08/04/2025 11:09 GMT+7 | Tin tức 24h
Với tài thao lược xuất sắc, tinh thần quyết thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch đề ra những quyết sách táo bạo, chính xác, góp phần quyết định vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất.
Tổng Tham mưu trưởng hoạch định chiến lược tổng thể các chiến dịch trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002) sớm giác ngộ cách mạng và kiên định đi theo con đường của Đảng. Trong sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng giữ nhiều trọng trách và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị-Thiên (1972)…
Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ảnh tư liệu
Đầu năm 1975, Trước chuyển biến mau lẹ trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cử đồng chí Văn Tiến Dũng vào Tây Nguyên, cùng với các đồng chí và một số cán bộ của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, tổ chức thành một bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ở chiến trường miền Nam, mang bí danh: Đoàn A75. Quyết định này được giữ tuyệt đối bí mật.
Như vậy, cơ quan chỉ huy quân sự tối cao lúc này đã hình thành cả ở phía trước và phía sau, vừa sâu sát mặt trận vừa bao quát ở tầm chiến lược, vĩ mô, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, kịp thời. Lúc này, Đại tướng Văn Tiến Dũng giữ vai trò chỉ huy cao nhất trên chiến trường, theo sát diễn biến chiến sự và tham gia hoạch định chiến lược tổng thể cho toàn bộ các chiến dịch.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, với tư cách Tổng Tham mưu trưởng, ông cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên do Thượng tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh đã có những quyết định mang tính đột phá, đặc biệt là việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu. Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã khiến hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn tại Tây Nguyên sụp đổ nhanh chóng, mở ra bước ngoặt chiến lược, buộc địch phải rút lui trong hoảng loạn.
Tranh thủ thời cơ, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch chiến lược, thúc đẩy các đợt tiến công thần tốc xuống miền Trung. Kết quả là Chiến dịch Huế-Đà Nẵng thắng lợi, giải phóng thêm nhiều tỉnh/thành, đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng.
Tổ chức và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh
Sau những thắng lợi tạo tiền đề vững chắc của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, thời cơ để ta mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi. Bộ Chính trị quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. “Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”.
Ngày 7/4/1975, tại Hội nghị Trung ương Cục bàn về kế hoạch tiến công Sài Gòn-Gia Định, Đạitướng Văn Tiến Dũng thay mặt cơ quan Tiền phương Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh phát biểu nhấn mạnh ưu thế của ta và yêu cầu cần dứt điểm càng nhanh càng tốt. Đồng thời, điện đề nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đốc thúc các cấp, các ngành trên cả hai miền Nam, Bắc tăng cường lực lượng, chi viện kịp thời cho chiến trường trọng điểm.
Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Sài Gòn-Gia Định (từ ngày 14/4 đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh), Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, bản kế hoạch tác chiến được xây dựng chi tiết, khẩn trương trong vòng 1 tuần (từ ngày 15 đến21/4/1975).
Quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định: đây là đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc chiến tranh nên phải giành thắng lợi triệt để và nhanh chóng. Do đó, cần phải tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp. Quá trình thực hành chiến dịch, cần kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng, nhưng tiến công quân sự phải đi trước một bước, giữ vai trò quyết định. Khi địch không còn bất ngờ về địa điểm, về thời gian thì ta sẽ tạo bất ngờ bằng lực lượng áp đảo.
Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trăn trở rất nhiều về cách đánh vào Sài Gòn sao cho nhanh chóng và chắc thắng. Đánh như nào để đập tan toàn bộ hệ thống quân sự và chính quyền Sài Gòn, nhưng phải đảm bảo để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không làm cho nhân dân bị thiệt hại nhiều về tính mạng, tài sản, để cuộc sống nhanh trở lại bình thường sau giải phóng.
Sau khi phân tích kỹ lưỡng, Đại tướng cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã đi tới nhất trí về cách đánh của chiến dịch, đó là: “Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy hoặc lùi dần về Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành gồm: Sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, biệt khu thủ đô và tổng nha cảnh sát ngụy”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3-1975. Ảnh tư liệu
Lực lượng chủ lực tiến công hình thành 5 cánh, mỗi cánh tương đương 1 quân đoàn, do những tướng lĩnh có tài chỉ huy. Các mũi, các cánh sau khi đánh chiếm các mục tiêu và khu vực được phân công phải nhanh chóng đến hợp điểm ở Dinh Độc Lập. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng xây dựng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ với tiến công quân sự.
Ngày 22/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh duyệt lại lần cuối kế hoạch tác chiến và kế hoạch bảo đảm; giao khu vực tác chiến và mục tiêu tiến công cụ thể cho từng quân đoàn trên từng hướng. Tại buổi duyệt này, tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được trải trên bàn với những nét vẽ đỏ tươi chỉ 5 hướng tấn công của các binh đoàn vào Sài Gòn-Gia Định, giống “như 5 bông sen nở tung ra từ năm mục tiêu tấn công chủ yếu… Dinh Độc lập trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch và Chính ủy Phạm Hùng, cùng ký vào tấm bản đồ đó. Kế hoạch này nhanh chóng được Bộ Chính trị phê duyệt. Các đơn vị lần lượt đến sở chỉ huy nhận nhiệm vụ tiến công theo từng hướng.
Lãnh đạo trực tiếp trong thời khắc quyết định
Diễn biến trận quyết chiến chiến lược đã diễn ra đúng như kế hoạch của Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đến trước 17 giờ ngày 26/41975, ta đã hình thành được thế trận bao vây thành phố từ nhiều mặt. Các lực lượng lớn của Chiến dịch đã tiến dần vào vị trí triển khai. Các lực lượng đặc công, biệt động đã ém sẵn tại các vị trí quy định ở vùng ven và cả trong nội thành, sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu, mở và bảo vệ đường tiến cho các cánh quân lớn, đặc biệt là các cầu quan trọng trên đường vào trung tâm thành phố.
Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu với các đợt tấn công dữ dội vào hệ thống phòng thủ ngoại vi của Sài Gòn. Đại tướng Văn Tiến Dũng theo sát diễn biến thực địa, chỉ đạo từng cánh quân, liên tục điều chỉnh phương án tác chiến để đảm bảo đánh nhanh, thắng gọn.
Sáng ngày 30/4/1975, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Văn Tiến Dũng, các cánh quân đồng loạt tấn công vào trung tâm Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn-Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đại tướng Văn Tiến Dũng chính là người xác nhận hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Như vậy, Đại tướng Văn Tiến Dũng, với tài thao lược và phẩm chất lãnh đạo kiệt xuất, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Đánh giá về Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: đó là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh Lê Hoài, sinh ngày 2/5/1917; mất ngày 17/3/2002; Quê quán: xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội
Trong sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng:
- Ủy viên Bộ Chính trị: Khóa III (từ 1972) IV, V
- Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa II (dự khuyết), III, IV, V, VI
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2/1980 - 2/1987)
- Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (1953-1980)
- Đại biểu Quốc hội: Khóa II, III, IV, V, VI, VII.
Đại tướng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất