55 năm làm mỹ thuật trên sách thiếu nhi

18/06/2012 14:07 GMT+7 | Đọc - Xem

Với gần 400 họa sĩ cộng tác viên, Kim Đồng là nhà xuất bản có số lượng họa sĩ đông nhất Việt Nam. Đơn vị này cũng là một trong những trung tâm đồ họa sách hàng đầu của cả nước.

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập NXB Kim Đồng (17/6/1957), họa sĩ Tô Chiêm chia sẻ hành trình hơn nửa thế kỷ các họa sĩ gắn bó với đơn vị làm sách dành cho thiếu nhi này.

Người xưa có câu "Khán đồ thức tự”- có thể hiểu là xem tranh biết được chữ - qua câu này của tiền nhân, ta biết được công năng giáo dục của đồ họa sách (bao gồm minh họa, bìa và trình bày) lớn ra sao!

Nhận thấy điều này, ngay từ những ngày đầu thành lập, những họa sĩ, biên tập đầu tiên của NXB đã trăn trở với những chiếc "áo bìa" làm nên bộ mặt một cuốn sách.

Trong hồi ký của mình, nhà văn - họa sĩ lão thành Thy Ngọc viết: "…Ngay từ ban đầu các họa sĩ vẽ bìa đã có ý thức về loại bộ, các thể loại được khoác những bộ áo khác hẳn nhau, để các em phân biệt thể loại dễ dàng khi tìm đọc. Tuy chưa rõ rệt ra từng lứa tuổi nhưng đó là những bước đi đầu tiên cho các loại, bộ sách sau này. Ngoài áo bìa của từng thể loại, ban biên tập quyết định mỗi cuốn sách in ra dù dày hay mỏng cũng phải có ba minh họa. Chủ trương này có ngay từ cuốn sách đầu tiên vì sách thiếu nhi nhất định phải có tranh vẽ.

… Tranh truyện được bàn bạc từ rất sớm. Câu chuyện được minh họa bằng những hình ảnh cụ thể đập ngay vào thị giác các em, thật dễ hiểu, nhưng không sao thực hiện được do khắc gỗ mất quá nhiều thời gian và công sức”.

Lớp họa sĩ của NXB này đến từ các trường Mỹ thuật, các đơn vị xuất bản bạn, xưởng phim, xưởng mỹ thuật quân đội và quốc gia... Công việc khó khăn hơn nhiều khi các đơn vị đi sơ tán trong giai đoạn Mỹ ném bom miền Bắc. Các biên tập viên họa của nhà xuất bản phải đạp xe hàng chục cây số trong mưa bom để giao và nhận bản vẽ minh họa của các cộng tác viên.


Các ấn phẩm của NXB Kim Đồng luôn được đầu tư về bìa, tranh vẽ, minh họa...

Điểm lại danh sách các họa sĩ - công tác viên thời kỳ những năm đầu xây dựng của NXB, có thể thấy gần đủ các trụ cột của nền mỹ thuật Việt Nam mới, đó là các họa sĩ xuất thân từ Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Sỹ Ngọc, Lương Xuân Nhị, Tạ Thúc Bình, Mai Văn Hiến, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp, Văn Cao, Trần Duy, Huỳnh Văn Thuận, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái...

Cho đến các họa sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và trường Mỹ thuật Việt Nam như: Đào Đức, Ngô Mạnh Lân, Lê Huy Hòa, Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Mai Long, Trần Lưu Hậu, Thế Vỵ, Ngọc Linh, Lê Lam, Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Vũ Giáng Hương, Phạm Công Thành...

Các họa sĩ mỗi người một con mắt thẩm mỹ, sự cảm thụ màu sắc, mỗi phong cách... nhưng tất cả đều dồn hết tâm lực vào cây bút của mình để tạo nên các bức tranh bìa và minh họa đẹp cho trẻ thơ.

Những tác phẩm của các họa sĩ nói trên đã đạt những giải cao về đồ họa sách ở trong nước và nước ngoài như những cuốn: Tranh truyện thơ Phù đổng Thiên vương, minh họa Tạ Thúc Bình, đoạt giải ba tại Triển lãm sách Quốc tế Moscow năm 1970. Cuốn tranh truyện Tấm Cám, tranh Mai Long, được bằng khen tại triển lãm sách thiếu nhi Tiệp Khắc, năm 1985. Cuốn Sát Thát, tranh của Nguyễn Bích, được tặng giải Bạc tại Triển lãm nghệ thuật sách Quốc tế IBA-Dresden (Đức) năm 1971.

Sau chiến thắng năm 1975, Nhà xuất bản mở rộng công tác viên về phía Nam. Những họa sĩ - cộng tác viên người miền Nam lại từ miền Bắc trở về làm lực lượng nòng cốt ở phía Nam như: Hà Quang Phương, Trần Văn Phú, Chi Lăng, Ngô Minh Cầu.. Những họa sĩ từ vùng giải phóng về như Ngô Đồng, Chu Thảo, Hoàng Trầm, Bùi Quang Ánh.... Những họa sĩ của Sài Gòn như Đinh Cường, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Thanh Bình, Văn Minh, Kim Khánh, Đức Lâm, Hướng Dương... Họ cùng góp thêm những tiếng nói mới, khác lạ cho mảng đồ họa sách.
Nhiều thế hệ họa sĩ đã gắn bó với chặng đường phát triển hơn nửa thế kỷ của NXB này.
Nhiều thế hệ họa sĩ đã gắn bó với chặng đường phát triển hơn nửa thế kỷ của NXB này.

Năm 1991, NXB được Bộ Văn hóa Thông Tin khi đó cùng với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam giao nhiệm vụ tổ chức "Lớp tập huấn quốc gia cho trẻ em" tại Việt Nam từ ngày 11/9 đến 21/9/1991. Lớp tập huấn làm sách tranh cho trẻ em này do các họa sĩ, chuyên gia Nhật Bản trực tiếp hướng dẫn.

Giai đoạn này, NXB có được một đội ngũ họa sĩ - cộng tác viên trẻ trong tư duy, khỏe trong sáng tác. Phần lớn họ đều là các họa sĩ "tiên phong" trong thời kỳ đổi mới của ngành mỹ thuật Việt Nam. Từ một Thành Chương chắc khỏe, tinh tế, Lương Xuân Đoàn bảng lảng, đầy chất thơ, Hà Trí Hiếu quê mùa, mộc mạc, Thọ Tường hồn nhiên, thơ ngây, rồi Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung, Đỗ Phấn...

Sự đóng góp của đồ họa sách vào những thành công của NXB có thể thấy rõ trên các trang in, các ấn phẩm. Những bộ truyện tranh, minh họa được vẽ trên máy tính đang dần dần chiếm lĩnh các trang sách. Tranh truyện dài kỳ "made in Việt Nam" đã xuất hiện và bước đầu được trẻ em Việt Nam tiếp nhận, như: Tý Quậy, Nổ tung...

Nhà xuất bản luôn quan tâm đến các cuộc giao lưu, chia sẻ với các cộng tác viên viết và vẽ. Từ năm 1993 trở lại đây, 4 cuôc vận động sáng tác đã được tổ chức. Các cuộc vận động sáng tác nằm trong khuôn khổ "Dự án hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch" đã lôi cuốn được nhiều nhà văn và họa sĩ trẻ tham gia.

Có thể kể ra một số gương mặt họa sĩ trẻ của giai đoạn này: Lê Minh Hải, Vũ Đình Giang, Bích Khoa, Bùi Hải Nam, Vũ Xuân Hoàn, Lưu Quang Thụy, Quốc Cường, Mai Hoa, Kim Điệp, Nguyễn Trường Linh, Lê Phương, Nguyễn Thành Phong, Vũ Hương Quỳnh, Nguyễn Ngọc Quân, Trần Minh Tâm, Đỗ Đình Tân, Phạm Huy Thông, Bích Phượng, Phạm Hoàng Giang, Vũ Thùy Dung, Phùng Xuân Ngân...

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, một cộng tác viên thân thiết của NXB, nhận định: "Có thể nói thiếu nhi Việt Nam đã được hưởng một nguồn tri thức có chất lượng thẩm mỹ cao từ các loại sách của Nhà xuất bản Kim Đồng”

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm