nhà Glazer trong cách điều hành MU.
Mỗi đời HLV lại tốn của MU một núi tiền đầu tư mua sắm, nhưng hiệu quả thu về chẳng tương xứng. David Moyes bắt đầu thảm họa khi chỉ kéo dài thời gian cầm quân đến trận thứ 34 ở Premier League, đối lập hoàn toàn với kỳ vọng dành cho thuyền trưởng hiện thời của West Ham khi ông được trao bản hợp đồng có thời hạn đến 6 năm cùng 69 triệu bảng mua sắm. Người kế nhiệm Van Gaal được hào phóng trao ngân sách lên tới hơn 300 triệu bảng để mua về những gương mặt có tên tuổi, nhưng quá nhiều trong số ấy là các thương vụ thất bại. Angel Di Maria được mang về từ Real Madrid với mức giá 59 triệu bảng, nhưng rồi lại bị đẩy sang PSG theo cách thức khó hiểu. Van Gaal đã giải khát danh hiệu cho MU bằng chức vô địch Cúp FA, nhưng việc chỉ đứng thứ 6 chung cuộc mùa 2015-16, qua đó làm khán giả ở Champions League, là một thiệt hại lớn về tài chính khiến ông phải đánh đổi bằng trát sa thải vào cuối mùa.
Rồi đến Mourinho, người đến MU sau lần thứ hai bị Chelsea sa thải vào cuối năm 2015. Thẳng thắn mà nói, chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã cố gắng đưa đội chủ sân Old Trafford tiệm cận vị thế ngày xưa nhờ chức vô địch Europa League cùng vị trí á quân, nhưng chừng đó không đủ để ông miễn nhiễm khỏi nguy cơ mất việc khi MU bất ổn ở nửa đầu mùa 2018-19. Hơn hai năm cầm quân, chiến lược gia người Bồ Đào Nha buộc ban lãnh đạo MU phải chi hơn 340 triệu bảng mua sắm cầu thủ. Còn Solskjaer? Vị HLV người Na Uy đã được duyệt chi hơn 410 triệu bảng để tái sinh cơ hội chinh phục những danh hiệu hàng đầu như Premier League hay Champions League, nhưng bất thành.
Đó là lý do giải thích cho núi nợ 1,1 tỷ bảng trong một thập kỷ qua. Con số này liệu có dấu hiệu dừng lại? Hoàn toàn không, bởi MU còn phải đi tìm HLV mới cho mùa Hè, khi Ralf Rangnick hoàn thành sứ mệnh của một HLV tạm quyền.
Đức Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất