Huyền thoại Paul McCartney: 'Mê' sáng tác thuê từ thời Beatles

22/12/2014 14:01 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Cựu thành viên Beatles, Paul McCartney, đang ở New York để quảng bá cho Hope For The Future, khúc ballad được ông sáng tác cho trò chơi điện tử Destiny.

Đã ở tuổi ngoại thất thập, song McCartney vẫn trẻ trung và bước đi nhanh nhẹn như thời ông đứng trên sân khấu trình diễn, trong chương trình The Ed Sullivan Show cách đây nhiều thập kỷ.

Thú vui viết nhạc theo đơn đặt hàng

McCartney trẻ trung cả trong suy nghĩ và ông đã gạt bỏ ý tưởng viết hồi ký về tuổi 70 vì cho rằng mình chưa già. Tuy nhiên, người ta có thể tìm được những ký ức của ông trong phòng làm việc hết sức sáng sủa và hiện đại hay từ bức ảnh đen trắng do bà Linda, người vợ quá cố của ông, chụp trước khi qua đời.

Thời gian này, McCartney ở Mỹ để quảng bá cho âm nhạc trong Destiny. Điều thú vị là McCartney không say mê trò chơi điện tử, song vẫn sáng tác nhạc phục vụ các game thủ.

Thực tế thì ông luôn sẵn sàng viết nhạc theo yêu cầu của người khác. Sáng tác ca khúc theo “đơn đặt hàng” là thú vui của McCartney từ những năm ông sát cánh cùng ban nhạc Beatles. Thời điểm ấy, ông đã biên soạn nhạc nền cho bộ phim The Family Way (1966). McCartney thích sự khó khăn, thách thức của việc “lắp ghép” một nhạc phẩm vào một câu chuyện có sẵn. Ông so sánh công việc này như giải trò chơi ô chữ. Một trong những nhạc phẩm McCartney yêu thích nhất là ca khúc ăn khách mà ông sáng tác cho bộ phim Live And Let Die (Sống và để chết - 1973).


Paul McCartney, cựu thành viên nhóm nhạc huyền thoại Beatles vẫn vô cùng trẻ trung

“Khi được mời sáng tác ca khúc cho Sống và để chết, tôi nghĩ mình khó có thể đảm đương công việc. Tôi tưởng rằng mình không thể sáng tác nhạc theo chủ đề có sẵn. Cuối cùng tôi vẫn thành công” – McCartney kể.

McCartney cho biết ông vẫn chịu khó quan sát thời cuộc và để tâm tới thời sự. Ông trò chuyện với bạn bè qua các trang mạng xã hội và còn đặc biệt yêu thích chàng ca sĩ trẻ mới nổi Sam Smith. Mới đây, McCartney còn tới dự một chương trình hòa nhạc của Jay-Z và Kanye West. Ông ca ngợi phần ca từ của họ như “thơ hiện đại”.

McCartney không nghĩ mình là người thích kể chuyện đời tư, giống như John Lennon. Các ca khúc của ông thường mô tả tâm trạng và cá tính hơn là cuộc sống riêng tư. Có những lúc ông đề cập đến các vấn đề xã hội trong nhạc phẩm của mình. Chẳng hạn, ông viết về trào lưu nhân quyền trong những năm 1960 ở ca khúc Blackbird. Ông đã thử sáng tác ca khúc về vụ cảnh sát da trắng Mỹ bắn chết thanh niên da màu ở Ferguson, bang Missouri, và một vụ khác tại New York.

“Gần đây, tôi suy nghĩ nhiều về các cuộc biểu tình tại New York và khắp nước Mỹ. Tôi nghĩ sẽ thật có ích nếu như viết một điều gì đó về chuyện này, chỉ để hòa chung tiếng nói với hàng ngàn người diễu hành trên các đường phố. Sáng tác một ca khúc về việc này không hề dễ dàng, song tôi sẽ không từ bỏ” – McCartney chia sẻ.  

Tự hào về sức mạnh của âm nhạc Anh

McCartney thường xuyên trở về quê hương Liverpool, nơi ông đã góp phần sáng lập Viện Nghệ thuật trình diễn Liverpool. Viện này nằm trên khu đất của ngôi trường mà ông và George Harrison (thành viên khác của Beatles) từng theo học khi còn nhỏ.

Ông vẫn giữ liên lạc với gia đình và các cộng sự cũ. Ông thường trò chuyện với nhà sản xuất của Beatles là George Martin. McCartney chia sẻ rằng, bất cứ khi nào sáng tác ca khúc,  ông lại nhớ đến tinh thần của Lennon.

“Những lúc đó tôi lại hình dung mình đang ở trong phòng cùng Lennon. Khi soạn lời, nếu thấy không ổn, tôi sẽ tưởng tượng lời Lennon khuyên can rằng "đừng viết như vậy". Tôi luôn nghĩ về Lennon và coi đó là cách để phán xét những gì mình đang làm” - McCartney nói.

Có thể nói, lịch sử nước Anh, Beatles và thời thơ ấu luôn đồng hành cùng McCartney ở khắp mọi nơi, kể cả khi ông dự tiệc ở Nhà Trắng hay tiệc mừng sinh nhật vợ ông là bà Nancy ở Tokyo, nơi các nghệ sĩ đã tề tựu và tôn vinh ông.

“Tôi đã rất cảm động khi ngồi ở đây và nghĩ về sức mạnh của âm nhạc Anh. Trên khắp thế giới, nhiều nghệ sĩ đã trình diễn các ca khúc của Beatles và ban nhạc Queen. Họ tái tạo các nhạc phẩm một cách đầy kinh ngạc. Có thể họ nói tiếng Anh không trôi chảy, song họ thể hiện các ca khúc hay vô cùng” – McCartney tự hào nói.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm