50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu

27/05/2024 17:30 GMT+7 | Văn hoá

Nhà viết kịch Vương Lan ra đi trong xót thương của người thân, đồng nghiệp khi tóc còn xanh, khi sức viết đang thời khỏe và chín nhất. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những người con trẻ dại ngày nào của ông nay mái tóc đều phai sương, nhưng vẫn day dứt, nhớ thương bố bằng công việc nghệ thuật của mình…

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) giới thiệu bài viết của nhà biên kịch Vương Hương về ông nội của mình.

Các con đều mê "hình ảnh"

Ngày bố mất, người con trai cả Vương Hòa đang chiến đấu ở mặt trận Đồng bằng Sông Cửu Long… "Trước lúc hành quân vào Nam, chúng tôi được nghỉ phép mười ngày, bố đã đưa tôi đến nhà bác Nguyệt Diệu ở phố Lương Văn Can để chụp cho tôi một bức ảnh chân dung, phóng to 18 x 24 cm và cất đi… Sau này, tôi mới biết bố mẹ đã bàn nhau nếu tôi hy sinh thì có ảnh để thờ… Khi miền Nam được giải phóng, từ chiến trường trở về, tôi mới biết bố không còn nữa" - Vương Hòa kể lại.

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 1.

Nhà biên kịch Vương Lan (1929 - 1974)

Gắn bó với ngành bưu chính viễn thông hơn 30 năm, rồi trở thành người lãnh đạo một công ty trong ngành, Vương Hòa vẫn tận dụng được thời gian trong các chuyến công tác thực hiện niềm đam mê chụp ảnh của mình… Vương Hòa đã dần hoàn thiện nghệ thuật tạo hình trong nhiếp ảnh qua ba tập sách ảnh cá nhân Việt Nam đất nước mến yêu (2012), Cảm xúc bằng ánh sáng (2013), Giai điệu quê hương (2014)… Vương Hòa là con trai đầu của Vương Lan, đã tiếp nối được tình yêu nhiếp ảnh từ bố của mình.

Đạo diễn Vương Đức - con trai thứ hai - lúc bố mất, còn là một học trò, học hành rất bình thường, nhưng gánh lên vai trách nhiệm gia đình. "Tôi vừa đi học vừa làm thợ phay nan hoa xe đạp trên phố Hàng Bạc, rồi gánh cát ở bến Phà Đen bên Sông Hồng. Chính sự ra đi đột ngột của bố đã ảnh hưởng sâu sắc tới việc học hành của tôi sau này ở bậc phổ thông, cũng như đại học".

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 2.

“Bão biển” - tuyển tập kịch của Vương Lan

Vương Đức kể thêm: "Dù còn nhỏ, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn được dẫn tới các buổi tập kịch do bố sáng tác, như vở kịch dài Tuyến phía Nam ở Đoàn Kịch nói nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam), rồi ở Đoàn Kịch nói Nam bộ. Tôi còn được đi Hải Phòng để xem công diễn vở kịch ngắn Đêm cửa biển. Tôi được bố đưa đến nhà bác Dương Ngọc Đức, bác Trần Hoạt - đều là đạo diễn sân khấu nổi tiếng, lắng nghe bố bàn công việc chuyên môn. Bố có vẻ hài lòng vì tôi thường ngồi im lặng nghe, mặc dù còn chưa hiểu gì cả… Sự nghiệp dang dở của bố đã tác động quyết định trở thành đạo diễn điện ảnh của tôi. Tôi nghĩ rằng ở thế giới người âm, bố vẫn âm thầm theo dõi công việc của tôi và vui hơn với những thành tích tôi đạt được".

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 3.

“Đêm cửa biển” là vở kịch ngắn được nhiều đoàn kịch nói dàn dựng

Vương Đức làm các phim Cỏ lau (1973), Những người thợ xẻ (1999), Của rơi (2002), Rừng đen (2008), Nhà tiên tri (2015)… Vương Đức là chú của tôi. Chú đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012, cùng nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế tại các liên hoan phim.

Vương Nam là con trai út, còn quá nhỏ để có nhiều sự chăm sóc cũng như ký ức về bố như các anh của mình. Trong cuộc sống và công việc bề bộn, Vương Nam gặp nhiều sóng gió, thế nhưng Vương Nam đã lấp khoảng trống tinh thần lẫn vật chất đó bằng việc chăm sóc chu đáo người mẹ và lấy sở thích chụp ảnh làm niềm vui tháng ngày…

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 4.

Vở kịch “Ngoài giới hạn” khá ấn tượng

Thế hệ thứ ba làm nghệ thuật

Nhà viết kịch Vương Lan có 3 người con trai, 5 cháu nội và 6 chắt nội. Những người cháu nội dù chưa một lần được gặp, nhưng đều có những kết nối kỳ lạ với người ông đã khuất. Vương Hương, Vương Linh, Vương Việt là ba cháu lớn, thường được nghe bà kể về ông nhiều hơn cả…

Tôi (Vương Hương) là trưởng nữ của Vương Hòa, nối gót ông làm nghề biên kịch - biên tập điện ảnh. "Có hai điều kết nối tôi chặt chẽ với ông nội. Một, tôi thấy ông qua bà, hai là học theo ông viết kịch bản. Suốt tuổi thơ tôi sống cùng bà nội, bà không lúc nào nguôi gọi ông thật thân thương: "anh Lan mà còn sống thì…". Bà nhớ và yêu ông bao nhiêu thì cảm xúc của tôi về ông cũng theo bà mà nhiều mênh mang bấy nhiêu.

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 5.

Tôi tự hào rằng mình đã nối nghiệp của ông. Chính người ông chưa bao giờ gặp mặt đã vô hình và bí ẩn truyền cảm hứng bất tận cho công việc sáng tác của tôi, khiến tôi yêu và thấy được vẻ đẹp của tri thức, của văn hoá nghệ thuật, cũng như của cuộc sống.

Còn đối với nữ họa sĩ Vương Linh, "những giấc mơ" cũng đã đưa chị tới miền xa thẳm trong tiềm thức gặp ông nội kính yêu, cũng như trong công việc của mình.

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 6.

Vương Lan (giữa) đi thực tế sáng tác ở mỏ than Quảng Ninh

"Tôi chỉ được gặp ông nội qua những tấm ảnh, nhưng tôi thường gặp ông trong mơ. Lúc yếu đuối, tôi trốn mình vào giấc mơ để gặp ông, một ông một cháu, chẳng ai nói với ai câu gì, cứ thế những buổi chiều vàng… Mỗi lần lang thang trong mộng, tôi được ông dạy những bài học từ quan sát - cũng là bài học ông đã chỉ cho bố tôi. Nhớ ông, tôi vẽ những giấc mơ. Điều đó cũng định hình phong cách của tôi" -Vương Linh kể - "Một lần, ông đến gặp tôi, lần duy nhất ông tìm đến tôi, ông rất buồn. Vẫn là sự im lặng thường thường, ông mặc một bộ complet chỉnh tề, đầu đội mũ, nhưng ánh mắt sâu hút lặng lẽ, rồi ông quay gót, dáng ông xa dần…".

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 7.

Vợ chồng Vương Lan và 3 con trai lúc nhỏ

"Tôi dường như chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, ba ngày sau bà nội qua đời. Chị Vương Hương bảo: "Ông đến đón bà đi rồi…" - Vương Linh kể thêm.

Còn Vương Việt, con trai lớn của chú Vương Nam, thì bồi hồi khi ngày giỗ lần thứ 50 của ông nội đến gần: "Rồi tôi bắt đầu học đạo diễn, điều tôi luôn tự hào - tôi là thế hệ thứ ba tiếp tục làm nghệ thuật như ông. Khi đạt được các thành tựu trong công việc, tôi đến báo cáo với bà và bà luôn nhắc thắp hương cho ông nội".

"Lần đầu tiên khi tôi làm đạo diễn và đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan phim ngắn châu Á tổ chức tại Nhật, có một nhà báo người nước ngoài đã hỏi: "Bạn đã lấy cảm hứng và những nhân vật trong câu chuyện từ đâu?" Tôi trả lời ngay rằng tôi luôn có một động lực từ sự tự hào gia đình có ba đời làm nghệ thuật, cảm hứng và các nhân vật đều lấy từ gia đình, từ người ông - một biên kịch tài ba, từ bà nội - một người tần tảo nuôi con nuôi cháu, từ người bác đạo diễn, từ bố, mẹ, em gái… Có một điều kỳ lạ là dù chỉ nhìn thấy ông qua ảnh, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng mơ thấy ông, ở đó ông luôn nhìn tôi mỉm cười".

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 9.

Bà nội cùng các cháu

Đã 50 năm đã đi qua, ảnh hưởng của nhà viết kịch Vương Lan vừa tâm linh, vừa ruột thịt linh thiêng như một màn sương trong trẻo buổi ban mai, không ồn ào mà lắng đọng sâu sắc, không thô ráp mà êm ái tự nhiên, âm thầm kết nối, len lỏi vào tâm thức, vào định hướng sự nghiệp của những thế hệ con cháu…

50 năm ngày mất nhà viết kịch Vương Lan (1929 - 1974): Một vài ký ức ngược thời gian cùng con cháu - Ảnh 10.

Con cháu gia đình ông bà Vương Lan

Nhà biên kịch Vương Hương

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm